Ngày 29/7/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 2814/BGDĐT-NGCBQLGD về việc đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101 trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề nghị:
1. Đối với viên chức ngành Giáo dục, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thay thế bằng các chứng chỉ bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (trong trường hợp không thể thay thế tất cả thì chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp).
2. Bổ sung quy định giao cho các Bộ/Ngành ban hành chương trình bồi dưỡng năng lực quản lý chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ quản lý đơn vị sự nghiệp (trong và ngoài công lập) do Bộ/Ngành chủ trì xây dựng (ngoài chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước nói chung do Bộ Nội vụ chủ trì).
3. Không giao thẩm quyền cho các địa phương về việc giao nhiệm vụ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập để đảm bảo Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm soát được chất lượng tổ chức bồi dưỡng của các cơ sở giáo dục được Bộ giao nhiệm vụ.
4. Ngoài ra, để phù hợp với bối cảnh hiện nay, cần bổ sung thêm hình thức bồi dưỡng “qua mạng” trong danh mục các loại hình tổ chức bồi dưỡng.
Một số thầy cô giáo sau khi đọc đề xuất của Bộ đã vô cùng phấn khởi.
Cô giáo Hồ An ở Vũng Tàu chia sẻ: “Mình sắp về hưu rồi nhưng thấy đề xuất của Bộ “Đối với viên chức ngành Giáo dục, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thay thế bằng các chứng chỉ bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định” rất hợp lý.
Mừng cho giáo viên, mừng cho ngành giáo dục nếu Bộ Nội vụ đồng ý với đề xuất này”.
Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất để “thay thế chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bằng chứng chỉ/ chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp".
Cụ thể, theo ông Bình, chứng chỉ/ chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên đã được quy định tại Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên.[1]
Chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên. (Ảnh do tác giả cung cấp). |
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có 9 mô-đun bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên mỗi cấp học phổ thông để phát triển năng lực nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp giáo viên và đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các mô-đun bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2021 nhằm hỗ trợ giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018;
Đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời của mỗi giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Đồng thời, đây là căn cứ quản lý, chỉ đạo, tổ chức và biên soạn tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông nhằm phát triển nghề nghiệp theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.
Các mô-đun bồi dưỡng này áp dụng đối với giáo viên đang giảng dạy ở trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, gồm các nội dung bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng trong cả nước. [2]
Nội dung 9 mô-đun bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên mỗi cấp học đã bao hàm nội dung bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của Bộ Nội vụ.
Như vậy đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đủ cơ sở để Bộ Nội vụ đồng ý.
Nếu Bộ Nội vụ không đồng ý theo ý kiến của Bộ Giáo dục thì liệu có cần thiết phải ban hành các mô-đun bồi dưỡng áp dụng đối với giáo viên đang giảng dạy ở trường phổ thông?.
Bởi có "chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp" mà Bộ Nội vụ - Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, đồng nghĩa với việc giáo viên đủ chuẩn để giữ hạng, thăng hạng, còn bồi dưỡng gì nữa?
Thế nên cũng có giáo viên lo ngại “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”, vì vậy đề nghị hai bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ Nội vụ cho phép, yêu cầu giáo viên tự học, học trực tuyến, viết bài thu hoạch như đã thực hiện với hình thức bồi dưỡng các chu kỳ trước đây.
Giáo viên lên kế hoạch, chủ động tự học, nhà trường giám sát việc áp dụng kiến thức vào thực tế của mỗi giáo viên.
Làm như thế không tốn kinh phí của giáo viên và nhà nước, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời của mỗi giáo viên.
Mỗi giáo viên thực sự là tấm gương tự học cho học sinh noi theo.
Quan trọng nhất chính là kiến thức bồi dưỡng đã áp dụng vào thực tế giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục chứ không chỉ dừng lại “làm đẹp hồ sơ” giáo viên như những chứng chỉ từ trước đến nay.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-de-xuat-thay-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-bang-chung-chi-gi-post211251.gd
[2]http://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=1266