LTS: Với kinh nghiệm 15 năm đứng lớp, cô giáo Hà Thị Vinh Tâm (giáo viên Trường Trung học phổ thông Cửa Lò, Nghệ An) chia sẻ một vài suy nghĩ về những nguyên tắc để giờ học Ngữ văn đạt hiệu quả.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Những năm gần đây, phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực diễn ra rộng khắp ở các trường phổ thông.
Qua nhiều năm thực hiện, phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ cả chiều sâu lẫn chiều rộng, mang lại hiệu quả thiết thực cho ngành giáo dục và cho xã hội.
Muốn phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở mỗi trường đạt hiệu quả thì phải tích cực “xây dựng lớp học thân thiện, học sinh tích cực”.
Muốn có nhiều “lớp học thân thiện, học sinh tích cực” thì phải có nhiều “giờ học thân thiện, tích cực”.
Tuy nhiên vấn đề xây dựng được giờ học, tiết học thân thiện và tích cực để hướng đến phát huy phẩm chất, năng lực học sinh lại chưa được quan tâm một cách cụ thể, hệ thống, chiều sâu ở tất cả các môn học.
Một trong những cách thức quan trọng tạo nên bầu khí quyển “thân thiện, tích cực” ấy chính là cách cư xử, giao tiếp giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh trong suốt tiết dạy học.
Cách cư xử giao tiếp đa chiều này trong một giờ dạy học có tác dụng làm tăng cường tương tác, tạo mối quan hệ gần gũi, tích cực, cởi mở, lành mạnh, đồng thời nhằm hướng tới tính giáo dục và tính thẩm mỹ cao.
Hiệu quả giờ dạy đuợc nâng cao, giáo viên và học sinh vừa cảm thấy hạnh phúc vừa được hoàn thiện chính mình từ đó, càng thêm yêu quý trường, lớp, yêu thích việc học, say mê bộ môn và luôn cảm thấy biết ơn trong mỗi giờ dạy học.
Bằng trải nghiệm của chính bản thân trong suốt 15 năm gắn bó với nghề, bản thân tôi đúc rút ra những nguyên tắc ứng xử sau để tạo nên một giờ dạy học thân thiện – tích cực:
1. Quy tắc 2H (Hiểu rõ và hợp tác)
Hiểu rõ ở đây bao gồm hiểu rõ bản thân giáo viên (biết được ưu điểm và hạn chế của bản thân để hoàn thiện mình hơn ở từng giờ dạy), hiểu rõ bài học để lựa chọn nội dung cần dạy;
Hiểu rõ đối tượng học sinh mình dạy (hoàn cảnh sống, khả năng tiếp thu, tính cách, tâm lý, thế mạnh và hạn chế của từng học sinh) để uốn nắn, giúp đỡ, chỉ bảo, động viên và khuyến khích các em.
Hợp tác nghĩa là trong quá trình dạy, giáo viên luôn tạo sự tương tác giữa cô với trò, giữa trò với trò.
Muốn như thế, giáo viên phải nhẹ nhàng, tạo sự hấp dẫn, tình huống có vấn đề để học sinh luôn hứng thú thực hiện các nhiệm vụ mà giáo viên đưa ra, cùng nhắc nhau và hỏi nhau cách làm, cách thực hiện.
Trước khi giao bất kỳ nhiệm vụ nào, giáo viên cũng chỉ rõ những lợi ích các em thu được khi thực hiện nhiệm vụ, không gay gắt, dồn dập khi thúc giục các em làm việc, luôn có những lời khích lệ, động viên, ghi nhận cố gắng của học sinh và có những chỉ dẫn tốt nhất để học sinh thực hiện nhiệm vụ:
“Theo cô, em nên …thì sẽ rất tuyệt vời, Em làm từng bước một nhé, Bạn nào giỏi cô sẽ cộng điểm thưởng”.
Làm thế nào để xây dựng giờ học Ngữ văn thân thiện và tích cực? (Ảnh minh hoạ: Giaoduc.edu.vn) |
2.Quy tắc 2Q (Quan tâm và Quan sát)
Quan tâm: Luôn chú ý, hỏi han về tình hình của các em, biết được nguyện vọng, tâm tư và những ưu thế, mong muốn của học sinh để giáo viên giao nhiệm vụ phù hợp.
“Các em có mệt không?, Tại sao cô thấy em buồn? Hình như em có chuyện gì? Hình như chỗ này em chưa rõ? Để cô giúp em nhé?, Em có mong ước gì?”
