Đã phấn đấu lên làm hiệu trưởng thì không thể xuống, dù có bị kỷ luật?

05/08/2020 06:28
Lê Mai
GDVN- Một cán bộ quản lý bị kỷ luật nơi này, chuyển sang làm nơi khác liệu còn là tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học trò noi theo?

Chuyện cán bộ bị kỷ luật ở cấp trường đưa lên cấp phòng hay cấp sở rồi tái bổ nhiệm là chuyện không mới ở nước ta.

Những hiệu trưởng bị kỷ luật nhưng “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, được tái bổ nhiệm nổi đình nổi đám trong dư luận thời gian qua đã gây không ít dị nghị trong giáo giới.

Mới đây nhất là trường hợp ông Đỗ Đình Đảo – chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh được bổ nhiệm vào chức vụ Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Thọ, Quận 4.

Ảnh chụp màn hình website Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu ngày 5/8/2020, vẫn giới thiệu ông Đỗ Đình Đảo là hiệu trưởng trường này.

Ảnh chụp màn hình website Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Diệu ngày 5/8/2020, vẫn giới thiệu ông Đỗ Đình Đảo là hiệu trưởng trường này.

Những hiệu trưởng bị kỷ luật, tái bổ nhiệm lãnh đạo như thế nào?

Nổi bật cho “ngựa quen đường cũ” có thể nói đến bà Phạm Ngọc Phụng ở tỉnh Sóc Trăng.

Bà Phạm Ngọc Phụng là Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Hồng Phong (Thành phố Sóc Trăng).

Tại trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lê Hồng Phong, bà Phụng và kế toán trưởng Trương Tú Cần bị tố cáo có khuất tất về tài chính nhưng không bị xem xét mà lại nhanh chóng được Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng chuyển về làm Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Sóc Trăng, trong giai đoạn 2015-2017, bà Phạm Ngọc Phụng làm Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu, cùng một số cá nhân khác đã không tuân thủ các quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính về các nguồn tiền qua các năm với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng. [1]

Từng bị Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk và Ủy Ban kiểm tra Huyện ủy Buôn Đôn tiến hành kỷ luật vì nhiều sai phạm vào năm 2013, khi làm Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Buôn Đôn, ông Nguyễn Văn Niệm tiếp tục được “tái bổ nhiệm” làm Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa (huyện Buôn Đôn), lại tiếp tục mắc hàng loạt các sai phạm khác.

Ngày 28/10/2015, ông Trương Thức – Chánh Văn phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk cho biết:

“Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định về việc xử lý kỷ luật công chức đối với ông Nguyễn Văn Niệm – Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa với hình thức kỷ luật Cảnh cáo vì đã có một số vi phạm trong công tác quản lý tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất”. [2]

Tái bổ nhiệm hiệu trưởng bị kỷ luật, phải chăng địa phương hết nguồn cán bộ?

Việc hiệu trưởng nói riêng, công chức nói chung bị kỷ luật khiển trách hay cảnh cáo không tái bổ nhiệm chức vụ cao hơn là đúng theo Quy định 30 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII, VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng (năm 2016) và Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm (năm 2017); Quy định 105 (năm 2017) của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Theo đó, cán bộ bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất một năm kể từ khi có quyết định kỷ luật.. [3]

Dư luận không khỏi băn khoăn, phải chăng địa phương hết nguồn cán bộ? Đã “phấn đấu” lên làm cán bộ là không không thể xuống? "Lỗi lầm luồn lọt lại lên lương?"

Vì thế người ta “chạy chức, chạy quyền”, có chức có quyền kiếm tiền không khó để “thu hồi vốn và tái đầu tư”, nếu bị kiện cáo chỉ “kỷ luật ngọt ngào”, nào phải lo lắng gì.

Chính vì thế mới có hiện tượng một tờ báo nêu “Làm hiệu trưởng ở đâu cũng bị tố” [4], thế nhưng vẫn cứ làm “nghề hiệu trưởng”.

Tái bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó bị kỷ luật; “nâng đỡ không trong sáng” hay “tráng men” cho hiệu trưởng, hiệu phó bị kỷ luật rồi tái bổ nhiệm đã làm mất mát quá nhiều điều không đo đếm được.

Mất mát lớn nhất, không đo đếm được chính là mất niềm tin của giáo viên, của xã hội vào giáo dục!

Trong quản lý giáo dục, văn bản pháp quy rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn bội phần chính là nhân cách của người quản lý, của người thầy.

Giáo dục bằng cách nêu gương, lấy bản thân làm tấm gương giáo dục đồng nghiệp, giáo dục học trò là phương pháp giáo dục tiên tiến, cổ xưa nhưng cũng hiện đại nhất trong lịch sử xã hội loài người.

Một cán bộ quản lý bị kỷ luật nơi này, chuyển sang làm nơi khác liệu còn là tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học trò noi theo?

Đã có những hiệu trưởng đứng trên cả luật pháp, đến đâu cũng sai phạm, vì tin mình có ô dù che chở, nếu có sai phạm vẫn tin mình được tái bổ nhiệm đó thôi.

Dân tộc ta có lòng vị tha, nhân ái, đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại. Thế nhưng không kỷ luật những kẻ vi phạm pháp luật đủ sức răn đe, đủ sức giáo dục, sẽ ươm mầm cho sự coi thường luật pháp, chà đạp pháp luật, chà đạp cái tốt, bôi nhọ sự tử tế.

Nên chăng, trong giáo dục nói riêng, trong xã hội nói chung, tuyệt đối không tái bổ nhiệm những người đã bị kỷ luật.

Có như thế mới đủ sức giáo dục, răn đe những người đang có chức có quyền phải nghĩ đến hậu quả trước khi làm việc gì trái lương tâm và luật pháp.

Đã có lên là phải có xuống, nếu lên mà không xuống chắc chắn sẽ ươm mầm bệnh cho chính mình và cho xã hội.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/sai-pham-tien-ty-hieu-truong-chi-bi-khien-trach-20180413211130904.htm

[2] https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ky-luat-hieu-truong-mac-hang-loat-sai-pham-20151029085632654.htm

[3] https://plo.vn/thoi-su/bo-nhiem-can-bo-dinh-ky-luat-phai-than-trong-856722.html

[4] https://nld.com.vn/thoi-su/lam-hieu-truong-o-dau-cung-bi-to-20190603223430831.htm

Lê Mai