Văn Quyết: Thợ mộc và nông dân chính hiệu

10/11/2011 14:39
Theo BĐ&CS
Cùng với các đồng đội tại U23 Việt Nam, Văn Quyết đang là niềm hy vọng lớn của NHM nước nhà tại SEA Games 26.
Gia đình Văn Quyết luôn dõi theo những bước chạy của anh.
Gia đình Văn Quyết luôn dõi theo những bước chạy của anh.

Chất chứa tài năng bóng đá với những pha xử lý rất “dị”, điều đó ai ai cũng biết về Văn Quyết. Trong mắt bố mẹ cầu thủ này, Văn Quyết là câu bé lì lợm, trầm tính gắn với câu chuyện mà nếu không đi đá bóng, giờ này “cậu út” đang cặm cụi bên xưởng mộc của gia đình.

TUỔI THƠ "HÍT" MÙN CƯA, VÁC LÚA


Cũng như bao gia đình tại xã Hữu Bằng, Thạch Thất (Hà Nội), nghề mộc là nghề gia truyền của dòng họ Nguyễn tại đây. Cha truyền con nối từ đời này qua đời khác, thế nên khi Văn Quyết bắt đầu cắp sách đến trường, cũng là thời điểm được người cha là ông Nguyễn Văn Toàn bắt đầu cho “hấp thụ” nghề mộc.

Ông Toàn kể: “Trước đây, nhà tôi kinh doanh xưởng mộc lớn, nhiều thời điểm thuê người làm khó khăn phải huy động cả nhà ra xưởng làm cho kịp tiến độ để giao hàng cho khách. Thằng Quyết tay chân nó khéo nên muốn truyền nghề cho nó. Được cái nó học nhanh lắm, chỉ nhìn thợ làm một lúc là biết bắt chước liền”. Một buổi đến trường, một buổi ở nhà bắt đầu những bước đi đầu tiên trong việc nối tiếp nghề truyền thống của gia đình, cậu bé Văn Quyết quen dần với với việc “hít” mùn cưa hằng ngày.


Quần quật ở xưởng gỗ, đến khi bước vào vụ mùa, Quyết như bao đứa trẻ vùng nông thôn khác cũng phải “nhúng tay” vào công việc đồng áng. Vẫn là lời ông Toàn: “Nghề mộc những năm 90 ở xã Hữu Bằng phát triển ở mức cầm chừng nên gia đình tôi phải làm thêm ruộng, đỡ phải chạy chợ đong gạo hằng tháng. Gia đình có 1 mẫu ruộng, mà các cháu đều đi học xa, có cu Quyết ở nhà nên cũng phải huy động nó ra đồng cùng. Lúc thì nó đẩy xe mạ ra ngoài đồng cấy, khi thì ôm lúa về nhà, nói chung ở quê người nông dân thế nào, nó làm thành thạo cả”.

Những tháng năm vất vả như thế dường như đã tôi luyện nên sự cứng cỏi của cậu bé đất Hữu Bằng, mà như sau này khi bước chân vào ăn tập cùng trái bóng, những đồng đội của Quyết đều thừa nhận ý chí cùng độ kiên trì của cậu bé sinh năm 1991 này.

NỖI BUỒN "TRƯỢT VỎ CHUỐI"

Bên cạnh việc “hăng say lao động” ngay từ tấm bé, Văn Quyết còn khiến cả nhà và những đứa trẻ cùng trang lứa ngạc nhiên về khả năng đá bóng của mình. Bà Nguyễn Thị Thanh (mẹ Văn Quyết) kể lại: “Cứ sau giờ học nghề mộc là nó lẻn đi đá bóng. Nhiều lúc cũng bực lắm vì đến giờ ăn cơm tối rồi mà chẳng thấy mặt mũi nó đâu, ra sân bóng của làng thì thấy nó cởi trần đá với tụi nhỏ. Không phải là cấm đoán nhưng cứ thấy thế nào, lỡ may gãy tay, gãy chân thì nguy hiểm lắm. Được cái, khi huyện Thạch Thất tổ chức giải nhi đồng, nó vác cả cúp vô địch về nhà, kể ra cũng vui thật”.
Em trai Văn Quyết.
Em trai Văn Quyết.

