Đánh hội đồng bạn học vì những lý do lãng nhách, cần chung tay ngăn chặn bạo lực

14/07/2020 06:09
Sơn Quang Huyến
GDVN- Bạo lực học đường được phát tán trên mạng xã hội không phải là mới; cả người bạo hành và nạn nhân thật ra đều đáng thương hơn đáng trách.

Trong mấy ngày qua học sinh, phụ huynh, người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất bất bình khi xem clip có cảnh học sinh bị đánh hội đồng tại Trường Trung học cơ sở Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.

Qua xác minh của cơ quan chức năng, nữ sinh M.T.T.T là người bị đánh hội đồng; các học sinh tham gia đánh hội đồng gồm: H.A, N.Y, H.G (lớp 7A5), M.D (lớp 8A8), H.T (lớp 7A10), T.T (lớp 7A3), H.A (lớp 7A10). Học sinh trực tiếp quay clip là T.L (lớp 7A10).

Tất cả đều là học sinh Trường Trung học cơ sở Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo tường trình của các học sinh, từ ngày 20/6 đến ngày 1/7, M.T.T.T bị nhóm bạn gồm 5 người do H.T. (bạn cùng lớp) dẫn đầu đánh hội đồng tổng cộng 5 lần.

Lần đầu tiên xảy ra vào ngày 20/6, với lý do M.T.T.T không tới tham dự buổi sinh nhật của H.T. nên H.T. đã cùng nhóm bạn chặn đánh.

Tiếp đó, ngày 24/6, lấy lý do M.T.T.T nhìn liếc mình trong giờ học nên H.T. đã gọi nhóm bạn chặn đánh lần thứ 2.

Sau 2 lần bị đánh hội đồng, H.T và nhóm bạn dọa dẫm, cảnh cáo M.T.T.T không được nói chuyện bị đánh với bất kỳ ai và tiếp tục đánh M.T.T.T thêm 2 lần nữa.

Đến ngày 1/7, trong lúc nhóm bạn của H.T đánh hội đồng M.T.T.T. lần thứ 5, nhóm đã cử T.L. (lớp 7A10) quay clip để đăng tải lên mạng facebook.

Vụ việc đau lòng xảy ra đã được nhà trường, chính quyền xã Bình Châu, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xuyên Mộc, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kịp thời, nhanh chóng giải quyết.

Có thể nói việc quan tâm giải quyết kịp thời vụ việc thể hiện sự quan tâm của các cấp với giáo dục địa phương.

Đánh hội đồng bạn học vì những lý do lãng nhách, cần chung tay ngăn chặn bạo lực ảnh 1Lãnh đạo Sở, Phòng, nhà trường đến thăm hỏi, động viên em M.T.T.T - nạn nhân bị đánh hội đồng (Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử)

Trường Trung học cơ sở Bình Châu hiện có 1436 học sinh/ 44 lớp; đây là một trong những trường có số lớp, sĩ số học sinh đông nhất của huyện Xuyên Mộc; trường phải học hai ca/ngày (khối 6, 7 buổi chiều; khối 8, 9 buổi sáng).

Đến thăm trường, thấy cảnh bộn bề, bức bối, học sinh vừa học, công nhân vừa sửa chữa trường.

Từ năm học 2019 – 2020 trường Trung học cơ sở Bình Châu không có hiệu trưởng điều hành, thầy Cù Huy Cảnh - Phó hiệu trưởng, làm thay công việc của hiệu trưởng.

Phần lớn học trò của trường có cha mẹ làm nghề biển, sáng đi, tối về; đi cả tháng trên biển về nhà được vài ngày lại đi; nên việc quan tâm, chăm sóc con cái còn nhiều hạn chế.

Có thể nói chính những khó khăn khách quan nên công tác điều hành, hoạt động giáo dục của nhà trường dễ gặp nhiều hạn chế, bất lợi.

Chia sẻ với người viết, thầy Cù Huy Cảnh tâm sự “Em rất buồn trước sự việc xảy ra, em không đổ lỗi cho ai, lấy đó làm bài học kinh nghiệm cho chính bản thân và đồng nghiệp.

Chỉ mong các cấp hiểu được khó khăn của nhà trường, có kế hoạch thúc đẩy nhanh chóng việc sửa chữa chống xuống cấp; kịp thời hoàn thiện công tác nhân sự.

Em cảm ơn sự quan tâm của các cấp quản lý, sự chia sẻ của đồng nghiệp; mong rằng cá nhân, tập thể trong trường có bài học kinh nghiệm, đừng để xảy ra sự việc đáng tiếc”.

Được biết nhà trường đang họp hội đồng kỷ luật, trong thời gian tới sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp với hành vi vi phạm của các em học sinh.

Bạo lực học đường được phát tán trên mạng xã hội không phải là mới; cả người bạo hành và nạn nhân thật ra đều đáng thương hơn đáng trách.

Kẻ bạo hành thường bất hạnh, chính là nạn nhân của bạo lực. Hình thức kỷ luật tốt nhất chính là làm cho các em hiểu và thấy bạo lực người khác là thấp hèn, phi nhân tính.

Giáo dục lòng nhân ái, lòng yêu thương con người, biết chia sẻ với người khác; biết lên tiếng bảo vệ cái thiện, cái đẹp; biết phân biệt đúng sai là việc cần kíp của giáo dục hiện nay, dạy cho các em thành người tử tế quan trọng hơn bội phần chuyện các em giải được bài tập khó.

Nhà trường, gia đình, xã hội phải có mối quan hệ hữu cơ trong giáo dục học trò; hãy đưa trẻ đến trải nghiệm cuộc sống nơi nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật để học trò thấy mình hạnh phúc; gieo yêu thương nhân ái vào tâm hồn con trẻ.

Mỗi tiết chào cờ nên lồng vào những câu chuyện ấm áp tình người; phát hiện và tư vấn kịp thời cho học trò có biểu hiện bạo lực; hãy làm cho học trò biết bạo lực người khác chính là thất bại của bản thân, hành vi kém cỏi nhất của con người.

Dạy cho học trò kỹ năng sống, biết cách xử lý thích hợp khi bị bạo hành, im lặng trước bạo lực là đang nuôi dưỡng cái ác.

Thầy cô giáo hãy sẻ chia, làm tấm gương sáng cho học trò; giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn là niềm tin để các em tâm sự.

Kỷ luật học trò đơn giản nhất là yêu thương chúng; gieo vào các em mầm yêu thương của người thầy.

Sơn Quang Huyến