Sao không bàn về quy định của Bộ Chính trị mà lại bàn chuyện bố con?

28/07/2020 06:06
Xuân Dương
GDVN- Nói một cách công bằng, con lãnh đạo có đạo đức, có năng lực (đã được kiểm nghiệm) được sắp xếp làm lãnh đạo thì nên xem là bình thường, không nên khắt khe.

Nói đến con cháu các cụ, không ít người nghĩ ngay đến cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo, cựu Phó tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) Vũ Quang Hải,…

Nếu “nâng cấp” một chút, đến hàng “em chị, em anh” đã bị cơ quan bên đảng và chính quyền xử lý thì phải kể đến cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy, quê ở xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Có ý kiến cho rằng ông Thủy là em trai ruột một cựu lãnh đạo thành phố Hà Nội, cũng có người bảo hai vị này trùng họ, trùng quê chứ chưa thấy công bố chính thức là anh em ruột!!!

(Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn).

(Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn).

Nếu xét theo diện rộng thì “Cả họ làm quan, cả cơ quan làm sếp” cũng không phải chuyện lạ. [1]

Nói một cách công bằng, con lãnh đạo có đạo đức, có năng lực (đã được kiểm nghiệm) được sắp xếp làm lãnh đạo thì nên xem là bình thường, không nên khắt khe.

Nếu “nâng đỡ không trong sáng” như trường hợp một vị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa “nâng đỡ” một cô gái thì mới cần phải làm cho ra nhẽ.

Gần đây, nổi lên chuyện Tỉnh ủy Bắc Ninh điều chuyển Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Nhân Chinh làm Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh.

Dư luận bàn tán nhiều vì Bí thư Thành ủy Nguyễn Nhân Chinh là con trai của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến.

Được biết Bí thư Nguyễn Nhân Chinh tốt nghiệp đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh chuyên ngành cờ vua và đã có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục.

Về địa danh, thành phố trực thuộc tỉnh được xếp tương đương huyện, như vậy chức danh Bí thư Thành ủy (trực thuộc tỉnh) tương đương chức danh Bí thư Huyện ủy.

Ngày 30/05/2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 35-CT/TW yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo quy định tại Phụ lục 1 “Tiêu chuẩn cấp ủy viên các cấp nhiệm kỳ 2020-2025” ban hành kèm theo Chỉ thị Số 35-CT/TW thì:

Tiêu chuẩn cụ thể:

(1) Tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp ủy cấp tỉnh (bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): Thực hiện theo Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị; các đồng chí được giới thiệu để bầu giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt thì phải bảo đảm tiêu chuẩn của tất cả chức danh dự kiến đảm nhiệm.

(2) Tiêu chuẩn ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp ủy cấp huyện, cấp cơ sở: Căn cứ vào tiêu chuẩn chung (nêu tại Mục 1) và yêu cầu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ đại hội 2020 - 2025, ban thường vụ cấp ủy quy định bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị”.

Như vậy tiêu chuẩn ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp ủy cấp huyện bắt buộc phải tuân thủ “Tiêu chuẩn chung nêu tại mục 1” nghĩa là phải “Thực hiện theo Quy định số 90-QĐ/TW, ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị”.

Tuy Quy định số 90-QĐ/TW (ban hành năm 2017) đã được thay thế bởi Quy định số 214-QĐ/TW ban hành ngày 02/01/2020 nhưng một số nội dung vẫn không thay đổi, cụ thể là các khoản 1.3 và 1.5 trong mục 1 chỉ thay dấu “-” bằng dấu “.”

Vấn đề còn lại là Chỉ thị 35-CT/TW có còn hiệu lực?

Thông tin từ Công Thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa cho biết Ngày 10/07/2020, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. [2]

Như vậy, cho đến ngày 10/07/2020, Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị vẫn giữ nguyên giá trị, nghĩa là tiêu chuẩn lãnh đạo đảng cấp huyện/thành phố trực thuộc tỉnh vẫn phải tuân thủ Quy định số 90-QĐ/TW và/hoặc Quy định số 214-QĐ/TW.

Tại mục 1, Quy định số 90-QĐ/TW và Quy định số 214-QĐ/TW có một số tiêu chuẩn rất rõ ràng và hoàn toàn giống nhau, cụ thể:

“Khoản 1.3- Về trình độ: Tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp.

Khoản 1.5- Sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm; Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định của Đảng.

Đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp; có nhiều kinh nghiệm thực tiễn”.

Do còn băn khoăn về ngôn ngữ trong khoản 1.5 nêu trên nên người viết đành phải đưa ra hai khả năng:

Thứ nhất, “Đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp” nghĩa là muốn làm Bí thư Thành ủy thì phải hoàn thành tốt chức danh lãnh đạo, quản lý cấp dưới trực tiếp (của chức danh Bí thư Thành ủy), tức là “lãnh đạo, quản lý” các Phó Bí thư Thành ủy và các ủy viên trong ban thường vụ Thành ủy (tương đương cấp huyện).

Thứ hai, “Đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh…” nghĩa là muốn làm Bí thư Thành ủy thì phải “Đã kinh qua” và hoàn thành tốt chức danh lãnh đạo, quản lý (ở) cấp dưới trực tiếp, nghĩa là phải kinh qua chức danh Phó Bí thư Thành ủy hoặc Ủy viên thường vụ Thành ủy.

Nếu một trong hai cách hiểu trên là đúng thì điều này giống hay khác so với cách hiểu của Bí thư Tỉnh ủy và Ban Thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh?

Khá nhiều ý kiến dè dặt về quyết định của Tỉnh ủy Bắc Ninh, chẳng hạn một vị nguyên lãnh đạo Ban Tổ chức trung ương cho rằng “các quy định hiện hành của Đảng không hề có quy định nào nói bố làm bí thư tỉnh ủy thì con cái không được làm bí thư thành ủy” [3] hoặc “Chưa có quy định bố làm Bí thư tỉnh con không được làm Bí thư thành phố”. [4]

Vấn đề không nằm ở chỗ bố làm Bí thư tỉnh và con làm Bí thư thành phố mà là tiêu chuẩn của Bí thư Thành ủy thành phố trực thuộc tỉnh.

Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam quy định “Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc, Hội nghị đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương”.

Vậy Tỉnh ủy Bắc Ninh có cần tuân thủ quy định do Bộ Chính trị ban hành về tiêu chuẩn cấp ủy cấp huyện/thành phố trực thuộc tỉnh?

Liệu ngoài Chỉ thị Số 35-CT/TW, trung ương có ban hành “cơ chế đặc thù” nào khác cho riêng đảng bộ Bắc Ninh?

Đến đây thì mọi bàn luận về việc Tỉnh ủy Bắc Ninh điều động Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Nhân Chinh làm Bí thư Thành ủy thành phố Bắc Ninh liệu đã sáng tỏ?

Và Ban tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra trung ương có cần xem xét việc tuân thủ các quy định của Đảng tại Bắc Ninh?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://baophapluat.vn/trong-nuoc/ca-ho-lam-quan-ca-co-quan-lam-sep-304554.html

[2] https://thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2020-7-10/Dong-chi-Pham-Minh-Chinh-Truong-Ban-To-chuc-Trung-brcq6v.aspx

[3] https://tuoitre.vn/con-trai-bi-thu-tinh-uy-lam-bi-thu-thanh-uy-bac-ninh-viec-nay-khong-vuong-quy-dinh-nao-20200724143744113.htm

[4] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/chua-co-quy-dinh-bo-lam-bi-thu-tinh-con-khong-duoc-lam-bi-thu-thanh-pho-post211049.gd

Xuân Dương