Hai Bộ trưởng xin hãy giữ lời hứa, nói giúp giáo viên một tiếng!

24/07/2020 06:27
Sơn Quang Huyến
GDVN- Nhiều giáo viên mong muốn cơ quan chức năng sớm có quyết định bãi bỏ các loại chứng chỉ - giấy phép con đang hành hạ giáo viên trên cả nước.

Giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói nói chung cô cùng phấn khởi khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khi trả lời chất vấn cũng như trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội đều khẳng định Bộ Nội vụ sẽ sớm sửa đổi quy định về các loại văn bằng, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp đang làm khổ viên chức hiện nay, theo tường thuật của Báo Thanh Niên ngày 18/11/2019.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân được dẫn lời, khẳng định: “Tôi xin hứa với đại biểu Quốc hội sau khi luật Cán bộ, công chức sửa đổi được thông qua, chúng tôi sẽ sửa các quy định để chứng chỉ tin học, ngoại ngữ không còn là gánh nặng đối với cán bộ, công chức nữa, mà đi vào thực chất, quan trọng là chúng ta có đạt được trình độ để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình hay không”. [1]

Lai lịch các loại chứng chỉ đối với giáo viên

Trước khi Luật Viên chức 2010 có hiệu lực chính thức ngày 1/1/2012, giáo viên chưa biết đến chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học.

Luật Viên chức ra đời, giáo viên công lập vẫn còn lạ lẫm với nhiều khái niệm, ví dụ:

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, năm 2015 Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ ban hành các thông tư liên tịch số 20, 21, 22 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên phổ thông các cấp học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ mới trở thành chuyện lớn đối với không ít thầy cô giáo muốn vào biên chế viên chức nhà nước.

Thực tế tại nhiều địa phương, việc tổ chức học, thi và cấp các loại chứng chỉ nói trên đối với giáo viên bộc lộ nhiều bất cập, bất cập lớn nhất là tình trạng chứng chỉ thật, trình độ giả và giáo viên phải chắt bóp đồng lương eo hẹp của mình để chi trả cho những chứng chỉ làm đẹp hồ sơ, chờ cơ hội thăng hạng và tăng lương.

Hơn nữa, nội dung chương trình đào tạo cấp các chứng chỉ này không bám sát yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, không mấy giúp ích cho các thầy cô nâng cao chất lượng giảng dạy.

Nhiều thầy cô đã chạy vạy cho đủ các chứng chỉ, nhưng mãi vẫn không thấy địa phương tổ chức thi / xét thăng hạng.

5 năm sau, Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo lại sửa các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên phổ thông công lập các cấp.

Câu chuyện chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học một lần nữa được xới lên ngay tại Hội trường Diên Hồng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu trước Quốc hội, ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu trước Quốc hội, ảnh: quochoi.vn.

Giáo viên mong 2 Bộ trưởng giữ lời hứa trước Quốc hội

Tại kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về các loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chức danh nghề nghiệp...đang hành giáo viên, đều đã hứa sẽ xem xét sửa đổi các quy định.

Tuy nhiên nhiều thầy cô giáo phổ thông đang công tác tại Đắk Nông phản ánh đến Giáo dục Việt Nam, họ nhận được Công văn số: 909/SGDĐT-TCCBTC, ngày 13/7/2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo qua email, yêu cầu ai thiếu chứng chỉ phải đi học, sau ngày 31/12/2020, cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa hoàn thiện đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành thì đều phải thu hồi quyết định tuyển dụng.

Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông viện dẫn Hướng dẫn số 2965/HD-BNV ngày 15/6/2020 của Bộ Nội vụ về việc xử lý đối với những trường hợp sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức có ghi rõ:

“Đối với những trường hợp được tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục trước ngày 28/12/2017:

- Trường hợp đến ngày 24/3/2020 đã hoàn thiện đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện và được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nhận xét, đánh giá hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, có phẩm chất, đạo đức, uy tín tốt, trong thời gian công tác không vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức thì không thu hồi quyết định tuyển dụng.

- Trường hợp đến ngày 24/3/2020 vẫn chưa hoàn thiện đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải hoàn thiện, quá thời hạn này mà chưa hoàn thiện được thì thu hồi quyết định tuyển dụng. [2]

Hướng dẫn số 2965/HD-BNV của Bộ Nội vụ về việc xử lý đối với những trường hợp có sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị, nhưng lại không có điều khoản nào loại trừ giáo viên là đối tượng 2 Bộ trưởng đã hứa trước Quốc hội là sẽ xem xét sửa đổi quy định về chứng chỉ.

