Thổi hồn vào đá gây quỹ xây trường học cho trẻ vùng cao

28/07/2020 06:40
Phạm Minh
GDVN- “Em, sỏi và trường” là tên gọi của là một chương trình thiện nguyện nhằm phục vụ cho Dự án "Ánh Sáng Núi Rừng" để xây trường cho các em nhỏ vùng cao.

Biến những hòn đá vô tri trở thành những tác phẩm nghệ thuật, tổ chức đấu giá để gây quỹ xây trường học cho trẻ em vùng cao – Đó là một trong những dự án thiện nguyện của nhóm tình nguyện Niềm tin với mục tiêu xây mới 30 điểm trường trong năm 2020.

Em, sỏi và trường

“Em, sỏi và trường” là tên gọi của là một chương trình thiện nguyện nhằm phục vụ cho Dự án "Ánh Sáng Núi Rừng" để xây trường cho các em nhỏ vùng cao.

Hoạt động này được nhóm bắt đầu triển khai từ tháng 3 năm 2020 với kế hoạch trong 1 năm gây quỹ được 100 triệu đồng.

Để biến những viên đá bình thường trở thành một tác phẩm nghệ thuật, có thể mang đi đấu giá là cả một quá trình và cần kết nối nhiều người tham gia.

Đầu tiên, các cô giáo vùng rẻo cao sẽ tìm kiếm và nhặt về từ khe suối những viên đá theo kích thước và có độ nhẵn phù hợp, rồi gửi xuống Hà Nội đến với nhóm tình nguyện Niềm tin.

Các họa sĩ tình nguyện viên của nhóm sẽ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Những bức tranh trên đá thể hiện cuộc sống vùng cao, đặc biệt là khắc họa hình ảnh những em nhỏ trên các điểm trường miền núi.

Hành trình sỏi bản trở thành tác phẩm nghệ thuật. (Ảnh: Tình nguyện Niềm Tin)

Hành trình sỏi bản trở thành tác phẩm nghệ thuật. (Ảnh: Tình nguyện Niềm Tin)

Khi hoàn thành, tình nguyện viên tổ chức đấu giá các tác phẩm “Em sỏi”. Số tiền nhận được từ việc đấu giá sẽ được chuyển vào Quỹ Sức Mạnh 2000 để xây trường cho trẻ em vùng cao.

Đến thời điểm hiện tại, các tình nguyện viên đã tổ chức 4 lần đấu giá “Em, sỏi và trường”, gây quỹ được gần 30 triệu đồng.

Nói về hoạt động này, anh Nguyễn Phạm Ngọc Dinh – phụ trách dự án chia sẻ: “Để thực hiện dự án này, cả nhóm đã cố gắng rất nhiều. Dù lần đầu triển khai nhưng chúng mình vẫn tổ chức được chương trình đấu giá chuyên nghiệp”.

“Điều đặc biệt là những hòn đá từ vùng cao gửi xuống miền xuôi, được thổi hồn, trở thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị, và kết quả thu được lại trở về phục vụ xây dựng trường vùng cao.

Mình cũng rất vui vì nhận được phản hồi tích cực của mọi người về các tác phẩm của nhóm”.

Sứ mệnh phát triển giáo dục vùng cao

“Tình nguyện Niềm tin” dưới sự dẫn dắt của thủ lĩnh Hoàng Hoa Trung đã xem những hoạt động thiện nguyện của mình chính là sứ mệnh phải thực hiện vì sự phát triển của giáo dục vùng cao.

Anh Trung cùng nhóm bạn trẻ đã có những chuyến khảo sát, đi sâu vào trong bản để thấy, để lắng nghe, cảm nhận và thấu hiểu.

Thổi hồn vào đá gây quỹ xây trường học cho trẻ vùng cao ảnh 2Cuộc sống khó khăn của trẻ vùng cao gieo “ám ảnh” với các bạn trẻ (Ảnh: Tình nguyện Niềm Tin)

Những ngôi trường tạm đơn sơ vách lá, xiêu vẹo giữa núi đồi; những đứa trẻ mặt mày lấm lem nghèo đến nỗi không có cơm ăn; biết bao em nhỏ vì nghèo đói mà không thể đến lớp; những đoạn đường đến trường hàng ngàn cây số chênh vênh hiểm trở; những cô giáo bám bản vừa địu con vừa dạy học – Đó chỉ là những lát cắt của cuộc sống trên các điểm trường tạm vùng cao. Và còn nhiều, còn nhiều hơn thế nữa.

Thế nhưng, chỉ những lát cắt đó cũng đã đủ trở thành nỗi ám ảnh với các bạn trẻ. Tất cả như thôi thúc nhóm tình nguyện phải làm gì đó để thay đổi.

“Em, sỏi và trường” là một dự án nhỏ trong hàng chục dự án mà tình nguyện Niềm tin đã và đang thực hiện.

Tất cả những dự án lớn nhỏ được anh Trung xây dựng ý tưởng, hướng đi, cách thức thực hiện. Anh gọi đó là “Hệ sinh thái nuôi em” – một hệ sinh thái các dự án thiện nguyện ý nghĩa!

Trong đó, có 2 dự án lớn nổi bật là “Ánh sáng núi rừng” với mục tiêu xây trường mới, xóa sổ trường tạm khắp cả nước và dự án “Nuôi em” – kết nối những mạnh thường quân nhận nuôi các em nhỏ để các em có những bữa ăn đầy đủ hơn, dinh dưỡng hơn.

