Bộ Giáo dục trả lời về yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với giáo viên

18/07/2020 05:59
Thùy Linh
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trao đổi với Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông về việc rà soát, xử lý đối với những trường hợp có sai phạm trong công tác tuyển dụng.

Cả Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đều nhận thấy quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết, vì thế năm 2019, hai Bộ trưởng hứa trước Quốc hội rằng sẽ sửa các quy định để chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa.

Tuy nhiên, như Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, ngày 13/7/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông đã có văn bản gửi các giáo viên trong tỉnh yêu cầu cán bộ quản lý, giáo viên (thiếu chứng chỉ ngoại ngữ bậc 2, chứng chỉ tin học) và đối với nhân viên (thiếu chứng chỉ ngoại ngữ bậc 1, chứng chỉ tin học) thì khẩn trương đi học để có chứng chỉ theo quy định.

Nếu đến 31/12/2020 giáo viên không có chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học thì sẽ thu hồi quyết định tuyển dụng.

Trước vấn đề này, Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Phóng viên: Bộ Giáo dục và Đào tạo có biết văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông về việc sẽ thu hồi quyết định tuyển dụng nếu giáo viên thiếu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học? Nếu biết thì phương án của Bộ là gì?

Ông Đặng Văn Bình: Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa nhận được văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo ĐắK Nông báo cáo về việc này.

Nếu đến 31/12/2020 giáo viên ở Đắk Nông không có chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học thì sẽ thu hồi quyết định tuyển dụng (Ảnh minh họa: Vũ Ninh)

Nếu đến 31/12/2020 giáo viên ở Đắk Nông không có chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học thì sẽ thu hồi quyết định tuyển dụng (Ảnh minh họa: Vũ Ninh)

Tuy nhiên, theo thông tin mà phóng viên cung cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trao đổi với Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông về việc rà soát, xử lý đối với những trường hợp có sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm theo đúng tinh thần hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại Công văn số 2965/HD-BNV ngày 15/6/2020.

Hiện nay các Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang công bố để lấy ý kiến góp ý, vẫn giữ nguyên các yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn nói bỏ các giấy phép con "không cần thiết" nhưng trong dự thảo thông tư nói trên vẫn còn, vì sao lại như vậy?

Ông Đặng Văn Bình: Từ khi các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông được ban hành, đã có rất nhiều ý kiến phản ánh về quy định trình độ ngoại ngữ, tin học đối với các chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông.

Tiếp thu ý kiến góp ý, trong các Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên (đang được đăng tải trên cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến góp ý rộng rãi của các tổ chức, cá nhân), Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến không quy định về trình độ ngoại ngữ đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giữ hạng IV và giáo viên mầm non giữ hạng III, bỏ quy định về ngoại ngữ 2 đối với giáo viên ngoại ngữ ở các cấp học phổ thông;

Đồng thời, quy định việc quy đổi tương đương về trình độ ngoại ngữ, tin học đối với các chức danh nghề nghiệp giáo viên nhằm tạo điều kiện để giáo viên có thể sử dụng được những văn bằng, chứng chỉ đã được cấp trong thời gian qua.

Tuy nhiên, về vấn đề này, sau khi tổng hợp các ý kiến góp ý để hoàn thiện các dự thảo Thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng các ý kiến góp ý liên quan đến quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học; trao đổi, thống nhất với Bộ Nội vụ để đưa ra quy định phù hợp, bảo đảm thuận lợi nhất cho giáo viên mà không ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ và không trái với các quy định của Luật Viên chức.

Tại sao Bộ không có những hướng mở linh hoạt để tạo cho giáo viên sự lựa chọn có lợi mà cứ phải bắt buộc có chứng chỉ? Có chứng chỉ mà đơn vị không có nhu cầu để cho giáo viên thi thăng hạng thì có chứng chỉ để làm gì?

Ông Đặng Văn Bình: Như đã nói ở trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý và trao đổi với Bộ Nội vụ để hoàn thiện các dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông.

Trong đó, có các yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học theo tinh thần đảm thuận lợi nhất cho giáo viên mà không ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cũng như không trái với các quy định của Luật Viên chức.

Trân trọng cảm ơn ông.

Thùy Linh