Cả Thành phố Đà Nẵng bình tĩnh bước vào cuộc chiến

04/08/2020 06:20
AN NGUYÊN
GDVN- Dù đang trải qua những ngày khó khăn chống chọi với dịch Covid-19 nhưng người dân Đà Nẵng vẫn bình tĩnh.

Khi những con số về các ca bệnh tăng lên, khi hàng ngàn người phải vào khu cách ly rồi phong toả nhiều khu vực thì hơn 1 triệu người dân Thành phố Đà Nẵng đã chính thức bước vào cuộc chiến với covid-19.

Bên trong bệnh viện dã chiến Hoà Vang, nơi các y bác sĩ đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh. Ảnh: AN

Bên trong bệnh viện dã chiến Hoà Vang, nơi các y bác sĩ đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh. Ảnh: AN

Chỉ cách đây vài tuần thôi, ít ai có thể nghĩ rằng một thành phố sôi động, đón hơn 1,4 triệu lượt khách quốc nội đang trỗi lên mạnh mẽ sau đợt dịch covid-19 thứ nhất lại đang phải đối diện với khó khăn như bây giờ.

Thời điểm ấy, bãi biển, nhà hàng, khách sạn… vẫn đông nghẹt du khách. Mọi người thoải mái nghỉ ngơi, xả stress sau nhiều ngày phải chống chọi với các lệnh cách ly, phong toả trong đợt dịch đầu năm.

Nhưng rồi tin không vui bất ngờ ập tới, những bệnh nhân đầu tiên nhiễm Covid-19 xuất hiện. Hàng nghìn người nhanh chóng rời khỏi Đà Nẵng, tâm lý lo lắng lúc ấy là điều dễ hiểu vì ai cũng muốn nhanh chóng thoát khỏi nơi này.

Các gia đình vội vàng thu gom hành lý để rời khỏi thành phố đang bắt đầu phát sinh những ca bệnh lây nhiễm đầu tiên.

Những chuyến tàu, xe khách đường dài… cũng được tận dụng để giải toả khách. Trên chuyến tàu rời Đà Nẵng vào đêm 24/7, một người bạn của tôi đã viết status trên mạng xã hội: “Từ Hải Vân Quan nhìn về, thành phố vẫn đẹp và rực rỡ bên bờ sông Hàn. Cầu mong cho mảnh đất này vượt qua cơn sóng dữ để bình an đón mọi người trở lại”.

Tôi gọi điện hỏi thăm bạn và không quên cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà bạn đã dành cho thành phố, nơi tôi xem như quê hương thứ hai của mình.

Tôi cũng không quên nói với bạn rằng, không phải ai cũng đang cố gắng chạy thoát khỏi thành phố như bạn nghĩ. Hàng ngày, từng đoàn quân của mọi miền đất nước vẫn đổ về đây để hợp sức với Đà Nẵng chống giặc.

Họ là những đội đặc nhiệm của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai… những bác sĩ đã can trường đưa đất nước vượt qua đợt dịch thứ nhất.

Cùng với những đoàn quân mang đôi cánh thiên sứ ấy là những đội tình nguyện của sinh viên Y khoa đến từ Huế, Hà Nội và Sài Gòn. Tất cả đổ dồn về Đà Nẵng để chuẩn bị cho một cuộc chiến sống - còn với dịch bệnh.

Bên cạnh các bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch luôn có sự dõi theo ủng hộ của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp. Họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tỷ đồng chia sẻ vời ngành y, hy vọng dập dịch nhanh nhất có thể.

Và, nhiều ngày qua, Chính phủ mà trực tiếp là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành liên tục họp bàn giải pháp dồn lực xử lý dứt điểm dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho hàng triệu người dân, không chỉ ở Đà Nẵng mà là cả đất nước này.

Trong cơn nguy biến, người Đà Nẵng đã chống chọi ra sao, họ có run sợ, lo lắng, bất an? Đó cũng là những dòng tin nhắn chia sẻ, hỏi han của bạn bè khắp mọi miền gửi tới tôi những ngày này.