Quan sát: giáo viên cách thức các em học tập, thái độ ứng xử của các em để thấy những chuyển biến, thay đổi về tâm lý.
Nhìn thấy sự nỗ lực của học sinh để động viên và chỉ ra cách các em khắc phục hạn chế, ghi nhận sự nỗ lực của các em trong từng giờ dạy: “Cô thấy chỗ này em đã làm tốt rồi, cô thấy em đã có ý tưởng độc đáo,…”
3. Quy tắc 2T (Trách nhiệm và Tâm huyết hoặc Tin tưởng và tận tâm)
Trách nhiệm: Mỗi nhiệm vụ đưa ra cho các em, giáo viên phải luôn đặt câu hỏi: Why (Tại sao mình lại giao nhiệm vụ này cho các em) tìm ra mục đích của việc giao nhiệm vụ, What (Giao nhiệm vụ gì cho các em một cách phù hợp để kích thích tư duy, sự sáng tạo của các em?), How (Giao nhiệm vụ như thế nào để các em biết cách làm và làm có hiệu quả).
Đi cùng với hành trình các em thực hiện nhiệm vụ, giáo viên luôn sẵn sàng trả lời tin nhắn, gọi điện hỏi tiến độ, tháo gỡ những vướng mắc của các em để có sự giúp đỡ kịp thời.
Thậm chí có những bài đăng trên trang nhóm Văn của lớp để nhắc nhở các em thường xuyên) để các em luôn có cảm giác cô luôn dõi theo, luôn ở bên, luôn đồng hành: “Em làm được chưa? Có chỗ nào khó không? Các em đã hiểu vấn đề chưa? Các em làm cô sẽ góp ý luôn nhé…”
Tâm huyết: Thực sự say mê, yêu thích trong mỗi giờ lên lớp. Yêu quý học sinh, trân trọng học sinh, say sưa với những tìm tòi, sáng tạo của học sinh và của chính mình trong mỗi giờ dạy.
Xem mỗi giờ dạy là một cơ hội để trải nghiệm bản thân và hoàn thiện chính mình, giúp ích và truyền cảm hứng cho học sinh.
Với tôi, dạy ở lớp nào cũng vậy, cần “gieo” cho các em niềm tin và hi vọng, tình thương và lẽ sống nhiều hơn “gieo” con chữ.
Tôi thường sưu tầm những bài viết, thước phim, bài hát có giá trị và truyền động lực tích cực để gieo vào tâm hồn học sinh về sống đẹp, ơn nghĩa sinh thành, tình bạn đẹp, thầy trò, nghị lực sống, tấm gương hiếu học,… những giá trị đạo đức, cách ứng xử luôn được chú trọng rút ra từ giờ dạy: “Em nghĩ gì về…”, “Có bao giờ em…”, “ Nếu em là…”.
Ví dụ trong môn Ngữ văn, ở bài Bắt sấu rừng U Minh Hạ, giáo viên có thể cho học sinh phát biểu ý kiến về ông Năm Hên để thấy ông Năm Hên giàu tình cảm, trọng nghĩa tình và sống trách nhiệm với cộng đồng rất cao.
4.Quy tắc 2K (Kỷ luật và Khích lệ)
Kỷ luật ở đây là có quy định cụ thể với học sinh.
Có điểm cộng, trừ, thưởng phạt cụ thể nghiêm khắc cho từng nhiệm vụ được giao, có tiêu chí chấm điểm cụ thể cho mỗi nhiệm vụ.
Giáo viên công khai “quy chế” giờ học rõ ràng và thực hiện đúng theo “luật” đó để tạo sự công bằng, tin tưởng và tạo những thói quen tốt cho học sinh.
Giáo viên có thể duy trì mối quan hệ thân thiết với học sinh trong lớp học nhưng giáo viên luôn nhớ rằng mình là giáo viên không phải bạn bè của học sinh.
Khích lệ là luôn bao dung và kiên nhẫn, dành những lời khen ngợi, ghi nhận đúng đắn, chính xác cho các em.
Ví dụ: Ý tưởng của em rất hay, Việc này em làm giỏi quá, Câu trả lời/ sản phẩm của em thật sáng tạo, Em đã rât cố gắng khi…, Cô rất xứng đáng được điểm cao, Cô tin em sẽ điều hành nhóm tốt, Em rất năng động và nhanh nhẹn,” v.v…
Từ đó, tạo sự phấn khởi, sự tự tin, mạnh dạn ở mỗi học sinh.