Để thực hiện được mục tiêu này, anh Trung và các tình nguyện viên của mình đã kết nối với hơn 30 đội nhóm thiện nguyện cùng các thủ lĩnh giàu kinh nghiệm trên khắp cả nước từ Bắc đến Nam.

Thổi hồn vào đá gây quỹ xây trường học cho trẻ vùng cao ảnh 3Tình nguyện Niềm tin với hàng chục dự án thiện nguyện vì giáo dục vùng cao (Ảnh: Tình nguyện Niềm Tin)

Vì sứ mệnh phát triển giáo dục vùng cao, với những hoạt động nhân văn, ý nghĩa của mình, các dự án đã lan tỏa và truyền cảm hứng đến các tình nguyện viên ở khắp mọi miền tổ quốc.

Không chỉ xây trường, không chỉ cải thiện bữa ăn cho các em nhỏ, tình nguyện Niềm tin còn thực hiện rất nhiều hoạt động ý nghĩa khác.

Đó là quyên góp chăn ấm ngủ trưa, áo ấm đồng phục, máy tính cũ, đồ chơi cũ, xây dựng tủ sách cho các em.

Các tình nguyện viên còn thực hiện hoạt động mang điện xanh về giúp thầy cô bám bản, triển khai các dự án nước sạch trên các bản làng.

Để thực hiện những dự án đó, nhóm đã bắt tay vào các hoạt động gây quỹ với những cách thức khác nhau.

Ngoài việc kêu gọi các nguồn lực từ cộng đồng, các tình nguyện viên tham gia từ việc bán bảo hiểm xe máy, bán sách cũ, bán quần áo cho đến nhặt mảnh gốm, chở đất bán để gây quỹ.

Mỗi dự án, mỗi hoạt động đều được xây dựng fanpage, website để nhóm chia sẻ mục đích, kế hoạch, và nội dung.

Đồng thời vấn đề tài chính sau khi gây quỹ đều được công khai minh bạch qua các kênh online của các dự án.

Khi ánh sáng của "Niềm tin" đến với núi rừng

Dấu chân tình nguyện Niềm tin đã đi qua nhiều nơi, đến với những bản làng, những điểm trường xa ngút ngàn. Họ đã mang đến một sắc màu mới của cuộc sống nơi đây – màu của hy vọng.

Họ lưu giữ nụ cười cho những đứa trẻ thơ với những ngôi trường vững chắc, với những bữa ăn no.

Thổi hồn vào đá gây quỹ xây trường học cho trẻ vùng cao ảnh 5Điểm trường mới được xây giúp cải thiện điều kiện học tập cho các em nhỏ (Ảnh: Tình nguyện Niềm Tin)

Họ gieo niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho thầy cô bám bản, để giáo dục vùng cao có thể đi qua khó khăn, để các em thơ có cơ hội được học tập, được quan tâm và thay đổi cuộc đời.

Và thực tế, thủ lĩnh Hoàng Hoa Trung, nhóm tình nguyện Niềm tin, cùng các tình nguyện viên trên dải đất hình chữ S đã làm được điều đó.

Trong năm 2019, dự án “Ánh sáng núi rừng” đã xây dựng được 22 điểm trường mới.

Năm 2020, mục tiêu là 30 điểm trường được xây dựng. Tình đến thời điểm hiện tại, có 23 công trình (21 trường, 1 nhà nhân ái, 1 nhà bán trú 6 phòng) đã và đang được khởi công xây dựng.

Năm 2019, có 12.000 bé ở các trường vùng cao của 7 tỉnh được kết nối với các anh chị nuôi hỗ trợ ăn trưa. Dự án “Nuôi em” vẫn đang lan tỏa và thay đổi cuộc sống của các em từng ngày.

Bên cạnh đó, dự án “Nước sạch” đã triển khai thành công tại 600 bản. Dự án “Được dạy” đã lắp thành công gần 20 bộ năng lượng gió và mặt trời tại 20 điểm bản.

Một số điểm trường đã có tủ sách, có máy tính. Một số trường mầm non có đồ chơi. Học sinh có thêm áo và chăn ấm.

Nói về những thành công của dự án, bạn Phí Thị Lan Hương, thành viên của nhóm tình nguyện Niềm Tin vẫn còn trăn trở:

“Mình rất vui vì nhóm đã thực hiện được các dự án và đóng góp hỗ trợ cho các điểm trường.

Tuy nhiên, số điểm trường được xây dựng vẫn còn quá ít so với thực tế những điểm trường cần được xây mới”.

Mặc dù vậy, Hương và nhóm tình nguyện Niềm tin tin rằng hành trình của họ sẽ tiếp tục với những kế hoạch, mục tiêu cụ thể để xây dựng thật nhiều điểm trường mới.

Theo tìm hiểu của phóng viên, với các hoạt động thiện nguyện sôi nổi, nhóm tình nguyện Niềm tin đã nhận được nhiều sự ghi nhận như: Giải thưởng tình nguyện Chim Én 2009; Giải thưởng tình nguyện Quốc Gia 2011; Bằng khen của Uỷ ban trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng năm 2018; Giấy khen Hội khuyến học Mường Nhé – đã có nhiều đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn Mường Nhé giai đoạn 2015-2019.

Phạm Minh