Đối tượng quy hoạch gồm: Trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (hay còn gọi là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo quy định tại Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014), không bao gồm các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phân loại theo 3 loại hình: Các cơ sở công lập, các cơ sở tư thục và các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phân loại theo 3 loại hình. Ảnh minh họa: Báo Kinh tế đô thị |
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, với các loại hình cơ sở đa dạng, đủ quy mô, năng lực đào tạo nghề theo hướng ứng dụng, thực hành;
Cải thiện chất lượng đào tạo, hiệu quả đào tạo, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, nâng cao năng suất lao động; tuân theo quy luật cung - cầu một cách toàn diện, đáp ứng nhu cầu về nhân lực có trình độ tay nghề, kỹ thuật cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.
Một trong những quan điểm lập quy hoạch là phải phù hợp, thống nhất Quy hoạch tổng thể quốc gia và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 và các chiến lược khác có liên quan trong cùng giai đoạn phát triển;
Phù hợp với chủ trương Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức, công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa với quy hoạch thời kỳ trước, quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia khác có liên quan;
Bảo đảm tính công khai, minh bạch, và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan trong quá trình lập và triển khai thực hiện và giám sát quy hoạch; trong đó bảo đảm quyền tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong quá trình lập quy hoạch.
Nội dung chính của quy hoạch bao gồm: Phân tích, đánh giá thực trạng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; dự báo xu thế phát triển và xây dựng kịch bản phát triển trong công tác giáo dục nghề nghiệp và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; những cơ hội và thách thức đối với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
Xác định các quan điểm, mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ quy hoạch; phương án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; định hướng bố trí sử dụng đất cho phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, có trách nhiệm đảm bảo việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.