Có ở trong tâm dịch mới hiểu được lòng người, đó cũng là một ý trong bài hát về Đà Nẵng: “có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn”.

Dù một tuần trôi qua, con số bệnh nhân nhiễm virus đã vượt quá 100 ca nhưng người Đà Nẵng vẫn bình tĩnh để đối phó.

"Cửa hàng thực phẩm di dộng" tiếp sức cho sinh viên trong cơn đại dịch. Ảnh: AN

"Cửa hàng thực phẩm di dộng" tiếp sức cho sinh viên trong cơn đại dịch. Ảnh: AN

Chỉ cách đây vài tháng, khi báo chí thế giới đưa tin về cuộc tháo chạy khỏi Vũ Hán (Trung Quốc), nhiều người có lẽ sẽ lo lắng thái quá cho Đà Nẵng hôm nay.

Nhưng trái ngược với hàng trăm ngàn người Trung Quốc cố bỏ chạy khỏi Vũ Hán mang theo mầm bệnh thì người Đà Nẵng lại bám trụ vững vàng để chuẩn bị cho một cuộc chiến để sẵn sàng chiến thắng.

Trong suy nghĩ của họ không có sự trốn chạy, bởi trốn chạy là mang theo loài virus tai ác ấy đi gieo rắc thêm cho đồng bào.

Dường như mảnh đất nằm giữa dải đất miền Trung quanh năm chống chọi với thiên tai, bão lũ đã quá quen với những tàn khốc của thiên tai, địch hoạ. Những khó khăn chỉ làm con người nơi đây trở nên kiên cường và bản lĩnh.

Dọc theo những con phố, những hàng rào được dựng lên để kiểm soát người ra vào là những tổ đặc nhiệm khu phố, xóm dân cư được lập nên để nhắc nhở người dân phòng, chống dịch bệnh…

Không ai bảo ai, mỗi người đều tự ý thức được công việc của mình là ngăn chặn virus. Tất cả tạo thành một lớp thành trì vững chãi trước làn sóng covid hung hãn.

Khi cả thành phố đang gồng mình chống giặc thì những chuyến hàng cứu trợ, tiếp tế vẫn đổ dồn về các bệnh viện, khu cách ly, các địa điểm bị phong toả.

Trên các trang mạng xã hội vẫn truyền nhau những tin nhắn: Bệnh viện Đà Nẵng đang thiếu cái này, Bệnh viện C đang thiếu cái kia, Bệnh viện Phổi đang cần khẩu trang… Đó là sự san sẻ, “lá lành đùm lá rách” của chính người dân Đà Nẵng và từ bạn bè khắp mọi miền đất nước.

Trước cổng bệnh viện Đà Nẵng, nơi đang có gần 8.000 người đang cách ly, từng chuyến hàng mang theo nước uống, thực phẩm, khẩu trang, áo quần bảo hộ… liên tục được gửi về.

Giữa cơn mưa nặng hạt do ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới, từng nhóm thiện nguyện bốc dỡ những thùng hàng của các nhà hảo tâm. Mồ hôi rớt lã chã trên những gương mặt luôn nở nụ cười của tình nguyện viên.

Họ đã làm việc quần quật suốt một tuần qua để không có người bệnh nào phải đói, khát, không để bác sĩ nào phải kiệt sức vì thiếu thốn nhu yếu phẩm.

Tại các khu ký túc xá, nơi có hơn 1.000 sinh viên đang “mắc kẹt”, những chuyến hàng tiếp viện được chuyển đến. Nhà trường lập thêm bếp ăn, nhà hảo tâm đóng góp gạo, rau, nước uống… để các em có thể sinh hoạt như bình thường.

Dẫu biết rằng, cuộc chiến với dịch bệnh có thể sẽ phải kéo dài nhiều tháng nữa, dù có những mất mát, hy sinh nhưng người dân Đà Nẵng vẫn vững tin sẽ trụ vững như cây phong ba giữa bão táp.

Tất cả đều tin sẽ chiến thắng vào một ngày không xa!

AN NGUYÊN