Giáo viên chủ nhiệm đau đầu vì xếp loại hạnh kiểm học sinh cuối năm

14/06/2020 06:00
Phan Tuyết
GDVN- Không thể căn cứ vào một số biểu hiện mà chủ yếu là nội quy trường lớp để đánh giá phẩm chất của một học sinh khiến không ít em phải từ giã ước mơ của đời mình.

Cứ đến cuối năm học, giáo viên bậc trung học lại đau đầu, khó xử vì việc xếp loại hạnh kiểm học sinh.

Những đứa trẻ tuổi hiếu động nhưng chỉ cần vi phạm một số nội quy của trường lớp là bị hạ ngay vài bậc hạnh kiểm có hợp lý không? (Ảnh minh họa: Báo Tiền Phong)

Những đứa trẻ tuổi hiếu động nhưng chỉ cần vi phạm một số nội quy của trường lớp là bị hạ ngay vài bậc hạnh kiểm có hợp lý không? (Ảnh minh họa: Báo Tiền Phong)

Vì sao giáo viên lại phải đau đầu, khó xử khi xếp hạnh kiểm?

Thường thì thầy cô giáo chủ nhiệm nào cũng luôn muốn nâng đỡ học sinh lớp mình, chẳng ai nỡ xếp loại hạnh kiểm học sinh là yếu, trung bình, thậm chí là hạnh kiểm khá.

Bởi, việc xếp loại hạnh kiểm như thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của học sinh.

Đã có những em phải dừng ước mơ vào trường công an, quân đội khi bị xếp hạnh kiểm khá.

Đã có những học sinh bị mọi người kì thị, dè chừng khi mang trên mình hạnh kiểm trung bình và yếu.

Dù biết thế, nhưng giáo viên chủ nhiệm vẫn không thể tự mình xếp hạnh kiểm cho các em mà còn có sự tham gia của các giám thị, của các thầy cô trong hội đồng liên tịch nhà trường.

Đặc biệt phải dựa vào điều 3, điều 4 thông tư số 58/2011/TT - BGDĐ (Ban hành quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh phổ thông) cùng với một số nội quy riêng của nhà trường sẽ được căn cứ để xếp hạnh kiểm.

Những điều quy định này chính là vòng kim cô mà những học sinh đã từng vi phạm dù chỉ một lần cũng khó lòng thoát được.

Hiện hạnh kiểm học sinh trung học được xếp thành 4 loại: Tốt (T), khá (K), trung bình (Tb), yếu (Y) sau mỗi học kỳ và cả năm học. Việc xếp loại hạnh kiểm cả năm học chủ yếu căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm học kỳ II và sự tiến bộ của học sinh.

Những điều vô lý trong việc quy định xếp loại hạnh kiểm học sinh

Học sinh xếp loại học lực yếu (năng lực học tập yếu kể cả do trí tuệ bẩm sinh, chậm phát triển) thì hạnh kiểm không thể xếp tốt.

Mặc dù em ấy là một học sinh luôn chăm ngoan, lễ phép, thân thiện với bạn bè, biết giúp đỡ mọi người và luôn nỗ lực thực hiện đúng các nội quy của trường lớp đề ra.

Gần như mặc định, học yếu thì hạnh kiểm không thể tốt!

Có em học giỏi, xuất sắc nhưng lại nghịch ngợm hơn các bạn. Vì thế, em hay bày các trò chơi nên thường vi phạm nội quy của nhà trường (như leo trèo cửa sổ, trèo cây trong sân trường, nhảy lên bàn ghế…).

Hoặc cà khịa với bạn…Vì những tội danh này, suốt cả năm bạn ấy chỉ xếp loại hạnh kiểm trung bình, cao nhất cũng là khá.

Có em chỉ vài lần đi trễ vì lý do khách quan hay vi phạm trong việc mặc đồng phục, lỡ buông lời nói tục, chửi thề sẽ bị hạ vài bậc hạnh kiểm dù sau lần vi phạm đã cố gắng sửa chữa và không tái phạm.

Có em ngày kiểm tra quay tài liệu đôi ba lần sẽ được đưa vào tội “Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi” cầm chắc là hạnh kiểm trung bình, thậm chí là yếu.

Việc xét hạnh kiểm học sinh hiện chỉ căn cứ vào một số biểu hiện mang tính định tính như việc thực hiện nội quy, ý thức học tập, thái độ đối với thầy cô, bạn bè…mà không dựa vào cả một quá trình trong mối quan hệ tổng hòa với mọi người.

Vì đánh giá bằng định tính như thế đã không mang lại sự chính xác. Trong một lần họp lớp, chúng tôi gặp lại cậu bạn A. đã là một doanh nhân thành đạt.

Cậu tài trợ cho trường hàng trăm triệu đồng để trao cho học sinh nghèo hiếu học, nhận nuôi 4 học sinh mồ côi đến đại học.

Thế mà, ngày còn đi học gần như chưa bao giờ cậu được xếp loại hạnh kiểm tốt cũng chỉ vì liên tục vi phạm những nội quy trường lớp.

Ngược lại, có những bạn suốt 12 năm học luôn được xếp hạnh kiểm tốt, dù kinh tế khá giả nhưng chưa bao giờ giúp ai đồng nào.

Chưa hết, trong những câu chuyện kể cùng mọi người, cậu bộc lộ là con người ích kỷ, nhỏ nhen khiến những người tiếp xúc cảm thấy khó chịu.

Từ thực tế cho thấy, việc xếp loại hạnh kiểm học sinh hiện nay ở các trường phổ thông đang bộc lộ khá nhiều điều bất cập.

Không thể chỉ căn cứ vào một số biểu hiện mà chủ yếu là nội quy trường lớp để đánh giá phẩm chất của một học sinh (cũng chỉ là những đứa trẻ đang tuổi hiếu động) khiến không ít em phải từ giã ước mơ của đời mình.

Phan Tuyết