5. Quy tắc 2Đ (Đa dạng và Định hướng)
Đa dạng trong cách dạy, cách hướng dẫn học sinh hoạt động từ khi bước vào lớp đến tiến trình dạy, cách hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài ở nhà và giao bài tập.
Cung cấp các lựa chọn để học sinh cảm thấy được tôn trọng hơn nữa để tạo sự hứng thú, yêu thích đối với các nhiệm vụ đặt ra (vì nó phù hợp và giúp các em phát huy được thế mạnh, được thể hiện mình tốt hơn.
Để học sinh có thái độ tốt, trước hết, bản thân giáo viên cần có những định hướng về tư duy và cách hành động để giúp các em hoàn thành tốt nhiệm vụ của bản thân trong tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái.
Giáo viên đưa ra các đầu sách tham khảo, các đường link, các trang web liên quan đến nhiệm vụ học tập các em đang giải quyết hoặc giáo viên quay video hướng dẫn cụ thể.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập, giáo viên vừa quan sát, nhận xét, vừa đưa ra cách khắc phục và hoàn thiện sản phẩm.
6.Quy tắc 2L (Làm gương và Lắng nghe)
Làm gương: Khi xuất hiện trước mắt học sinh, giáo viên phải luôn chuẩn mực, mô phạm mà người giáo viên cần chú ý khi đứng trước học sinh từ cách ăn nói, đi lại, ghi bảng,…
Trong giờ đọc hiểu văn bản, tôi đặc biệt chú trọng cách đọc diễn cảm để học sinh cảm nhận được giọng điệu, tiếng lòng của tác giả qua văn bản.
Tôi cũng thường chú ý trang phục, cách chào hỏi học sinh, cách đi đứng và ngay cả thao tác viết bảng, trình bày trên bảng (dùng phấn màu để phân biệt các mục, chứ viết rõ ràng, ghi rõ ngày tháng năm dạy, số lượng và tên học sinh vắng, kẻ các phần bảng ngay ngắn).
Dù là tiết thao giảng hay tiết dạy bình thường, tôi cũng luôn duy trì thói quen đó.
Theo tôi, điều đó sẽ giúp học sinh cảm thấy không gian lớp học trang nhã, quy củ, tạo hứng khởi và hấp dẫn cho học sinh trong từng giờ dạy.
Một lời nói mộc mạc, một cử chỉ chân thành, một nụ cười thân thiện, một ánh mắt trìu mến, sự ứng xử khéo léo… của giáo viên sẽ tạo tính tích cực cho giờ học thân thiện.
Lắng nghe: Lắng nghe học sinh nhận xét, góp ý, đánh giá về bài học, về các bạn khác, về chính các em và về giáo viên trong các bước lên lớp.
Nếu sai, tôi sẵn sàng xin lỗi bằng một thái độ chân thành, nghiêm túc và nói rõ lý do cho các em biết để các em hiểu, cảm thông, đồng thời giúp các em có thêm bài học về lẽ sống.
Thậm chí ở lứa tuổi các em có nhiều chuyện thầm kín, giáo viên khi học sinh tin tưởng tâm sự cần lắng nghe cụ thể và có lời khuyên chân thành với các em.
Tóm lại, khi chúng ta áp dụng những nguyên tắc ứng xử đã trình bày trên đây ngoài hiệu quả tác động tích cực đến hứng thú học tập môn Ngữ văn của học sinh, làm thay đổi thái độ học tập với môn Ngữ văn của học sinh còn tác động trực tiếp đến nhận thức, ý thức và năng lực của giáo viên, góp phần quan trọng vào việc đổi mới giáo dục hiện nay.
Thiết nghĩ, thực hiện được những nguyên tắc ứng xử này là một điều kiện, một cơ hội để giáo viên tự tìm hiểu tài liệu, cập nhật thông tin tri thức mới, củng cố kiến thức chuyên môn từ đó nâng cao năng lực, phẩm chất của chính mỗi giáo viên.
Qua mỗi giờ dạy Ngữ văn, giáo viên luôn thể hiện mình là “một tấm gương tự học và sáng tạo”.
Tôi rất tâm đắc với quan điểm của thầy Ranfe trong cuốn Dạy trẻ bằng trái tim: “Một người giáo viên tốt là một kỳ tích của lớp học với phương thức giáo dục sáng tạo: biến trẻ thành thiên sứ đam mê học tập, thái độ nhiệt tình trong giáo dục, khiến phòng học trở thành mái nhà ấm áp” (1).
Chú thích:
(1)Rafe EsQuith (2018), Dạy trẻ bằng cả trái tim, Nguyễn Thị Yến dịch, Nxb Lao động – xã hội.