Cần bỏ ngay xếp loại “hạnh kiểm yếu”

11/06/2020 14:22
Tùng Dương
GDVN- 3 từ “Hạnh kiểm yếu” lạnh lùng như một bản án suốt đời mà hệ luỵ của nó đối với học sinh không thể đong đếm và lường hết được mọi chuyện đáng tiếc có thể xảy ra.

Tại dự thảo về Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh Trung học cơ sở và học sinh Trung học phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về việc bỏ từ “yếu” trong “hạnh kiểm yếu” thành “cần rèn luyện thêm” và cũng không có mức đánh giá “hạnh kiểm yếu” nữa.

Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngọc - Nguyên giáo viên Trường Trung học phổ thông Thăng Long - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ: “ Tôi đã có mấy chục năm dạy học nhưng chưa bao giờ tôi phê học sinh hạnh kiểm yếu hoặc trung bình.

Không phải vì tôi muốn thành tích mà thực chất là những học trò tôi dạy đều được tôi giáo dục thành những học trò tốt.

Phương pháp dạy của tôi là những buổi đầu gặp gỡ thầy và trò thường nói chuyện, tôi xác định cho các em vị trí đứng và trách nhiệm của mình, không bao giờ để mình bị cúi xuống là có người khác vượt lên ngay.

Trong học lực cũng như trong hạnh kiểm, nếu một học sinh đạt được những điều kiện như sinh ra trong một gia đình có nề nếp hòa thuận, thương yêu nhau chứ cũng không cần phải có học vị cao hay quyền chức.

Em đó được gặp những thầy cô giáo gương mẫu, có lòng vị tha tận tình dạy bảo học sinh đến nơi đến trốn.

Điều nữa là em đó được sống trong một tập thể lớp đoàn kết, đáng tin cậy để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Với những điều kiện như vậy thì tôi chắc chắn rằng học sinh đó sẽ đạt hạnh kiểm giỏi, cùng lắm là khá.

Còn nếu như em học sinh kia không đạt hạnh kiểm giỏi thì chúng ta phải xem lại một trong những điều kiện trên, biết đâu lỗi là từ những giáo viên và quan niệm giáo dục của họ.

Từ lâu tôi vẫn quan niệm rằng con người tốt là người có năng lực, chứ không thể có thứ tốt chung chung. Trong nhà trường đạt hạnh kiểm tốt mà lại học kém thì cũng không được.

Vậy nên đã hạnh kiểm tốt thì học lực cũng phải giỏi, còn học không giỏi thì đừng nghĩ là mình tốt.

Thấp nữa là hạnh kiểm khá có nghĩa là em học sinh đó có sơ suất về học, hoặc có lỗi nào đó mà trong việc giáo dục ở nhà trường như nhiều lần nói chuyện riêng, đi học muộn, cãi nhau với các bạn…

Một học sinh bị nhận xét là hạnh kiểm yếu không có nghĩa là khi lớn lên, em này không trở thành một công dân tốt. Nhưng 3 từ “hạnh kiểm yếu” ghi trong học bạ sẽ là vết đen theo em suốt cuộc đời.

“Hạnh kiểm yếu” lạnh lùng như một bản án mà hệ luỵ của nó đối với học sinh không thể đong đếm và lường hết được mọi chuyện đáng tiếc có thể xảy ra.

Hệ luỵ lớn nhất là việc làm tổn thương học sinh. Hạnh kiểm thường được hiểu là phẩm chất, đạo đức biểu hiện trong việc làm, trong cách đối xử với mọi người.

Vì vậy, cách thức đánh giá và xếp loại hạnh kiểm của cá nhân học sinh thành các loại trong đó có hạnh kiểm yếu… sẽ làm cho học sinh cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương”.

Thầy Ngọc cho biết: “Một tình huống mà tôi nhớ mãi không quên, có một học trò của tôi trong năm lớp 11 đã mắc lỗi với giáo viên, sau em đó bị khiển trách nặng về vấn đề tư cách, lúc đó là học kỳ 2 tôi phê em đó hạnh kiểm trung bình và tôi cũng “đau” lắm.

Năm sau em học sinh đó tốt nghiệp lớp 12 và thi đỗ đại học ngành Ngoại giao, học xong được cử sang Châu Âu để nhận công tác, và đến lúc đó vấn đề học bạ được ghi hạnh kiểm trung bình mới có chuyện.

Thời gian sau em đó về nước và có đến thăm tôi, nhân tiện trình bày việc học bạ năm lớp 11, trường hợp đó thực sự là tôi thấy áy náy.

Nghĩ lại lúc đó chỉ vì tôi quá nóng giận mặc dù vi phạm của học sinh đó không đáng bị phê như vậy, xét cả quá trình học của em này thì đều đạt học lực giỏi, hạnh kiểm tốt.

