Về thăm Trường Trung học phổ thông Trần Văn Quan tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều quan khách choáng ngợp trước thành tích của ngôi trường mang tên người anh hùng của quê hương. Đặc biệt nhất chính là thành tích học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật.
Năm học 2016-2017 đạt giải Ba Quốc gia; năm học 2017-2018 đạt giải Nhất Quốc gia; năm học 2018-2019 đạt giải Nhì Quốc gia.
Năm học 2019-2020 đạt giải Ba Quốc gia với đề tài “Thiết bị học chữ cái, học toán cho người khiếm thị” lĩnh vực Toán học, do em Phạm Thị Thùy Trang lớp 10A1 thực hiện; thầy giáo Cao Ngọc Sơn – Bí thư Đoàn trường hướng dẫn.
Nữ sinh làm đề tài nghiên cứu khoa học vì... thương bố làm thợ xây, thương thầy cô vất vả khi vẽ hình
Khi đang học lớp 9 năm học 2018-2019 tại Trường Trung học cơ sở Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, em Phạm Thị Thùy Trang đã đề xuất nhà trường thực hiện đề tài “Thước đo đa năng”, từ thực tế mong muốn có một cây thước tiện lợi cho bố đi làm thợ xây.
Em Phạm Thị Thùy Trang và ông Nguyễn Văn Ba - Phó giám đốc Sở Gíao dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, chụp ảnh lưu niệm trong kỳ thi Khoa học kỹ thuật Quốc gia năm 2019 (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Cây thước đo đa năng của Phạm Thị Thùy Trang giúp bố làm thợ xây chính xác, cần vuông, tròn, góc cạnh gì cũng dễ giàng; giúp thầy cô vẽ hình trên bảng tuyệt đối chính xác, khỏi cần tay giữ tay vẽ, cứ đặt lên bảng là không sợ rơi, thật kỳ diệu.
Cây thước đa năng của Phạm Thị Thùy Trang đã đạt giải Nhất cấp Tỉnh; giải Ba Quốc gia trong cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm học 2018 - 2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nữ sinh có duyên với học sinh khiếm thị
Trong một lần đi làm thiện nguyện, được tham quan trường Nguyễn Đình Chiểu, hình ảnh những học sinh mù cứ day dứt mãi trong tâm tư của Phạm Thị Thùy Trang; mình phải làm cái gì đó cho các em, các bạn học sinh mù.
Đề tài “Thiết bị học chữ cái, học toán cho người khiếm thị” đã được Phạm Thị Thùy Trang đề xuất, gửi đến nhà trường; nhà trường đã phân công thầy giáo Cao Ngọc Sơn, một bàn tay vàng ươm mầm tài năng nghiên cứu khoa học của nhà trường hướng dẫn.
Sản phẩm của đề tài “Thiết bị học chữ cái, học toán cho người khiếm thị” do em Phạm Thị Thùy Trang thực hiện là một thiết bị hình hộp chữ nhật giúp người khiếm thị tiếp xúc bằng tay với thiết bị có thể học toán, tính toán, nghe nhạc… Thiết bị vừa được sử dụng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Em Phạm Thị Thùy Trang đang hướng dẫn học sinh Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị Hữu Nghị tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu sử dụng thiết bị học tập do mình sáng chế (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Thiết bị bao gồm bảng chữ cái (tiếng Việt và tiếng Anh) và bảng chữ số để phục vụ cho việc học Số học; bàn phím được khắc chữ nổi để người khiếm thị nhận dạng ký tự bằng cách sờ vào mặt nút, khi ấn xuống sẽ phát ra âm thanh của ký tự đó.
Bảng chữ cái có chế độ chọn học bảng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Khu vực học toán có đầy đủ các phép tính, kết quả tính toán cuối cùng sẽ được thiết bị đọc lên, giúp học sinh khiếm thị có thể tự học mà không phải nhờ tới sự hỗ trợ của người khác.
Mặt sau của thiết bị các hình ảnh hình học được khắc nổi, phía dưới là nút nhấn.
Người khiếm thị sờ vào có thể nhận dạng hình thông qua các viền nổi trên mặt hộp và khi nhấn nút, thiết bị sẽ phát âm thanh cung cấp các thông tin như: tên hình ảnh hình học, công thức tính chu vi, công thức tính diện tích…
Ngoài ra, thiết bị còn tích hợp nhiều tính năng khác như loa ngoài để phát âm thanh, nghe nhạc...
Em Phạm Thị Thùy Trang cùng thầy Cao Ngọc Sơn (thứ hai bên trái sang) tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật Quốc gia năm học 2019-2020 (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Thiết bị đã được thực nghiệm kiểm chứng tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Thành phố Hồ Chí Minh), Trường nuôi dạy trẻ khiếm thị Hữu Nghị …
Thiết bị học chữ cái, học toán cho người khiếm thị của Phạm Thị Thùy Trang đã đạt giải Nhất cấp Tỉnh; giải Ba Quốc gia trong cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh Phổ thông năm học 2019-2020 tại Thành phố Đà Nẵng; cũng là giải duy nhất học sinh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt được trong kỳ thi này.
Chia sẻ về nghiên cứu khoa học kỹ thuật, em Phạm Thị Thùy Trang tâm sự “Em may mắn được sinh hoạt trong câu lạc bộ PCS do thầy Bùi Minh Thảo, giảng viên Trường Cao đẳng Dầu khí làm chủ nhiệm; lại được sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy Cao Ngọc Sơn và sự ủng hộ, động viên của thầy cô và bạn bè trong trường.
Em cứ làm, khó đâu gỡ đó, kiên định với mục đích của mình. Khi gặp khó em lại nghĩ đến hình ảnh các bạn khiếm thị, thấy mình có trách nhiệm phải cố gắng hơn; gặp khó đã có quý thầy giúp đỡ, nên cứ vượt qua, hoàn thiện sản phẩm”.
Thầy Cao Ngọc Sơn cho biết: “Em rất cảm ơn cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Bích Hoàng đã tạo điệu kiện tốt nhất về thời gian và kinh phí để hoàn thành đề tài.
Sản phẩm đầu tay giá thành cao, do làm đi làm lại nhiều lần, nếu thiết bị được đưa vào sản xuất đại trà, giá thành khoảng 700 ngàn đồng.
Thiết bị chế tạo từ những linh kiện được mua hoàn toàn ở Việt Nam, nên dễ dàng sửa chữa và thay thế; có nhiều khả năng áp dụng thực tế.
Thầy Đỗ Văn Hòa, giáo viên chủ nhiệm lớp 10A1 chia sẻ “Em Phạm Thị Thùy Trang năng nổ, nhiệt tình trong các hoạt động tập thể.
Học tốt các môn tự nhiên, nhất là môn toán. Em đạt kết quả học lực loại giỏi, hạnh kiểm loại tốt trong năm học này”.
Chia tay miền đất đỏ, miền của loài hoa Lekima, cũng là mùa hoa lêkima nở, loài hoa trong bài hát về nữ anh hùng Võ Thị Sáu; chúc em Phạm Thị Thùy Trang học thật tốt, gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong cuộc sống; chúc trường Trần Văn Quan đạt được nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục.