Giáo viên chưa đạt chuẩn bằng cấp có được bầu giữ chức danh lãnh đạo?

06/07/2020 05:59
Sơn Quang Huyến
GDVN- Giáo viên chưa đạt chuẩn bằng cấp nhưng được anh em tín nhiệm, vẫn được bầu vào Chủ tịch Công đoàn.

Tòa soạn Giáo dục Việt Nam nhận được thư của độc giả thuộc huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, bức thư có viết:

“Tôi là độc giả thường xuyên theo dõi các bài viết về giáo dục được đăng trên quý báo. Tôi rất tâm đắc.

Theo Luật Giáo dục mới có hiệu lực từ 01/07/2020 chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở phải có trình độ chuẩn là đại học.

Vậy tôi xin hỏi các giáo viên chưa có đủ chuẩn trình độ là đại học có được bổ nhiệm, bầu vào các chức danh lãnh đạo của nhà trường như: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch công Đoàn, Tổ trưởng, Phó tổ trưởng chuyên môn hay không?”.

Câu hỏi trên cũng là thắc mắc của không ít giáo viên hiện nay.

Giáo viên chưa đạt chuẩn bằng cấp có được bầu vào chức danh lãnh đạo? (Ảnh minh hoạ: Giaoduc.net.vn)

Giáo viên chưa đạt chuẩn bằng cấp có được bầu vào chức danh lãnh đạo? (Ảnh minh hoạ: Giaoduc.net.vn)

Giáo viên chưa có đủ chuẩn trình độ cử nhân (đại học) có được bổ nhiệm, bầu vào các chức danh lãnh đạo của nhà trường như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hay không?

Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông, Điều 4, điểm 3 có ghi:

“3. Tiêu chí 3. Năng lực phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân

a) Mức đạt: đạt chuẩn trình độ đào tạo và hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định; có kế hoạch thường xuyên học tập, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ bản thân; cập nhật kịp thời các yêu cầu đổi mới của ngành về chuyên môn, nghiệp vụ; [1]

Tại Khoản 2 Điều 18 Điều lệ trường trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT, hiện đang có hiệu lực, có ghi:

“2. Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phải có các tiêu chuẩn sau:

a) Về trình độ đào tạo và thời gian công tác: phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học, đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học và đã dạy học ít nhất 5 năm (hoặc 4 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó;

b) Hiệu trưởng phải đạt tiêu chuẩn quy định tại Chuẩn hiệu trưởng trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Phó Hiệu trưởng phải đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cấp học tương ứng và đủ năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công”. [2]

Như vậy kể từ 01/7/2020 Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, với chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, bắt buộc phải đạt chuẩn trình độ đào tạo là cử nhân (đại học); nếu chưa có bằng cử nhân, không nên bầu hay bổ nhiệm vào hai chức danh này.

Giáo viên chưa có đủ chuẩn trình độ cử nhân (đại học) có được bổ nhiệm, bầu vào các chức danh tổ trưởng, phó tổ trưởng chuyên môn hay không?

Tại Điều 16 khoản 1 Điều lệ trường trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT, có ghi:

“1. Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng, giáo viên, viên chức làm công tác thư viện, thiết bị giáo dục, cán bộ làm công tác tư vấn cho học sinh của trường trung học được tổ chức thành tổ chuyên môn theo môn học, nhóm môn học hoặc nhóm các hoạt động ở từng cấp học THCS, THPT.

Mỗi tổ chuyên môn có tổ trưởng, từ 1 đến 2 tổ phó chịu sự quản lý chỉ đạo của Hiệu trưởng, do Hiệu trưởng bổ nhiệm trên cơ sở giới thiệu của tổ chuyên môn và giao nhiệm vụ vào đầu năm học”.[2]

Điểm 3, Điều 2 Nghị định 71/2020-NĐ-CP có ghi: Đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo:

“Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định”. [3]

Mặt khác, không có bất cứ văn bản nào của ngành giáo dục, kể cả Luật Giáo dục 2019 quy định chuẩn chức danh Tổ trưởng, Tổ phó chuyên môn.

