Quy hoạch chưa được phê duyệt, nhiều cao đẳng sư phạm đang “chết yểu"

08/08/2020 06:26
Thùy Linh
GDVN- Hiện nay, các trường cao đẳng sư phạm đã bị dừng giao chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở.

Từ thực tế ở cơ sở nơi mình làm quản lý, nhiều thầy cô là lãnh đạo một số trường cao đẳng sư phạm liên tục có ý kiến về những bất cập, khó khăn lớn nhất của các trường hiện nay liên quan đến việc tuyển sinh, đào tạo giáo viên năm 2020 gửi tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo các thầy cô: "Hiện nay việc quy hoạch, sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm chưa được phê duyệt trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện lộ trình thu hẹp chức năng, nhiệm vụ các trường cao đẳng sư phạm, dừng giao chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở".

Tiếp theo đó là vấn đề nan giải để giải quyết bài toán về sinh viên cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở; học sinh trung cấp ngành Sư phạm Mầm non tuyển sinh trước năm 2020, đang đào tạo tại các trường cao đẳng sư phạm sẽ tốt nghiệp, ra trường vào các năm 2020, 2021 và 2022.

Các học sinh, sinh viên này được tuyển sinh trong các năm 2017, 2018 và 2019 theo quy chế tuyển sinh và chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao; kinh phí đào tạo do ngân sách nhà nước các địa phương cấp để đào tạo giáo viên trình độ chuẩn theo quy định.

Từ năm 2019 trở về trước Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giao chỉ tiêu cho các trường trung cấp, cao đẳng sư phạm (Ảnh: Tư liệu)

Từ năm 2019 trở về trước Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giao chỉ tiêu cho các trường trung cấp, cao đẳng sư phạm (Ảnh: Tư liệu)

Từ thực tế này, lãnh đạo một số trường cao đẳng sư phạm cho rằng: “Để đảm bảo quyền lợi cho người học, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giao nhiệm vụ, kinh phí để đào tạo nối tiếp đạt trình độ chuẩn (mới); hoặc có quy định để các học sinh, sinh viên này đủ điều kiện để được tuyển dụng và đưa vào diện phải đào tạo nâng chuẩn trình độ theo lộ trình quy định của Chính phủ”.

Đặc biệt, hiện nhiều trường cao đẳng sư phạm đã được giao chỉ tiêu tuyển sinh chính quy trình độ Cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, nhưng không được giao chỉ tiêu đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng ngành này; trong khi giáo viên Mầm non trình độ trung cấp buộc phải được nâng chuẩn trình độ cao đẳng theo quy định.

Đây là vấn đề lớn, quan trọng liên quan đến các trường cao đẳng sư phạm giáo sinh và toàn xã hội cần có sự quan tâm và “vào cuộc” của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bản thân các trường cao đẳng sư phạm đang rất lo lắng, trăn trở; đã có nhiều kiến nghị trách nhiệm nhưng chưa được giải quyết. Nhiều trường đang “mất phương hướng”, thiếu niềm tin, sự lạc quan.

Năm 2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu cụ thể từng ngành cho các trường cao đẳng sư phạm (ảnh: tư liệu)

Năm 2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu cụ thể từng ngành cho các trường cao đẳng sư phạm (ảnh: tư liệu)

Trước đó, ngày 27/8/2019, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia với chủ đề các giải pháp ổn định, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay và trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các đại biểu mong muốn duy trì số các trường cao đẳng sư phạm hiện có, cho phép các trường này tổ chức chuỗi trường phổ thông liên cấp theo mô hình tự chủ (như đã có trường đã và đang triển khai thành công).

Cao đẳng sư phạm vừa làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên bậc học mầm non, vừa làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Các trường phổ thông liên cấp trực thuộc trường cao đẳng sư phạm vừa là địa chỉ dạy học chất lượng cao, có thêm nguồn thu cho trường, vừa là nơi thực thập cho sinh viên ngành sư phạm.

Hội thảo đề xuất, trước mắt (cho tới năm 2025): Cơ bản giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm như hiện nay.

Thực hiện phân tầng hệ thống này thành các trường đại học sư phạm/ đại học giáo dục trọng điểm, các cơ sở sư phạm trung ương, các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ sớm thành lập trường thực hành chất lượng cao trong các trường/khoa sư phạm.

Thực hiện đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chủ yếu theo địa chỉ (không theo cơ chế thị trường). Xây dựng cơ chế “đặt hàng đào tạo giáo viên” từ các địa phương.

Sinh viên sư phạm phải được ưu tiên vay tín dụng nhà nước và được xóa nợ tín dụng nếu chấp nhận làm việc trong ngành sư phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các chuẩn của cơ sở sư phạm, chuẩn chương trình đào tạo giáo viên (nội dung cứng) và các chuẩn khác để tạo cơ chế liên thông, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống giáo dục.

Việc nâng chuẩn trình độ của giáo viên (như theo Luật Giáo dục 2019) phải gắn liền với quy hoạch nâng cấp đào tạo của các cơ sở sư phạm.

Về lâu dài (từ sau năm 2025), các đại biểu kiến nghị, các cơ sở sư phạm từng bước chuyển thành trường giáo dục trong các đại học đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong các trường đại học địa phương /cao đẳng cộng đồng để có sự ổn định trong hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo giáo viên khi xuất hiện nhu cầu lớn. Chuyển nhiệm vụ khác cho các cơ sở sư phạm không đảm bảo chất lượng.

Về phân cấp quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và quy định tiêu chuẩn chất lượng các loại giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và giao chỉ tiêu đào tạo/bố trí việc làm của sinh viên tốt nghiệp cho các trường đại học sư phạm/đại học giáo dục trọng điểm/trung ương.

Các trường này được tự chủ trong đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học,tập trung đào tạo sau đại học (đặc biệt đối với các trường trọng điểm), nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng giảng viên cho các trường sư phạm và trường trung học phổ thông trên phạm vi toàn quốc.

Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương quản lý trực tiếp và giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung hoc cơ sở cho các trường/khoa sư phạm địa phương.

Các trường/khoa sư phạm địa phương tập trung đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trong địa phương.

Các cơ sở sư phạm không tranh giành nguồn tuyển hoặc đào tạo chồng chéo.

Các trường sư phạm trọng điểm/trung ương tập trung đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng giảng viên cho các trường sư phạm và trường trung học phổ thông trong phạm vi toàn quốc.

Các trường/khoa sư phạm địa phương tập trung đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn của mình theo đặt hàng của ủy ban nhân dân địa phương.

Sau khi tập hợp ý kiến của các đại biểu, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có văn bản kính đề nghị Thủ tướng:

"Có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc sắp xếp, quy hoạch các trường cao đẳng sư phạm địa phương trong khi thực hiện các Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của ban chấp hành Trung ương khóa XI về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ cho các trường cao đẳng sư phạm tham gia bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới;

Tham gia bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng nghiệp vụ;

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ (VTEP, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Vụ Đại học,...) chọn cử giảng viên các trường cao đẳng sư phạm địa phương tham gia tập huấn bồi dưỡng đội ngũ cốt cán".

Thùy Linh