Giáo viên lặng lẽ làm "Kép Tư Bền"

15/06/2020 06:25
Sơn Quang Huyến
GDVN- Thành công của nghề giáo với giáo viên thật ra rất đơn giản, mỗi tiết dạy là tiết học hạnh phúc của cả thầy và trò. Khi dạy thầy vui; khi học, trò thấy thoải mái.

Có nhiều tiết học hạnh phúc mới thành lớp hạnh phúc; có nhiều lớp hạnh phúc mới thành trường hạnh phúc.

Để xây dựng trường học hạnh phúc phải có rất nhiều tiết học hạnh phúc. Để có một tiết học hạnh phúc, nói rất dễ, làm được vô cùng khó.

Áp lực thành tích khó có thể có tiết học hạnh phúc.

Cô giáo N. dạy Anh văn lớp 6 chia sẻ “Em cũng muốn dạy phải thật vui, học trò học được kiến thức; thế nhưng khó vui thật thầy ạ.

Cho về nhà học từ mới, thế mà hỏi đi, hỏi lại chẳng nhớ từ nào, vào lớp hỏi mấy học trò là thấy mình ăn hành, học trò ăn củ cáu”.

Cô giáo T. dạy toán lớp 9 chia sẻ “Chuẩn bị thi lớp 10 rồi mà hỏi cái gì cũng như ở vạch xuất phát.

Thầy coi bài toán lập hệ phương trình bậc nhất hai ẩn số mà dạy đi, dạy lại cũng không làm được.

Mai mốt thi lớp 10, điểm thống kê rõ ràng ra đó, xấu nhà trường, xấu thầy cô”.

Giáo viên phải biết buông bỏ những lo toan thường ngày để dạy trẻ bằng cả trái tim. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Giáo viên phải biết buông bỏ những lo toan thường ngày để dạy trẻ bằng cả trái tim. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)

Phần lớn giáo viên muốn dạy để học trò học tốt nhưng không được như mơ ước đều vừa dạy vừa “bán gừng”, tiết học chả khác gì “ăn ớt”, cả giáo viên và học sinh toát mồ hôi nhưng cay xè, không ăn được gì.

Cũng không ít giáo viên đành phải mackeno, chỉ dạy cho một vài học sinh trong lớp; số học sinh còn lại lây mackeno từ thầy cô; mạnh thầy thầy dạy, học trò bị bỏ quên; tiết học bị cho “đá xay” quá nhiều.

Tiết học “có gừng, có ớt, có đá xay” không bao giờ là tiết học hạnh phúc!

Giáo viên lặng lẽ làm “Kép Tư Bền”.

Cô giáo Ng. một giáo viên đã về hưu được rất nhiều học trò mến thương, chia sẻ “Ngày mình còn đi dạy, nhiều đồng nghiệp hỏi mình sao khi cô dạy thấy cô hạnh phúc quá.

Bạn biết đấy, mình rất khó khăn, nhưng cứ vào lớp là quẳng hết tất cả lo toan đời thường ngoài cửa lớp, dạy học trò với cả trái tim; nhìn thấy ánh mắt của học trò, mình học trò hạnh phúc, mình lấy đó làm hạnh phúc cho mình.

Nhiều thầy cô bảo, thấy mình sao mà giống kép Tư Bền quá”.

Chắc nhiều bạn đọc không biết “Kép Tư Bền”; Kép Tư Bền là nhân vật chính trong tác phẩm “Kép Tư Bền” của nhà văn Nguyễn Công Hoan.

Cha Kép Tư Bền bệnh nặng, sắp mất nhưng Kép Tư Bền vẫn phải đi diễn và hết mình hóa thân vào nhân vật trên sân khấu.

Quan khách vô cùng phấn khởi, ai nấy đều mong cho chóng đến giờ mở màn sân khấu, để được cười, được vỗ tay, được học thêm vào lối pha trò của Tư Bền.

Tư Bền đi diễn cũng là lúc tình hình bệnh của cha ông trở nên tồi tệ; ngồi trong cánh gà sân khấu mà ruột đau như cắt, nhưng Kép Tư Bền bước lên sân khấu vẫn vui đùa, cười nói mang lại hạnh phúc cho khán giả.

Giáo viên đang gặp nhiều khó khăn, cuộc sống vật chất còn thiếu thốn bộn bề, phải làm thêm nghề khác để nuôi nghề dạy học, nhưng ước mơ có những tiết dạy hạnh phúc ai cũng có.

Muốn có tiết học hạnh phúc, đầu tiên phải có người thầy hạnh phúc; muốn có người thầy hạnh phúc mỗi giáo viên phải quẳng hết tất cả lo toan đời thường ngoài cửa lớp, qua bài dạy đem hạnh phúc đến cho học trò.

Sơn Quang Huyến