Trong hai ngày 25-26/5/2020 tại tỉnh Vĩnh Phúc, Cục An toàn thực phẩm tổ chức “Hội thảo Phòng chống ngộ độc do sử dụng rượu có methanol và độc tố tự nhiên trong thực phẩm cập nhật báo cáo số liệu an toàn thực phẩm trên hệ thống điện tử khu vực phía Bắc”.
Phó Giáo sư,Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ y tế) chủ trì hội thảo.
Tới dự và tham luận tại hội thảo có ông Nguyễn Văn Phong – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện Lãnh đạo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia; Lãnh đạo Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, Lãnh đạo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai; đại diện Lãnh đạo Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh/thành phố khu vực phí Bắc.
Ngộ độc rượu methanol có thể nguy hiểm tới tính mạng. |
Tại hội thảo các đại biểu sẽ tập trung nghe báo cáo và tham luận về tình hình ngộ độc rượu có hàm lượng Methanol cao, ngộ độc do độc tố tự nhiên trong thời gian qua, phát hiện và xử trí ngộ độc do chất độc tự nhiên và Methanol, hoạt động kiểm nghiệm và xác định nguyên nhân ngộ độc do sử dụng rượu có Methanol cao và động thực vật có độc tố tự nhiên, tình hình, biện pháp quản lý ngộ độc do sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Các đại biểu tham dự tập huấn cập nhật báo cáo số liệu an toàn thực phẩm trên hệ thống điện tử.
Methanol còn được gọi là carbinol, methyl alcohol, alcohol gỗ, methyl hydrate, methyl hydroxide, methyl alcohol,... Methanol tức rượu methyl là một chất cồn, có công thức hóa học là CH3OH, là loại rượu đơn giản nhất, nhẹ, không màu, dễ bay hơi, dễ cháy, dễ tan trong nước. Rượu methanol là một chất lỏng với mùi đặc trưng, hơi ngọt hơn ethanol (rượu uống).
Tại sao methanol độc mà lại làm rượu từ methanol?
Câu trả lời là vì lợi nhuận, người sản xuất ra rượu với chi phí rẻ, tạo ra các loại rượu có hàm lượng methanol trong rượu rất cao, dễ gây ngộ độc.
Khi uống rượu methanol, methanol dễ dàng hấp thu qua ruột, da vào phổi. Sau khi vào cơ thể, methanol sẽ đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 30 - 60 phút. Hóa chất này được chuyển hóa chậm ở gan. Khoảng 3% lượng methanol đưa vào cơ thể được đào thải qua phổi hoặc đào thải nguyên vẹn không thay đổi qua nước tiểu.
Methanol là một chất có độc tính thấp, tuy nhiên sau khi được đưa vào cơ thể sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde. Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic - acid kiến, thành phần chính của nọc kiến.
Chính acid formic được xem là thủ phạm gây độc trong các trường hợp ngộ độc rượu methanol. Cuối cùng, acid formic được chuyển hóa thành CO2 và nước. Hai chất này được đào thải qua phổi và thận.
Quá trình oxy hóa xảy ra nhanh chóng khiến acid formic tích tụ trong huyết thanh và gây độc. Sự tích tụ của acid formic trong huyết thanh gây nên tình trạng toan chuyển hóa.
Sự chuyển hóa methanol và tích tụ acid formic trong võng mạc gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến mù lòa. Acid formic còn gây tổn thương não bộ, có thể dẫn đến tử vong.