Ngoài Đà Nẵng, Quảng Nam thì kỳ thi tốt nghiệp nên giữ nguyên, tránh xáo trộn

03/08/2020 06:33
Thùy Linh
GDVN- Theo nhiều chuyên gia, vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp chứ không thể nào lên kế hoạch lùi được bởi tháng 9, tháng 10 ai dám chắc dịch bệnh đã được đẩy lùi?.

Chỉ còn vài ngày nữa là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương đã và đang gấp rút hoàn tất phương án để đảm bảo an toàn cho thí sinh.

Đến nay Đà Nẵng, nơi dịch COVID-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp, đã chính thức kiến nghị không tổ chức kỳ thi. Tương tự, tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất 3 phương án, trong đó nếu tình hình diễn biến phức tạp thì xin không tổ chức thi và xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh.

Để đảm bảo an toàn cho thí sinh, giáo viên, giảng viên tham gia kỳ thi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra nhiều giải pháp tổ chức kỳ thi theo đó chia thí sinh 4 nhóm: F0; F1; F2 và các thí sinh khác.

Chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến- nguyên Vụ phó vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp chứ không thể nào lên kế hoạch lùi được bởi tháng 9, tháng 10 ai dám chắc dịch bệnh đã được đẩy lùi?.

Hơn nữa việc phân nhóm đối tượng dự thi đã bảo đảm quyền lợi của thí sinh, cũng như bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.

Thầy Khuyến cho rằng, đối tượng thí sinh F0 tức là các em đang phải điều trị trong bệnh viện và không có điều kiện dự thi thì việc được xét tốt nghiệp là đương nhiên giống như thời kỳ chiến tranh, có bom đạn tất cả mọi người phải ở nhà, không được ra ngoài nên học trò được xét đặc cách.

Từ quan điểm này, thầy Khuyến nói: “Thí sinh ở Đà Nẵng và những huyện, thị xã ở Quảng Nam phải giãn cách xã hội thì các em được xét đặc cách còn lại các địa phương khác vẫn tổ chức thi như bình thường”.

Bởi lẽ, theo thầy Khuyến, các em đi thi thì các địa phương đã có hướng dẫn thực hiện giãn cách, đảm bảo yêu cầu giãn cách, khử khuẩn, nước rửa tay, đeo khẩu trang, vệ sinh trường lớp...Đồng thời bản thân quy chế thi đã là yêu cầu về giãn cách rồi bởi các em đâu có ngồi sát nhau do đó đối với các địa phương chưa có dịch hoặc chưa đáng kể thì vẫn tổ chức thi như bình thường.

Đồng tình với quan điểm này, theo dõi tình hình hiện nay, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, đối với Đà Nẵng và Quảng Nam đã có nhiều F0 thì nên xét đặc cách tốt nghiệp còn các tỉnh khác vẫn triển khai như bình thường.

Tuy nhiên, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cũng khuyến cáo rằng, căn cứ vào tình hình từ nay đến 7/8, nếu dịch COVID diễn biến ngày càng phức tạp và lan rộng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên trình Chính phủ phương án đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh cả nước còn các trường đại học có thể tổ chức kiếm tra, đánh giá bằng nhiều hình thức như online, test để tuyển sinh.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ (ảnh: Thùy Linh)

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ (ảnh: Thùy Linh)

Theo thầy Nhĩ, việc xét đặc cách đã từng có trong lịch sử, không phải phương án mới mẻ, bởi chính thầy Nhĩ là sản phẩm của đặc cách tốt nghiệp.

Thầy Nhĩ kể, khi đó hòa bình lặp lại, giáo dục chuyển từ hệ 9 năm sang hệ 10 năm nên Bộ đã xét đặc cách tốt nghiệp dựa vào điểm quá trình rồi cấp bằng phổ thông còn đại học thì các trường tổ chức.

Còn Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho biết, đến thời điểm này thì kỳ thi tốt nghiệp không thể lùi được nữa.

Vì không ai có thể đảm bảo đến tháng 9 hay tháng 10 dịch bệnh sẽ chấm dứt. Nếu kéo dài mãi thì sẽ vỡ trận năm học.

Do đó, thầy Dong cho rằng với những tỉnh mà dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như Đà Nẵng, Quảng Nam thì nên xét tốt nghiệp.

Hiện giờ vẫn chưa thể nắm bắt được đâu là F0 trong cộng đồng nên tổ chức thi rất nguy hiểm. Còn lại các tỉnh cần tổ chức thi và có phương án để tránh tình trạng tập trung quá đông, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Trước đó, ngày 30/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản số 2832/BGDĐT-QLCL tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Đà Nẵng và đang lây lan sang các địa phương khác.

Cụ thể, đối với thí sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, phân loại thí sinh đăng ký dự thi thành 4 nhóm: F0, F1, F2 và các đối tượng khác.

Căn cứ điều kiện cụ thể, các địa phương tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp như sau:

Thí sinh thuộc diện F0 (ca bệnh xác định, dương tính với SARS-CoV2) phải cách ly và điều trị tại cơ sở y tế nên không thể dự thi, được xem xét đặc cách công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo quy định hiện hành.

Những thí sinh này nếu có nhu cầu xét tuyển vào các trường đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học xem xét phương thức tuyển sinh phù hợp trên tinh thần tự chủ đại học, đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh.

Thí sinh thuộc diện F1 (tiếp xúc gần với F0, phải cách ly tập trung), Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh xem xét bố trí cho các thí sinh dự thi tại khu vực cách ly hoặc dự thi tại Điểm thi riêng phù hợp ở gần với khu vực cách ly.

Thí sinh thuộc diện F2 (tiếp xúc với F1, cách ly tại nơi cư trú), Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh xem xét bố trí cho thí sinh dự thi tại phòng thi dự phòng của Điểm thi hoặc dự thi tại Điểm thi riêng phù hợp với điều kiện của địa phương.

Đối với thí sinh khác, việc tổ chức Kỳ thi diễn ra bình thường theo đúng kế hoạch. Trong quá trình tổ chức Kỳ thi, thí sinh có biểu hiện ho, sốt được bố trí thi tại phòng thi dự phòng tại điểm thi.

Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia tổ chức Kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị không để cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc diện F0, F1 hoặc F2 tham gia vào các khâu của Kỳ thi.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi tại các phòng thi dành cho thí sinh thuộc diện F1, F2 thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Đối với Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, căn cứ tình hình dịch COVID-19 tại địa phương, cần xây dựng kế hoạch tổ chức thi phù hợp, bảo đảm an toàn cho thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác tổ chức thi tại địa phương; có phương án dự phòng về điểm thi, phòng thi, nhân lực ở tất cả các khâu của Kỳ thi để huy động khi cần thiết.

Đồng thời, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh chủ động xây dựng phương án hỗ trợ đưa đón thí sinh thuộc diện F1, F2 bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 như: phun thuốc khử khuẩn, đeo khẩu trang, bố trí đủ nước rửa tay, đo thân nhiệt cho thí sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi trong các khu vực in sao đề thi, khu vực làm phách, khu vực chấm thi và các Điểm thi, được Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Ban chỉ đạo thi các tỉnh thực hiện nghiêm.

Thùy Linh