Các giáo viên đã tự nâng chuẩn trước, bao giờ được thăng hạng nâng ngạch?

07/07/2020 05:46
THANH AN
GDVN- Hiện nay có rất nhiều giáo viên mầm non, tiểu học đã có bằng đại học nhưng họ chưa được chuyển ngạch, chuyển hạng, nhiều giáo viên đang học liên thông.

Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua đã nhiều tác động đến hàng trăm ngàn giáo viên từ bậc mầm non đến bậc trung học cơ sở khi mà chưa đạt chuẩn trình độ.

Về lộ trình nâng chuẩn, ngày 30/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71 hướng dẫn về lộ trình, kế hoạch thực hiện, kinh phí nâng chuẩn cho giáo viên khá cụ thể.

Theo đó, việc khi các đơn vị cử giáo viên đi nâng chuẩn thì kinh phí đào tạo sẽ được ngân sách địa phương chi trả và vẫn được hưởng 100% lương hiện hành.

Tuy nhiên, trong khi những quy định này chưa được triển khai ở các địa phương thì các trường đại học, cao đẳng, thậm chí là các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng đã thông báo chiêu sinh để đào tạo hệ vừa học vừa làm cho những giáo viên chưa đủ chuẩn trình độ.

Chỉ cần vài cái click chuột máy tính là chúng ta có thể tìm thấy vô vàn những thông báo chiêu sinh đào tạo giáo viên liên thông trên các website của các trường đại học, cao đẳng…

Lộ trình nâng chuẩn cho giáo viên chưa đạt chuẩn sẽ chia thành 1 giai đoạn (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Lộ trình nâng chuẩn cho giáo viên chưa đạt chuẩn sẽ chia thành 1 giai đoạn

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Lộ trình nâng chuẩn giáo viên

Ngày 30/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Theo quy định tại các điều 4, 5, 6 của Nghị định 71 này thì lộ trình nâng chuẩn giáo viên sẽ được thực hiện thành 2 giai đoạn.

Đối với giáo viên mầm non chưa đủ chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 sẽ nâng chuẩn như sau:

a) Giai đoạn 1: Từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm;

b) Giai đoạn 2: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên mầm non hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

Đối với giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn cũng được chia thành 2 giai đoạn:

a) Giai đoạn 1: Từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, bảo đảm đạt ít nhất 50% số giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;

b) Giai đoạn 2: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên tiểu học hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

Đối với giáo viên trung học cơ sở chưa đạt chuẩn:

a) Giai đoạn 1: Từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;

b) Giai đoạn 2: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên trung học cơ sở hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.[1]

Như vậy, theo lộ trình mà Nghị định 71 của Chính phủ quy định, đến hết tháng 12/2030 sẽ hoàn thành việc nâng chuẩn giáo viên theo Luật Giáo dục năm 2019.

Số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ theo Luật giáo dục năm 2019 là bao nhiêu?

Nếu theo lộ trình này chúng tôi thấy cũng hợp lý bởi từ khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực (1/7/2020) cho đến tháng 12/2030 là quãng thời gian rất dài và thực tế số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn hiện nay cũng không phải là quá lớn.

Bởi, ngày 29/5/2020, Vietnamnet có bài phỏng vấn ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì có số liệu giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ như sau:

“Tổng số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn (tính đến thời điểm chiết xuất cơ sở dữ liệu ngành giáo dục ngày 10/3/2020) là 256.492 người (công lập: 207.606 người; dân lập, tư thục: 48.886 người).

Trong đó giáo viên mầm non: 87.903 người (công lập 41.021 người, ngoài công lập 46.882 người).

Giáo viên tiểu học: 116.846 người (công lập 115.010 người, ngoài công lập 1.711 người). Giáo viên trung học cơ sở: 51.868 người (công lập 51.575 người, ngoài công lập 293 người)”. [2]

Nhưng, chúng tôi tin rằng có thể không cần đến 10 năm cho lộ trình này vì thực tế thì giáo viên chưa đủ chuẩn trình độ không nhiều đến vậy bởi hiện nay có rất nhiều giáo viên mầm non, tiểu học đã có bằng đại học nhưng họ chưa được chuyển ngạch, chuyển hạng…

Đó là chưa kể hiện có rất nhiều giáo viên đang tham gia học liên thông ở các cơ sở giáo dục để nâng chuẩn cho mình trong thời gian qua.

Do đó, điều nhiều đồng nghiệp của chúng tôi quan tâm hơn lúc này, là Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ý kiến với các địa phương tổ chức thi thăng hạng, nâng ngạch cho các thầy cô đã tự bỏ tiền túi ra học nâng chuẩn, hoặc đã có bằng đại học chính quy nhưng vẫn bị xếp lương cao đẳng, trung cấp.

Hơn nữa, nếu tính đến tháng 12/2030 thì nhiều người dù chưa đủ chuẩn cũng sẽ vướng vào khung về số năm công tác không thuộc diện phải nâng chuẩn.

Vì tại điều 2 của Nghị định 71 quy định đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo như sau:

1. Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

2. Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

3. Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định. [1]

Tuy nhiên, Nghị định 71 của Chính phủ vừa ra đời vào ngày 30/6/2020, các kế hoạch nâng chuẩn theo lộ trình của Bộ Giáo dục, các địa phương chưa xây dựng.

Thế nhưng, nhiều trường đại học đã nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội khi Luật Giáo dục năm 2019 ra đời để mở lớp đào tạo ở nhiều địa phương.

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh việc đi trước, đón đầu của các trường đại học trong lộ trình nâng chuẩn của giáo viên trong bài viết tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-dinh-71-2020-ND-CP-lo-trinh-nang-trinh-do-chuan-duoc-dao-tao-cua-giao-vien-mam-non-432707.aspx

[2] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/hon-40-000-giao-vien-vao-dien-neu-2-nam-lien-khong-dat-chuan-se-phai-sang-lam-viec-khac-644885.html

THANH AN