Nỗi lo học phí của sinh viên nghèo càng chồng chất sau dịch Covid-19

08/06/2020 15:50
Thùy Linh
GDVN- Bình thường, sau giờ học Hiếu đi làm thêm trông xe, rửa bát để trang trải cuộc sống và nộp học phí. Tuy nhiên, sau Tết khi cả nước nghỉ dịch thì Hiếu cũng ở nhà.

Tôi có dịp gặp một số học sinh, sinh viên khu vực miền Bắc có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 tại lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” do Báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 7/6.

Mỗi suất dành cho học sinh trị giá 1,5 triệu đồng và sinh viên là 3 triệu đồng kèm quà tặng.

Lô Thị Hạnh sinh ra trong gia đình làm nông nghèo khó ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, bản thân bị vẹo cột sống lưng từ nhỏ, rất yếu ớt, nhưng vượt qua tất cả, em đã trở thành sinh viên ngành công nghệ thông tin trường Đại học Mở Hà Nội.

Hạnh là con cả trong gia đình có ba chị em, bố mẹ đều làm ruộng, kinh tế gia đình phụ thuộc vào 5 sào lúa và trông vào bố mẹ đi làm thuê.

Gia đình em nhiều năm liền nằm trong diện hộ nghèo của xã miền núi Làng Hăng này.

“Trước dịch Covid-19 vừa qua gia đình có trồng được 2 sào ớt tuy nhiên do dịch bệnh nên Trung Quốc đóng cửa khẩu chính vì vậy khi thu hoạch ớt bán với giá rất rẻ, nếu trước đây 20.000 đồng/kg thì nay chỉ bán được 3.000-4.000 đồng/kg.

Chính vì vậy, điều kiện kinh tế gia đình em đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn. Nhận được học bổng này sẽ giúp em có tiền để trang trải tiền học phí”, Hạnh chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam.

Lô Thị Hạnh (Ảnh: Thùy Linh)

Lô Thị Hạnh (Ảnh: Thùy Linh)

Hạnh sinh ra không được may mắn như các bạn. Lên 3 tuổi, gia đình phát hiện em bị tật gù ở lưng, sức khỏe yếu ớt, đau ốm liên miên. Đến nay mỗi khi trái nắng trở trời thì cơn đau nhức lại xuất hiện.

Khát khao học, khát khao vượt qua bệnh tật, khát khao trở thành sinh viên ngành công nghệ thông tin nên khi tốt nghiệp lớp 12, Hạnh đăng ký thi đại học với mục đích thử sức mình nhưng khi biết tin đỗ thì em rất vui nhưng kèm theo đó lại là nỗi lo của cả gia đình.

Bởi lẽ, Hạnh hiểu rằng học ở Hà Nội chi phí rất đắt nhưng được bố mẹ động viên nên em đã đi học và luôn cố gắng.

Hạnh cũng kể, đúng đợt nhập học thì em nhận được học bổng nhờ có số tiền đó em có thêm tiền để nhập học.

Đến khi vào trường nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô, cứ như vậy Hạnh bước qua quãng thời gian sinh viên vừa qua thật đẹp.

Còn em Phạm Trung Hiếu (sinh viên năm 3, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) không kìm được xúc động chia sẻ về những ngày tháng bươn chải nơi thủ đô. Mẹ già yếu, Hiếu xin phụ quán cơm, phụ trông xe ở trường.

Bình thường, sau giờ học Hiếu đi làm thêm trông xe, rửa bát tại các nhà hàng. Số tiền kiếm được góp thêm giúp em trang trải cuộc sống và nộp học phí. Tuy nhiên, sau Tết khi cả nước nghỉ dịch thì Hiếu ở nhà.

Không có việc làm, về nhà sống với mẹ với nguồn thu chính là trồng rau nhưng cũng vì dịch mà rau cũng không bán được.

Phạm Trung Hiếu (Ảnh: Nam Nam)

Phạm Trung Hiếu (Ảnh: Nam Nam)

"Các bạn đi học có bố mẹ lo học phí, còn em từ năm cấp 2 đến nay việc em lo nhất là mỗi lần trường thông báo đóng học phí.

Vào trường đại học, mỗi năm học phí lên đến 25 triệu đồng, số tiền quá lớn nên em không dám nói với mẹ.

Em biết mẹ không có tiền, em vay bạn bè, em đi làm thêm. Nay nhận tin học bổng, em mừng lắm, học bổng đến đúng lúc em phải đóng học phí", Hiếu chia sẻ.

Còn hai mẹ con em Lê Thu Hiền (lớp 11A1, Trường Trung học phổ thông Mỹ Đức C, Hà Nội) bố đột ngột qua đời, một mình mẹ em gồng gánh lo cho các con ăn học nên người.

Suốt năm tháng qua mẹ của Hiền nhận đan hạt, bốc gạch thuê để mưu sinh giữa dòng đời nhưng dịch Covid-19 khiến công việc không thường xuyên, số lượng đơn hàng bị giảm, đặc biệt giá thành của sản phẩm đan hạt lại bị giảm khiến 2 mẹ con càng khó khăn.

Hai mẹ con em Lê Thu Hiền (Ảnh: Nam Nam)

Hai mẹ con em Lê Thu Hiền (Ảnh: Nam Nam)

"Tôi rất xúc động vì các nhà hảo tâm đã giúp đỡ những người có hoàn cảnh như chúng tôi. Số tiền này sẽ tiếp sức cho cháu đến trường, giúp cháu tự tin có định hướng cho tương lai.

Tôi mong sau này con sẽ làm được nhiều việc có ích như các nhà hảo tâm ngày hôm nay", bà Vượng - mẹ em Hiền - xúc động nói.

Qua lắng nghe trao đổi của các em để thấy rằng hành trình vươn lên của học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vẫn còn rất gian nan nhất là sau đại dịch Covid-19.

Thùy Linh