17 trường phổ thông ở Sài Gòn được xây dựng thư viện tiên tiến, hiện đại

24/06/2020 05:29
Việt Dũng
GDVN- 17 trường phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được xây dựng thư viện theo mô hình tiên tiến, hiện đại.

Ngày 23/6/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước thành phố (HFIC) đã tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại cho các trường học trên địa bàn thành phố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Dương Trí Dũng – Trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, thư viện tiên tiến, hiện đại là một trong hai dự án trọng điểm đã được Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho ngành Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Hiện các dự án trong lĩnh vực của ngành Giáo dục và Đào tạo được vay tối đa 7 năm hỗ trợ lãi suất, với tổng vốn vay không quá 100 tỷ đồng/dự án.

Thư viện trường Trần Đại Nghĩa được xây dựng theo mô hình tiên tiến (ảnh: CTV)

Thư viện trường Trần Đại Nghĩa được xây dựng theo mô hình tiên tiến (ảnh: CTV)

Hiện nay, để đầu tư một thư viện tiên tiến, hiện đại thì cần mức tổng đầu tư vốn khoảng 15 tỷ đồng, kết hợp với các điều kiện được vay hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thì việc các đơn vị chủ động đầu tư sẽ giúp đẩy nhanh việc thực hiện các dự án, đáp ứng với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Từ nay đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhân rộng mô hình này trên toàn địa bàn, ở tất cả các cấp học.

Trước mắt, thành phố đã có kế hoạch đầu tư, xây dựng mô hình thư viện tiên tiến, hiện đại tại 17 trường phổ thông trên địa bàn, trong đó, trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa đã có thư viện hiện đại được đưa vào sử dụng từ năm học này.

Đây là mô hình thư viện đầu tư được đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa, do phụ huynh đóng góp, ngân sách của thành phố trả lãi vay.

Thư viện của trường này được trang bị 1 máy chủ và 63 máy tính, được tra cứu dữ liệu trực tiếp, còn có khoảng 9.000 cuốn sách giấy, kho tài nguyên số với hơn 10.900 sách điện tử (gồm cả sách giáo khoa, sách tham khảo, tác phẩm văn học, nghệ thuật…).

Thư viện này còn được tích hợp hệ thống giảng dạy trực tuyến LMS (Learning Mangament System), giúp cho giáo viên xây dựng kho bài giảng đã được số hóa, các phần mềm thực tế ảo hỗ trợ cho quá trình học tập, nghiên cứu các môn khoa học tự nhiên.

Theo ông Nguyễn Minh – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, nhiều phụ huynh còn mang tâm lý e dè khi được vận động đóng góp xây dựng thư viện.

Để nhận được sự đồng thuận từ phía phụ huynh, ông Nguyễn Minh cho rằng, cần phải thay đổi quan niệm giáo dục trong nhà trường.

Trong đó, trường Trần Đại Nghĩa đã xây dựng hai mô hình, đó là: Lớp học trong thư viện (Học sinh đến học trực tiếp tại thư viện), hoặc thư viện trong lớp học (phủ sóng wifi toàn trường để học sinh ngồi trong lớp vẫn có thể truy cập kho tài nguyên học liệu của nhà trường).

Việc làm này của nhà trường bước đầu đã thay đổi suy nghĩ của phụ huynh, học sinh về diện tích giới hạn của một thư viện trong nhà trường phổ thông.

Việt Dũng