Điểm trường Cà Moong “ốc đảo” giữa lòng hồ Bản Vẽ
Trường Tiểu học Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có gần 600 học sinh với 8 điểm trường nằm rải rác trong các bản làng heo hút.
Buổi tối điểm trường Cà Moong luôn sáng đèn để giáo viên kèm học sinh học tập (Ảnh nhà trường cung cấp) |
Trong đó, điểm trường Cà Moong được ví như một “ốc đảo” bên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ của huyện Tương Dương cũng là điểm trường tổ chức rất tốt phong trào “Tiếng trống học bài” cho các em học sinh dân tộc Khơ Mú nơi đây.
Theo lời thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng nhà trường: “Đây là điểm trường khó khăn nhất của nhà trường. Muốn đến được điểm trường này có 2 con đường: Đường bộ phải qua nhiều ngọn núi và khe suối nhưng sạt lở, đi lại rất khó khăn và nguy hiểm.
Đường đi vào điểm trường Cà Moong (Ảnh nhà trường cung cấp) |
Còn đường thủy thì xuất phát từ bến thượng lưu ở thị trấn Bản Vẽ sau đó phải đi chừng 40 phút đi thuyền trên lòng hồ, đến một bến sông phải đi đường bộ là leo dốc. Ngày trời nắng có thể đi xe máy nhưng cũng rất khó khăn”.
Đi thuyền vào điểm trường Cà Moong (ảnh Báo Nghệ An) |
Thầy Thanh cho biết, nơi đây có nhiều học sinh thuộc diện hộ nghèo, đời sống kinh tế gia đình rất khó khăn nên việc chăm lo cho các em cũng hạn chế so với nhiều nơi khác.
Điều yếu và thiếu nhất của học sinh nơi đây là thiếu kỹ năng giao tiếp với người xung quanh, ngay cả thầy cô đang trực tiếp giảng dạy các em hàng ngày cũng còn rất hạn chế. Lý do lớn nhất cũng xuất phát từ việc bất đồng ngôn ngữ giữa thầy và trò.
Chưa có điện giáo viên thắp đèn để dạy (Ảnh nhà trường cung cấp) |
Học sinh tiến bộ là động lực của giáo viên
Thương học sinh, muốn cung cấp thêm cho các em về kiến thức, kỹ năng sống, muốn kéo gần khoảng cách thầy trò, nhà trường đã tạo thêm nhiều thời gian để thầy trò giao tiếp bằng rất nhiều hoạt động bổ trợ hữu ích.
Điện đã thắp sáng trên điểm trường Cà Moong (Ảnh nhà trường cung cấp) |
Đầu tiên khuyến khích, vận động giáo viên tổ chức dạy thêm cho các em vào ban đêm trong tuần.
Lợi thế, thầy cô giáo toàn người nơi xa đến dạy nên ở lại nội trú ngay trong các điểm trường. Vì thế, các thầy cô đều đồng thuận tranh thủ buổi đêm dạy thêm cho học sinh của mình.
Mỗi tuần đều đặn từ thứ 2 đến thứ 5 (trừ ngày lạnh, mưa gió mới nghỉ) để ôn bài cho học sinh với mức học phí 0 đồng.
Phụ huynh đồng lòng nên học sinh tham gia lớp học đầy đủ. Có em đêm nào cũng được ba mẹ dắt đi học.
Thầy Thanh cho biết, để những buổi dạy đạt chất lượng tốt, giáo viên chủ nhiệm luôn bám vào chất lượng cụ thể của từng lớp để lên kế hoạch dạy cho hiệu quả.
Ví như các em yếu cái gì thì thầy cô dạy bù cái đó. Em nào còn yếu thì dạy cho đạt chuẩn. Em nào học tốt căn bản thì tiếp tục dạy nâng cao. Nếu đọc yếu sẽ phụ đạo thiên về tiếng Việt, yếu tính toán phụ đạo thêm về toán.
Giáo viên chủ nhiệm dạy là chính, giáo viên bộ môn cũng tham gia phụ giúp. Không thu học phí, nhà trường cũng không có tiền bồi dưỡng vì không có nguồn nào để thưởng thêm cho các thầy cô.
Dù thế, các thầy cô giáo nơi đây cũng không đòi hỏi gì mà vẫn rất tận tâm và đầy nhiệt huyết.
Cô Phạm Thị Hồng Nhung, giáo viên điểm trường Cà Moong cũng cho biết: “Nhà em ở tại trường nên tranh thủ buổi tối dạy kèm cho các em. Khi học sinh làm bài, nhà em cũng tranh thủ soạn bài. Mỗi ngày, nhìn thấy học sinh tiến bộ, nhà em thấy làm vui lắm”.
Nói rồi cô Nhung cho biết, lớp của cô chủ nhiệm có 19 em học sinh Khơ Mú. Để việc dạy buổi tối đạt kết quả, cô cũng đã sàng lọc đối tượng. Một số học sinh giỏi sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình cũng giúp cô kèm thêm các bạn học yếu.
Những em có lực học kém, giáo viên dành thời gian nhiều hơn. Khi được hỏi các em đã học cả ngày trên trường, tối còn đi học nữa có chán không?
Cô Nhung cười, học buổi tối chỉ là khuyến khích nhưng gần như sĩ số đạt 100% học sinh tham gia thì chứng tỏ học sinh rất thích đi học.
Cô cho biết thêm, đi lên trường học vừa được gặp thầy cô, gặp bạn bè còn được vui chơi giải trí nên em nào cũng thích. Có em nói ở nhà buồn lắm, tối không đi học chỉ có đi ngủ thôi.
Thầy Thanh vui mừng cho biết: “Nhờ được học thêm mỗi tối mà chất lượng học sinh nơi đây tốt nhất trong 4 điểm trường của học sinh Khơ Mú.
Điều này đã trở thành động lực để các giáo viên nơi đây không quản công sức của mình bỏ ra dạy dỗ, phụ đạo thêm cho các em”.