Báo cáo của tỉnh Bình Thuận cho biết, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 3,81%. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 17.200 tỷ đồng, đây là trụ cột cũng là động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Khó khăn nhất là tác động của dịch COVID-19 đối với ngành du lịch, thương mại và xuất khẩu. Lượng khách du lịch giảm 46%, doanh thu giảm hơn 37%. Tổng mức hàng hóa bán lẻ giảm 3,8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu hàng hóa chỉ đạt 47%.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo tỉnh cho biết, đến 30/6 đã giải ngân 38,4% trong tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách (hơn 3.000 tỷ đồng) và cập nhật đến ngày 21/7 là hơn 42%.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP |
Về đường cao tốc Bắc-Nam đi qua Bình Thuận, dài 160,3 km, đến nay, đã giao mặt bằng cho ban quản lý dự án đạt 93% và giải ngân 71,3%. Tỉnh khẳng định cuối tháng 8 tới có thể giao mặt bằng để khởi công 2 đoạn cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây và Phan Thiết-Vĩnh Hảo.
Ghi nhận ý kiến của Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tỉnh cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay. Đây là cố gắng lớn của Bình Thuận mà các địa phương khác phải học tập.
“Chính phủ, Thủ tướng luôn quan tâm, đồng hành với các đồng chí để tiếp tục thúc đẩy đổi mới, năng động, sáng tạo, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phấn đấu đạt kết quả cao nhất, đóng góp đưa Bình Thuận giàu mạnh”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, Bình Thuận có nhiều lợi thế so sánh trong phát triển như đất đai rộng lớn, con người cần cù, có truyền thống văn hóa lịch sử phong phú, có cảng nước sâu, ngư trường lớn, có khoáng sản, năng lượng tái tạo…
Trong nhiệm kỳ qua, tỉnh quyết tâm rất cao trong khắc phục khó khăn, vươn lên trong phát triển. GRDP của tỉnh năm 2019 đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố, thì 6 tháng đầu năm, Bình Thuận đã vươn lên đứng thứ 18.
Năm nay, tỉnh phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, không thay đổi chỉ tiêu thu ngân sách trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đây là một trung tâm du lịch, dịch vụ của cả nước nhưng những chỉ tiêu đó không thay đổi cho thấy sự phấn đấu rất lớn, các tỉnh phải học tập.
Bình Thuận cũng là một trong những địa phương tổ chức sớm hội nghị xúc tiến đầu tư, đạt kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chia sẻ, Bình Thuận đang chịu ảnh hưởng lớn của khô hạn, triều cường xâm thực ở biển. Hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ. Sự chồng lấn quy hoạch titan với quy hoạch khác là điểm nghẽn chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Về một số nhiệm vụ thời gian tới, trước hết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh lo chống hạn, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân, bảo vệ mùa màng, cây ăn quả.
Cần tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch để không bị chồng lấn, lãng phí, nhất là mâu thuẫn giữa lĩnh vực khoáng sản và du lịch.
Quan tâm thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn cho phát triển.
Phát triển đồng bộ công nghiệp, nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến; phát triển mạnh du lịch, đưa ngành này thực sự trở thành ngành kinh tế động lực, có thương hiệu trong khu vực.
Trong phát triển, chú ý hệ thống doanh nghiệp; quản lý hiệu quả tài nguyên, đất đai, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng chính quyền số, thương mại điện tử. Thủ tướng đề nghị tỉnh tổ chức tốt Đại hội Đảng.
Cũng trong ngày 23/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Nông.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,09%, đứng thứ 2 của khu vực Tây Nguyên. Chỉ số công nghiệp IIP tăng 4,5%.
Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh phấn đấu thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2020, phấn đấu tăng trưởng đạt 7,91%, giảm nghèo trên 3,5% và hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội quan trọng khác.
Để tạo cơ sở cho Đắk Nông phát triển, tỉnh đã nêu một số kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét giải quyết như phát triển hệ thống năng lượng điện, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Đắk Nông có vị trí chiến lược quan trọng đối với đất nước, đặc biệt với khu vực Tây Nguyên. Đây là tỉnh xa xôi, mới được chia tách, nhiều tiềm năng lợi thế nhưng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để có điều kiện phát triển.
Cùng với quyết tâm cao của địa phương, đặc biệt là trong chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp với chương trình hành động, định hướng phát triển 5 năm tới, tỉnh cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, của Trung ương.
Tán thành với lãnh đạo tỉnh về định hướng giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, trước hết không chủ quan với COVID-19, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn bệnh bạch hầu ở tỉnh.
Tỉnh cần cố gắng hơn trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, liên thông các cơ quan để tạo mọi điều kiện và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Đắk Nông mới đạt khoảng 35%, Thủ tướng đề nghị tỉnh nỗ lực nhiều hơn nữa, giải quyết mọi điểm nghẽn, chủ động kiểm tra, đôn đốc để bảo đảm giải ngân 100% vốn ngân sách Trung ương trên địa bàn.
Số lượng vốn cần giải ngân của Đắk Nông không phải là nhiều và Thủ tướng không muốn phải điều chuyển nguồn vốn của tỉnh (sang địa phương khác). Tỉnh cần có chương trình hành động cụ thể về vấn đề này.
Thủ tướng lưu ý tỉnh còn có cán bộ, người đứng đầu cơ quan địa phương chưa sâu sát thực tiễn, chủ quan, xuất hiện tư tưởng nể nang, đùn đẩy trách nhiệm.
Còn những vấn đề liên quan đến tài nguyên khoáng sản, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Chú trọng quy hoạch phát triển của Đắk Nông, phải có tầm nhìn 2045, xây dựng tốt kế hoạch 2021-2025 để thúc đẩy phát triển.
Phải tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp thế mạnh của địa phương như khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông sản và đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao.
“Hôm qua tôi thảo luận với bà Thủ tướng New Zealand và có nhắc đến quả bơ và kiwi, trong đó bơ là đặc sản của Việt Nam. Thị trường mở ra cơ hội rất lớn đối với hàng hóa của Việt Nam. Chúng ta nên quan tâm vấn đề thị trường, tiến hành một số biện pháp tiêu thụ sản phẩm”, Thủ tướng gợi ý.
Thủ tướng cũng yêu cầu Đắk Nông quản lý tốt hơn về đất đai, bảo vệ rừng, nâng cao độ che phủ rừng. Cùng với đó là tiếp tục quan tâm đến an sinh xã hội, giảm nghèo, giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bởi đây là lối thoát nghèo bền vững.
Đánh giá cao nỗ lực giảm nghèo của Đắk Nông, Thủ tướng cho rằng, đối với những tỉnh miền núi xa xôi, đông đồng bào dân tộc thiểu số thì vấn đề giảm nghèo đặt ra như một chiến lược. Các cơ quan Trung ương và cả địa phương phải lo giảm nghèo, đời sống cần thiết cho bà con trên các mặt y tế, giáo dục, phòng ngừa dịch bệnh.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đã cho ý kiến đối với các kiến nghị của Đắk Nông với tinh thần tạo mọi điều kiện cho tỉnh phát triển.