Nức tiếng làng trên, xóm dưới về tài đá bóng, Văn Quyết được nhóm bạn động viên “thử ra Hà Nội xem có đội nào tuyển người không”. Được mách nước, Văn Quyết liều một phen ra trung tâm Hà Nội để tìm vận may. Tuy nhiên, khi vừa ra đội bóng đá Hòa Phát Hà Nội (cũ), thử được vài ngày, Văn Quyết được bộ phận tuyển trạch nơi đây lắc đầu vì thể hình hạn chế. Nỗi buồn “trượt vỏ chuối” đó dường như đánh sập ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp với Văn Quyết. Nhưng chính thất bại đầu đời đó càng tiếp thêm động lực “làm lại từ đầu” với cậu bé này.

Ông Toàn bộc bạch: “Nhà tôi lúc đó có chiếc xe cup, tôi thì hay bận bịu ngoài xưởng gỗ, nên thằng Quyết hay rình lúc không có ai để ý là lấy chiếc xe phóng thẳng 30 km lên Hà Nội tập đá bóng. Lúc đó, nó quen ông thầy gì đó ở Cầu Giấy, thầy trò hay ra sân gần công viên Nghĩa Đô đá tập một thời gian. Nhiều lúc, tối mịt thấy nó thất thểu dắt xe về nhà mà thấy thương nó quá. Đúng là cái máu đá bóng của nó không gì chia cắt được nên gia đình tạo điều kiện để nó đi tập bóng thường xuyên. Mà sau này phải công nhận rằng, khoảng thời gian tập ở đó đã rèn cho Quyết nhiều thứ để khi 15 tuổi được trúng tuyển vào lò đào tạo trẻ Thể Công (sau này đổi thành Viettel)”.

LẦM LÌ, TRẦM TÍNH

Với những ai tiếp xúc nhiều với Văn Quyết đều nhận ra sự dè dặt của cầu thủ này. Nhiều đồng đội ngày còn ở Viettel hay HN.T&T lý giải rằng sở dĩ Quyết ít nói không đơn thuần vì ngại chất giọng lơ lớ miền Thạch Thất, mà cái chính đó là tính cách bẩm sinh. Bà Thanh tiết lộ: “Nhà tôi sinh mấy người con đầu là gái, nên quyết tâm sinh được cậu con trai cho có nếp, có tẻ. Nó sinh cuối nên đặt luôn là Quyết, kiểu quyết tâm ấy. Nó lì từ bé, ai hỏi gì thì mới nói. Nó bảo làm quan trọng hơn nói. Nhưng khi nói thì nghe khúc chiết lắm, cứ như là ông cụ non ấy”.

Trầm tính và cũng chẳng có khái niệm “nổ” thế nên mỗi lần Văn Quyết về quê, đám bạn cùng lứa quý vô cùng. Hôm chúng tôi về Hữu Bằng, Thạch Thất, mới đi đến đầu làng hỏi thăm vào nhà Văn Quyết đã được cô bé học cấp 1 với cầu thủ này gật gù ngợi khen: “Cái thằng Quyết dị lắm, ngày bé siêng làm, đá bóng giỏi. Mấy cái Tết năm vừa rồi, kiểu gì nó cũng “lượn” sang nhà tụi em chơi, đúng là người được lên ti-vi ầm ầm mà vẫn chân chất, dễ gần thật”.

Đi lên từ vùng đất thuần nông, chân lấm, tay bùn quanh năm Văn Quyết đã và đang chứng minh, với tài năng bóng đá, “gã thợ mộc” ngày nào đang bay nhảy cùng những đường bóng biến ảo, đem lại cảm giác thích thú với NHM. Và đồ gỗ mỹ nghệ của xã Hữu Bằng vốn đã vươn ra khắp Hà Nội, xuất khẩu nước ngoài. Nhưng chắc chắn một điều, bây giờ nhắc đến địa chỉ đó, cái tên Văn Quyết cũng “thơm”, “bóng” hệt những chiếc tủ thường được nhà nhà nâng niu, đặt trang trọng giữa nhà.

“Ban đầu tôi chỉ giao cho nó ngồi đánh giấy ráp. Cu cậu chấp nhận, không ý kiến gì dù tôi biết khả năng nhanh nhẹn, tinh ý và khéo tay như Quyết có thể tham gia làm công đoạn cho ra sản phẩm. Nhưng phải làm thế để Quyết nó hiểu rằng, để thành thợ thành thạo hay là người trưởng thành thì phải bắt đầu từ những cái nhỏ nhất”, ông Toàn chia sẻ về khoảng thời gian đầu Văn Quyết “lăn” cùng những miếng giấy giáp trên thớ gỗ.


Theo BĐ&CS