Muốn kỳ thi tốt nghiệp an toàn, chất lượng thì phải rõ người, rõ việc

17/07/2020 05:58
Linh Hương
GDVN- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Muốn tổ chức kỳ thi an toàn và chất lượng thì quy trình, trình tự phải rõ, rõ người, rõ việc, rõ phối hợp.

Ngày 15/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang về công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Minh Huấn và các thành viên Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 tỉnh Tuyên Quang; Hiệu trưởng các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Tuyên Quang cùng dự buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc (ảnh: moet.gov.vn)

Quang cảnh buổi làm việc (ảnh: moet.gov.vn)

Báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông Vũ Đình Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo thi tỉnh Tuyên Quang cho biết:

Năm 2020, tỉnh Tuyên Quang có 8.031 thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó số thí sinh đăng ký chỉ thi tốt nghiệp chiếm 60,5%, số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp và tuyển sinh 39,5%. Toàn tỉnh Tuyên Quang dự kiến có 29 điểm thi với số người tham gia tổ chức kỳ thi là 1.363 người.

Tỉnh Tuyên Quang đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo theo hướng rõ người, rõ việc.

Đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thi, công tác thanh tra cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức kỳ thi, có đánh giá kết quả sau tập huấn.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị cha mẹ học sinh để tuyên truyền về kỳ thi, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ phía phụ huynh học sinh và toàn xã hội.

“Chúng tôi cũng đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi với các giải pháp đề phòng tình huống bất trắc có thể xảy ra, phương án phối hợp với chính quyền cấp xã quản lý tốt việc đi lại của học sinh trong những ngày thi, phương án đảm bảo an ninh trật tự, phương án chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện khác tổ chức điểm thi an toàn tuyệt đối, đúng các quy định”, ông Vũ Đình Hưng cho hay.

Về công tác đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi, ông Hà Phúc Thịnh, Phó giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Công an tỉnh đã lựa chọn và bố trí 29 cán bộ có chuyên môn và kinh nghiệm để làm công tác bảo vệ đề thi. Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo các huyện lựa chọn, bố trí cán bộ để tham gia bảo vệ vòng ngoài.

“Chúng tôi đặc biệt chú ý tới công tác nắm tình hình trước, trong và sau kỳ thi để có phương án cụ thể đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi”, ông Thịnh nói.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm, ngoài mục đích tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tỉnh Tuyên Quang còn phấn đấu để có kết quả thi cao.

“Từ nay tới lúc tổ chức kỳ thi, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục rà soát và chuẩn bị tốt các điều kiện, những điểm còn chưa chặt chẽ sẽ tăng cường chỉ đạo, phải làm sao để không xảy ra bất kỳ sai phạm nào và kết quả phải tốt hơn năm ngoái”, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang nêu rõ.

Nhắc đến hai từ khóa “an toàn” và “chất lượng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Muốn tổ chức kỳ thi an toàn và chất lượng thì quy trình, trình tự phải rõ, rõ người, rõ việc, rõ phối hợp.

Trong quá trình thực hiện cần bám sát quy chế, không sáng tạo, tránh suy luận, suy diễn. “Bất luận thế nào cũng phải đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc”, Bộ trưởng nói.

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: moet.gov.vn)

Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: moet.gov.vn)

Bộ trưởng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tập trung cho giai đoạn “nước rút” ôn tập cho học sinh, bám sát đề thi tham khảo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, nhất là những học sinh không có điều kiện tham gia đầy đủ học trực tuyến, học qua truyền hình trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Do năm nay kỳ thi được tổ chức muộn hơn mọi năm, rơi vào thời điểm có thể xảy ra mưa lũ ở các tỉnh miền núi nên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, tỉnh Tuyên Quang cần có các kịch bản ứng phó, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham gia kỳ thi và chủ động phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối bài thi của thí sinh.

Tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang Phạm Minh Huấn khẳng định, sẽ tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, chất lượng và tuyệt đối không chủ quan.

Trong đó, sẽ phân công trách nhiệm đối với từng thành viên Ban chỉ đạo theo tinh thần đúng việc, đúng người để quy rõ trách nhiệm. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ xây dựng kịch bản ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Cần quyết tâm và lộ trình để thực hiện chương trình mới

Chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu với lớp 1 từ năm học 2020-2021, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành chọn sách giáo khoa lớp 1, hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các nhà xuất bản tập huấn sách cho toàn bộ cán bộ quản lý các trường tiểu học và giáo viên dạy lớp 1. Tài liệu giáo dục địa phương cũng đang được hoàn thiện.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Tuyên Quang hiện có 4.147 giáo viên tiểu học, đạt tỷ lệ 1,3 giáo viên/lớp; để đảm bảo tỷ lệ giáo viên dạy 2 buổi/ngày, Tuyên Quang còn thiếu 887 giáo viên.

Trước mắt, năm học 2020-2021, tỉnh Tuyên Quang sẽ bố trí đủ giáo viên dạy lớp 1. Tuy nhiên, đến năm học 2022-2023, khi triển khai đến lớp 3 sẽ thiếu khoảng 1.300 giáo viên.

Tương tự, về cơ sở vật chất trường lớp học cũng đảm bảo đầy đủ cho lớp 1, nhưng nếu triển khai đến lớp 3 dự kiến tỉnh Tuyên Quang sẽ cần bổ sung thêm 507 phòng học để thay thế phòng học tạm mượn, phòng học xuống cấp và còn thiếu.

Trước thực tế còn nhiều khó khăn khi triển khai chương trình mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, tỉnh Tuyên Quang cần bình tĩnh và quyết tâm để có lộ trình giải quyết.

Trong đó giải pháp căn cơ là xây dựng được 3 đề án quan trọng: đề án phát triển đội ngũ nhà giáo, đề án đầu tư cơ sở vật chất và đề án phát triển nguồn nhân lực cho giai đoạn 5 năm tới.

“Có xây dựng được các đề án này một cách bài bản thì qua từng năm mới khắc phục được tình trạng thừa - thiếu giáo viên, khắc phục được khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp. Bên cạnh đó, sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Đánh giá cao sự quan tâm đầu tư của tỉnh Tuyên Quang cho sự nghiệp giáo dục, cũng như sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, Bộ trưởng nhấn mạnh:

“Chăm lo tốt về giáo dục sẽ là giải pháp căn cốt để xóa đói giảm nghèo. Làm giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng khó khăn cần kiên trì, nhìn nhận đúng thực tế để có bước đi phù hợp”.

Trước mắt để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, Bộ trưởng lưu ý tỉnh Tuyên Quang cần sớm hoàn thành tập huấn sách giáo khoa cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 1; phối hợp với các nhà xuất bản để cung ứng sách kịp thời và đầy đủ trước năm học mới; sớm hoàn thành việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; chuẩn bị tối đa cơ sở vật chất, phòng lớp học đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày cho lớp 1.

“Lớp 1 là mở đầu, nếu triển khai tốt, các lớp tiếp theo sẽ rất thuận lợi”, Bộ trưởng khẳng định.

Tại Tuyên Quang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đến thăm và làm việc với Trường Đại học Tân Trào.

Linh Hương