Hơn nữa, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trên cống thông tin điện tử để lấy ý kiến đóng góp của dư luận. [3]

Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang công bố để lấy ý kiến góp ý, vẫn giữ các yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Trong khi đó Bộ trưởng Bộ Gíao dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã từng phát biểu trước Quốc hội: “Qua thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết”. [4]

Như vậy, những gì thể hiện trong Hướng dẫn 2965/HD-BNV cũng như các dự thảo thông tư mà Bộ Giáo dục đang lấy ý kiến, lại có vẻ như đi ngược lại lời hứa của 2 Bộ trưởng trước Quốc hội.

Hai Bộ trưởng, xin hãy nói giúp giáo viên một tiếng

Hướng dẫn số 2965/HD-BNV ngày 15/6/2020 ra đời trên cơ sở thực hiện Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư [5].

Tuy nhiên, Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư nêu rõ: “Trong quá trình tổ chức thực hiện Kết luận, nếu thấy vướng mắc, bất cập, vượt quá thẩm quyền thì kịp thời báo cáo Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương) để xem xét, giải quyết theo quy định”.

Như vậy chỉ đạo của Trung ương cũng rất rõ ràng, nhưng khi Bộ Nội vụ và các địa phương triển khai thực hiện lại rất rập khuôn, máy móc. Giáo viên là người phải gánh chịu tất cả.

Tại sao Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân không cùng với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ báo cáo Ban bí thư những điều mà chính Bộ trưởng đã thấy, đã phát biểu trước Quốc hội để Ban bí thư xem xét, giải quyết theo quy định?

Chính Hướng dẫn số 2965/HD-BNV ngày 15/6/2020 của Bộ Nội vụ đã đẩy giáo viên Đắk Nông nói riêng và giáo viên cả nước nói chung vào một cuộc đua chứng chỉ khốc liệt, phải bằng mọi giá có chứng chỉ trước 31/12/2020.

Giáo viên rất mong Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thực hiện lời hứa của mình.

Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang công bố để lấy ý kiến góp ý, vẫn giữ các yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Thực tiễn là câu trả lời chính xác nhất cho mọi chính sách của nhà nước; tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không chủ động bỏ đi những rào cản phát triển giáo dục - "giấy phép con" mang tên chứng chỉ không cần thiết như lời Bộ trưởng đã nói?

Giáo viên chúng tôi đang rất hy vọng, mong muốn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo ban soạn thảo bỏ đi những chứng chỉ không cần thiết, bỏ đi rào cản phát triển giáo dục trong các dự thảo đã ban hành.

Đồng thời gíao viên đang mong muốn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có đề nghị, tham mưu việc thực hiện Hướng dẫn số 2965/HD-BNV ngày 15/6/2020 của Bộ Nội vụ trên tinh thần thực tiễn quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết.

Các loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ... thực ra chỉ làm đẹp hồ sơ, "chứng chỉ" không phản ánh trung thực "trình độ" thực sự của nhà giáo; có giáo viên dạy “làng nhàng” nhưng chứng chỉ đẹp, đủ điều kiện xếp hạng cao và ngược lại; như vậy vô tình nhà nước phải trả lương cao cho nhân công ... chất lượng thấp.

Mặt khác, sử dụng chứng chỉ, làm thước đo đánh giá, tiêu chí cho vị trí việc làm, sẽ hình thành (đã hình thành) thị trường chứng chỉ thật nhưng ... học giả; vô tình ép giáo viên thành người sử dụng chứng chỉ giả, hình thành một nền giáo dục “nói dối”, một điều không ai mong muốn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/giao-duc/bo-truong-bo-noi-vu-le-vinh-tan-som-bo-chung-chi-hanh-vien-chuc-1149368.html

[2]https://bacgiang.gov.vn/documents/20181/8756222/1592559314855_Huong%20dan%20thuc%20hien%20KL71.pdf/469c925f-e393-443b-98aa-6be591ec603b

[3] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/default.aspx

[4] https://www.sggp.org.vn/bo-truong-phung-xuan-nha-quy-dinh-ve-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-la-khong-can-thiet-627230.html

[5] http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/ket-luan-so-71-kltw-ngay-2432020-cua-ban-bi-thu-ve-xu-ly-sai-pham-trong-cong-tac-tuyen-dung-can-bo-cong-chuc-vien-6276

Sơn Quang Huyến