Hy vọng bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên ăn bánh vẽ?

01/08/2020 06:45
Sơn Quang Huyến
GDVN- Những kiến thức trùng lặp trong đào tạo, bồi dưỡng sẽ gây phản cảm, lãng phí, không có tác dụng nâng cao chất lượng dạy học.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Rất nhiều giáo viên mừng rỡ khi đọc được thông tin:

Bỏ quy định “Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là điều kiện được học các chương trình bồi dưỡng cao hơn liền kề” nhằm phù hợp với việc quản lý công chức, viên chức được chuyển dần sang quản lý theo vị trí việc làm”.[1]

Khoản 7 Điều 1 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có ghi rõ:

7) Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 26 như sau:

“Điều 26. Chứng chỉ bồi dưỡng

2. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu cấp chứng chỉ các chương trình được giao tổ chức bồi dưỡng.

3. Việc sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng:

a) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn ngạch công chức chuyên ngành, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý là một trong những điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được đăng ký dự thi, xét nâng ngạch, thăng hạng; xét bổ nhiệm ngạch, hạng, chức danh lãnh đạo, quản lý tương ứng”; [2]

Việc sửa đổi như trên không có nghĩa sẽ bỏ quy định bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho viên chức nói chung và giáo viên nói riêng.

Vì Khoản 1 Điều 26 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức không thay đổi, có nghĩa công chức, viên chức vẫn phải có các chứng chỉ: Chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gồm:

a) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức;

b) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý;

c) Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành.[3]

Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có cần thiết hay không?(Ảnh minh họa: Nhandan.com.vn)

Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có cần thiết hay không?(Ảnh minh họa: Nhandan.com.vn)

Đôi điều kiến nghị:

Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đã được dư luận đánh giá là giấy phép con hành hạ giáo viên, không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục.

Vì vậy, nhân dịp Bộ Nội vụ có Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, tôi đề nghị bỏ Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong quy định với giáo viên.

Lý do thứ nhất: Chống lãng phí, nếu có khoảng 1 triệu giáo viên tham gia bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp sẽ mất ít nhất từ 2,2 nghìn tỷ đồng trở lên.

Nếu dành nguồn lực này cho việc nâng cao cuộc sống cho giáo viên hoặc trang bị các thiết bị dạy học hiện đại cho nhà trường thì số kinh phí này mới thực sự vì học sinh thân yêu, vì giáo dục.

Một thực tế đau lòng tại các cơ sở giáo dục hiện nay không có các thiết bị dạy học để giáo viên có thể áp dụng công nghệ thông tin, lý do thiếu kinh phí.

Lý do thứ hai: Nội dung bồi dưỡng:

“1. Lý luận chính trị.

2. Kiến thức quốc phòng và an ninh.

3. Kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước.

4. Kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế.

5. Tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ”.

Các nội dung trên thực chất đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, lồng ghép trong các modun bồi dưỡng thường xuyên.

Lý do thứ ba: Nội dung bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dễ dàng đưa vào chương trình đào tạo giáo viên tại các trường Sư phạm.

Chỉ bắt buộc chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên với đối tượng không học trường Sư phạm nhưng làm giáo viên.

"Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" sẽ dị ứng với học trò và cả giáo viên. Vì vậy, những kiến thức trùng lặp trong đào tạo, bồi dưỡng sẽ gây phản cảm, lãng phí, không có tác dụng nâng cao chất lượng dạy học.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-moi/De-xuat-moi-ve-dao-tao-boi-duong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc/400945.vgp

[2]http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/congdan/DuThaoVanBan?_piref135_27935_135_27927_27927.mode=displayreply&_piref135_27935_135_27927_27927.id=3715

[3]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-101-2017-ND-CP-dao-tao-boi-duong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-319214.aspx

Sơn Quang Huyến