Thông thường Tổ trưởng, Tổ phó chuyên môn do tổ viên bầu, dựa trên uy tín thực tế của họ trong tổ.

Như vậy những giáo viên không còn đủ 84 tháng công tác, có bằng Cao đẳng, nhưng có uy tín trong tổ chuyên môn vẫn có thể được bầu, bổ nhiệm chức danh tổ trưởng, tổ phó là hợp tình, hợp lý.

Giáo viên chưa có đủ chuẩn trình độ Cử nhân (đại học) có được bổ nhiệm, bầu giữ chức danh Chủ tịch Công đoàn?

Khoản 5 điều 12 Quyết định 174/QĐ-TLĐ về việc ban hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII) có ghi:

Chủ tịch công đoàn cấp cơ sở có thể được bầu cử tại đại hội, hội nghị công đoàn cấp cơ sở.

Đối tượng, nguyên tắc, thủ tục bầu cử, thực hiện theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn. [4]

Trong Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ không hề có quy định chuẩn bằng cấp của chủ tịch công đoàn. [5]

Ngày 14/3, sau 2 ngày làm việc, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ ba (khóa XII) đã bế mạc.

Trong ngày làm việc thứ 2, một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung thảo luận là về dự thảo Nghị quyết về tiêu chuẩn các chức danh cán bộ công đoàn các cấp.

Dự thảo Nghị quyết về tiêu chuẩn các chức danh cán bộ công đoàn các cấp quy định tiêu chuẩn chung đối với cán bộ công đoàn các cấp về chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; về năng lực, uy tín và kinh nghiệm; trong độ tuổi công tác theo quy định, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ [6]; tuyệt đối không đề cập đến bằng cấp.

Như vậy giáo viên chưa đạt chuẩn bằng cấp nhưng được anh em tín nhiệm, vẫn được bầu vào Chủ tịch Công đoàn.

Lãnh đạo nhà trường được giáo viên tin yêu không phải do bằng cấp của họ có mà do việc họ làm; dù chưa đủ bằng cấp nhưng hành vi và mục đích làm việc của họ vì tập thể, vì học sinh thân yêu sẽ chiếm trọn tin yêu của xã hội.

Lãnh đạo nhà trường thiếu gương mẫu, chỉ lo vun vén cho bản thân, đội trên đạp dưới, bòn rút ngân sách, lạm thu học trò, dù có hồ sơ đẹp, chắc chắn cũng bị loại bỏ.

Bằng cấp dù quan trọng nhưng không bằng sự nêu gương của bản thân mỗi lãnh đạo; tin yêu của giáo viên dành cho lãnh đạo nhà trường mới là bằng cấp quan trọng nhất.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-14-2018-tt-bgddt-chuan-hieu-truong-truong-giao-duc-pho-thong-165616-d1.html

[2]https://thukyluat.vn/vb/thong-tu-12-2011-tt-bgddt-dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-pho-thong-va-truong-1d823.html#dieu_18-2

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Nghi-dinh-71-2020-ND-CP-lo-trinh-nang-trinh-do-chuan-duoc-dao-tao-cua-giao-vien-mam-non-432707.aspx

[4] https://luatvietnam.vn/lao-dong/quyet-dinh-174-qd-tld-2020-ban-hanh-dieu-le-cong-doan-viet-nam-khoa-xii-180584-d1.html

[5] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/doanh-nghiep/Huong-dan-03-HD-TLD-2020-thi-hanh-Dieu-le-Cong-doan-Viet-Nam-443200.aspx

[6] https://laodong.vn/cong-doan/xay-dung-quy-dinh-tieu-chuan-chuc-danh-can-bo-cong-doan-662598.ldo

Sơn Quang Huyến