Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ tiêu chuẩn ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp ủy cấp huyện, cấp cơ sở…
Công bằng, chính trực, trọng dụng người tài, không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Tuân thủ và thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.
Những tiêu chuẩn đối với những chức danh, vị trí chủ chốt đã rõ khiến câu chuyện ông Nguyễn Nhân Chinh (36 tuổi), Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn tỉnh Bắc Ninh, con trai Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến được chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành uỷ Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020 – 2025 càng khiến dư luận băn khoăn, đặt dấu hỏi.
Có ý kiến thẳng thắn cho rằng, vị trí bí thư một thành phố trung tâm của tỉnh chắc hẳn phải chọn người nằm trong quy hoạch, được chuẩn bị kỹ, nhiều thời gian, bởi vậy việc Đại hội mới qua hơn 1 tháng đã chỉ định là rất khó hiểu.
Cũng có ý kiến đồng thuận cho rằng, ông Nguyễn Nhân Chính chắc hẳn phải rất xuất chúng, thành tích vượt trội, tài đức vẹn toàn mới được tập thể Ban thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ định.
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã bày tỏ sự khó hiểu và đặt câu hỏi về công tác cán bộ tại địa phương này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay, ông không có ý kiến gì về việc phân công, bổ nhiệm đối với con, em cán bộ lãnh đạo làm các công tác, chức vụ trong Đảng hay Nhà nước nếu thực sự người đó đủ tiêu chuẩn, làm được việc.
Công tác cán bộ dù đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí nào đi nữa không chỉ vị trí chủ chốt cần phải làm một cách công khai, minh bạch, công tâm, lựa chọn người tài đức chứ không phải người nhà, người thân.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, vừa xong đại hội đảng bộ thành phố đã chỉ định chức bí thư thành ủy sẽ gây dư luận không tốt. Ảnh: Quochoi.vn |
Về câu chuyện ông Nguyễn Nhân Chinh được chỉ định làm bí thư thành ủy Bắc Ninh, Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề: “Đại hội là cơ quan cao nhất của mỗi cấp ủy Đảng, Đại hội sáng suốt lựa chọn người tài đức và có thể bầu trực tiếp vị trí bí thư sẽ tốt hơn, khách quan hơn.
Còn việc Đại hội mới xong hơn 1 tháng đã chỉ định vị trí bí thư thành ủy sẽ khiến dư luận nghi ngờ, ý kiến.
Hơn nữa, Bắc Ninh làm vậy, còn các tỉnh khác làm như vậy thì sao đây?. Như vậy sẽ không ổn một chút nào về mặt công tác cán bộ”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: “Việc chỉ định bí thư thành ủy Bắc Ninh sau Đại hội sẽ gây dư luận không tốt. Vị trí bí thư thành ủy nằm trong quy hoạch từ trước đó, vậy lý do gì không đưa cán bộ được quy hoạch ra trước Đại hội để bầu làm bí thư thành ủy?.
Vậy mà Đại hội xong lại chỉ định nhân sự làm bí thư thành ủy là vì lý do gì hay anh sợ bị trượt nên mới làm như vậy?.
Trường hợp cán bộ được chỉ định đó không phải là con bí thư tỉnh ủy cũng không nên, còn là con trai bí thư tỉnh ủy thì càng không nên.
Việc chỉ định như vậy không khỏi khiến dư luận nghi ngờ về việc đưa con em, người nhà vào vị trí chủ chốt. Công tâm, công khai, minh bạch sao không đưa anh về trước Đại hội để tập thể bầu trực tiếp”.
Một lần nữa Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng: “Trong công tác cán bộ việc chỉ định cán bộ sau Đại hội không sai, nhưng trong trường hợp này lại là vấn đề khác.
Về trách nhiệm nêu gương của Đảng viên, nếu nghĩ sâu xa, chu đáo, trách nhiệm thì không nên đưa con về làm bí thư thành ủy”.
Ông Ngô Văn Sửu cho rằng, có nể nang ưu ái khi chỉ định con trai bí thư tỉnh ủy hay không mà dư luận băn khoăn như vậy. Ảnh: Đ.T. |
Đồng quan điểm, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Việc chỉ định tại tỉnh Bắc Ninh vừa qua phải xem xét việc chỉ định cán bộ như thế có đủ tiêu chuẩn, đúng quy trình hay không?.
Việc tập thể ban thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ định như vậy có đảm bảo tính khách quan, công tâm, minh bạch hay có sự ưu ái, nể nang nào hay không mà khiến dư luận băn khoăn như vậy.
Hơn nữa, vị trí bí thư một thành phố của tỉnh về quy hoạch phải có ít nhất 2 đến 3 người. Vậy xem những người trong quy hoạch vì sao không được vào vị trí này mà lại chọn con bí thư tỉnh ủy?.
Việc chỉ định bí thư thành ủy là tổ chức tức là ban thường vụ tỉnh ủy Bắc Ninh, nhưng phải xem có phải tập thể lựa chọn hay chỉ cá nhân ai đó đưa ra rồi tập thể phải theo?”.
Cũng theo ông Ngô Văn Sửu, có tình trạng người đứng đầu áp đặt, nói là ý kiến của quần chúng, tổ chức nhưng thực chất là ý kiến cá nhân người đứng đầu. Những người nào có ý kiến khác thì bị gạt đi, thậm chí bị trù dập.
Việc chỉ định đó đảm bảo khách quan, công tâm, đúng đắn thì việc dân chủ tập thể phải đi vào thực chất đặc biệt trong công tác cán bộ cần sự dân chủ đúng nghĩa mới chọn được người tài đức.
“Công tác cán bộ phải được chuẩn bị thật kỹ, anh nằm trong quy hoạch bí thư thành ủy phải có quá trình phấn đấu, được bồi dưỡng, đào tạo và kinh qua nhiều vị trí từ thấp đến cao.
Trong những cán bộ được quy hoạch sẽ chọn người đủ tài đức, chứ không phải anh nằm trong quy hoạch là được bố trí làm lãnh đạo, vị trí chủ chốt.
Công tác cán bộ sao có thể đùng một cái ban thường vụ tỉnh ủy chỉ định bí thư thành ủy được với lý do đang trống?”, ông Ngô Văn Sửu nói.
Cũng theo ông Ngô Văn Sửu, trước đây đã chỉ ra không ít trường hợp con ông cháu cha gây bức xúc dư luận. Với bộ máy như vậy có vững mạnh được không khi người thân, ruột thịt, bố con cùng làm những vị trí chủ chốt.
Nói về trình độ, bằng cấp của cán bộ được chỉ định vào một số vị trí chủ chốt hiện nay, ông Ngô Văn Sửu cho rằng: “Đã nhiều lần tôi nói đến chuyện bằng cấp của không ít cán bộ hiện nay. Cần phải rà soát lại xem anh trình độ thực chất như thế nào hay bằng thật học giả.
Như vị trí bí thư thành ủy khi được chỉ định cần công khai để dư luận biết anh có thành tích trong công việc thế nào, bằng cấp, trình độ học vấn của ra sao.
Công khai cần chi tiết cụ thể, chứ không chỉ là chung chung, thạc sĩ nọ, tiến sĩ kia. Cái đó làm sao phải giấu giếm, anh tài đức thực sự thì sao phải e ngại việc đó?”.