Nếu như lúc đó tôi và ban giám hiệu nhà trường cùng bình tâm lại suy xét xem nguyên nhân vi phạm của cậu học sinh đó bắt nguồn từ đâu, và chuyện ai đúng sai cũng cần được làm rõ thì chắc chắn tôi đã không phê hạnh kiểm trung bình như vậy.

Và việc tôi làm đã gây ra trở ngại trên con đường phát triển của cậu học trò kia mà đúng ra thì cậu đó không đáng bị như vậy. Tôi ân hận lắm nhưng mọi chuyện đã muộn.

Vậy nên nếu giáo viên phê hạnh kiểm trung bình đã là khốn khổ cho học sinh rồi, còn nếu phê hạnh kiểm yếu kém thì đúng là một án treo lơ lửng theo suốt cả cuộc đời học sinh.

Suy cho cùng thì lỗi trong cuộc đời học sinh thì có gì ghê gớm đâu, người lớn còn có lúc sai lầm, tuổi học trò hiếu động không thể tránh khỏi những va vấp, sai sót. Những sai sót ấy hoàn toàn có thể cho các em cơ hội sửa chữa”.

Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Cần thay đổi suy nghĩ từ giáo viên

Thầy Ngọc nêu quan điểm: “Theo tôi đề xuất là chỉ ghi hạnh kiểm tốt, khá và bình thường chứ không nên ghi yếu kém, từ bình thường có nghĩa là không có gì.

Học sinh nhiều khi chỉ mắc một lỗi rất nhỏ như nói chuyện hoặc cùng lắm là quay cóp mà lại bị ghi là yếu kém thì theo tôi là quá nặng.

Em đó có thể vô lễ với giáo viên nhưng chúng ta nên tìm hiều xem hành vi vô lễ đó theo chiều hướng nào và nguyên nhân do đâu?

Có thể học sinh đó bày tỏ quan điểm bảo vệ chính kiến của mình nhưng vì là trẻ con nên chưa kìm nén được cảm xúc nhất thời bồng bột, giáo viên thấy vậy cho là học sinh vô lễ và phê hạnh kiểm kém.

Một học sinh bị nhận xét là hạnh kiểm yếu không có nghĩa là khi lớn lên, em này không trở thành một công dân tốt.

Trong nhà trường thì ngoài việc dạy kiến thức ra thì cũng cần phải đánh giá tư cách xem học sinh thế nào, nhưng việc đánh giá về tư cách đạo đức của một con người thì chưa bao giờ là chuyện đơn giản.

Nó phải là cả một quá trình dài chứ không thể nào vì một hành động nhất thời mà theo quan điểm của thầy cô là không đúng rồi đặt bút phê là người đó hạnh kiểm yếu.

Hơn nữa phải đứng trên quan điểm nào để phê phán em đó hạnh kiểm yếu? Đó mới là điều quan trọng. Chứ nếu thầy cô vẫn nặng tư tưởng phong kiến, khổng nho quá thì với một lỗi bé xíu mà đã cho là chuyện lớn thì không ổn chút nào.

Hiện nay chúng ta đã hội nhập, rất nhiều phương pháp dạy học mới được áp dụng nên vì thế mà các giáo viên cũng nên thay đổi suy nghĩ trong mọi chuyện, có như vậy thì mới dạy các em thật tốt được.

Cứ cho rằng học sinh không nghe lời, hay cãi lại…mà thực ra cuộc sống hiện đại đâu phải cứ răm rắp nghe lời là tốt.

Vì vậy xã hội phát triển, cuộc sống thay đổi văn minh hơn, cái phong kiến chuyên chế, cái áp đặt lên con người cần phải được loại bỏ, con người ta sống trong bình đẳng, tự do chấp nhận sự khác biệt để cùng nhau phát triển.

Nếu như có một học sinh luôn luôn tranh luận, luôn luôn phản biện và thậm chí em đó không chấp nhận những gì trái với suy nghĩ của mình…vậy thầy cô đánh giá em đó là yếu kém hay sao?

Nếu đánh giá như vậy là hoàn toàn không được, biết đâu những em có tính cách khác biệt đó sau này lại trở thành thiên tài và trên thế giới đã có nhiều trường hợp như vậy".

Thầy Ngọc nhấn mạnh: “Theo tôi nên bỏ ngay việc phê hạnh kiểm yếu kém đối với học sinh.

Với những trường hợp cụ thể vi phạm đặc biệt của học sinh thì bắt buộc ban giám hiệu nhà trường phải họp, duyệt và thống nhất cách ghi hạnh kiểm, chứ không cho phép giáo viên tự phê vào học bạ của học sinh đó.

Cần nhắc lại, nhà trường phải là nơi giáo dục chứ không phải là chỗ kết án. Sẽ thế nào nếu một người khi trưởng thành là một người gương mẫu, nhưng khi gặp lại bạn cũ cái vết đen “hạnh kiểm yếu” lại nổi lên?”.

Tùng Dương