Giáo viên thành chủ nợ
Mới đây, nhiều giáo viên ở Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi (huyện Chư Prông, Gia Lai) đã có đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng về việc bị nợ tiền dạy thừa giờ, tiền thể dục, tiền dạy lớp ghép và không được đóng bảo hiểm xã hội.
Nhiều giáo viên trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi bị nợ tiền dạy thừa giờ, tiền dạy ghép lớp... không biết đòi ở đâu. Ảnh: MT |
Theo cô H.T.H. (giáo viên nhà trường), trong năm học 2019-2020, nhà trường đang nợ các tiền chế độ của cô nhưng chưa giải quyết chi trả.
“Tôi nhận được quyết định thực dạy lớp ghép 3+4+5 bắt đầu từ ngày 7/10/2019 của học kỳ 1 năm học 2019-2020. Nhưng đến nay nay nhà trường vẫn chưa thanh toán số tiền liên quan đến việc thực dạy gồm: tiền thừa giờ và tiền thể dục, tiền dạy lớp ghép.
Riêng chế độ bảo hiểm xã hội tháng 12/2019 của tôi chưa được nhà trường nộp về bảo hiểm xã hội huyện”, cô H. phản ánh.
Còn theo cô H.T.N.H. (giáo viên) thì tháng 8/2019, theo sự phân công của nhà trường, cô đi tập huấn tại thành phố Buôn Mê Thuột với tổng mức chi phí cho chuyến công tác là 2,1 triệu đồng nhưng chưa được thanh toán.
“Chế độ bảo hiểm xã hội tháng 12/2019 của tôi nhà trường chưa nộp về bảo hiểm xã hội của huyện Chư Prông.
Ngoài ra, học kỳ 1 năm học 2019-2020, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 7A, giảng dạy môn Tiếng Anh 6,7,8,9, môn giáo dục công dân khối 6,7,8,9 và dạy chủ đề tự chọn môn Tiếng Anh lớp 6A đến 9A. Do đó, tôi có tiền chế độ thừa giờ 24 tiết với số tiền 2,84 triệu đồng.
Những khoản tiền nói trên, tôi đã đề nghị nhà trường thanh toán nhưng không được thực hiện”, cô H. nói.
Cùng chung tình cảnh như hai cô giáo nói trên, năm học 2018-2019, thầy T.T.N. cũng được phân công dạy học và chủ nhiệm lớp ghép 2 + 3 + 4.
Thầy được bộ phận chuyên môn thống kê, xác nhận thừa giờ là 102 tiết với số tiền gần 14 triệu đồng. Đến nay, thầy N. vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào.
Cũng bị nhà trường nợ số tiền hơn 30 triệu đồng suốt gần hai năm qua, cô P.T.H. bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, khiếu nại với lãnh đạo nhà trường về việc phải chi trả các khoản thanh toán hợp pháp cho giáo viên.
Nhưng Hiệu trưởng thời điểm đó là ông Nguyễn Thanh Cường cứ nấn ná, bảo phải chờ. Đến tháng 3 vừa rồi thì ông Cường chuyển công tác đến trường khác. Khi giáo viên hỏi ông Cường thì ông này nói sẽ có trách nhiệm chi trả.
Giáo viên chúng tôi có đơn kiến nghị lên Công đoàn trường nhưng cũng không có kết quả. Đến nay, chúng tôi vẫn mỏi mòn chờ đợi số tiền mà nhà trường đang nợ”.
Nhiều khoản chi bất minh của Hiệu trưởng cũ
Cũng theo phản ánh của một số giáo viên Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi thì trong thời gian giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường, ông Nguyễn Thanh Cường đã có nhiều khoản thu - chi tài chính bất minh.
Cụ thể, từ tháng 1 đến giữa tháng 3, nhà trường tạm nghỉ dạy và học do dịch bệnh covid-19 nhưng ông Cường đã chi hơn 130 triệu đồng mà hội đồng sư phạm và chi bộ nhà trường không hề biết chi vào mục đích gì.
Trong khi, tiền chế độ của cán bộ, giáo viên chưa thanh toán. Việc chi tiêu, mua sắm trong nhà trường, ông Cường không đưa ra bàn bạc với chi bộ, ban giám hiệu, hội đồng sư phạm của trường mà tự quyết một mình và không công khai tài chính theo quy định từ năm 2018.
Từ tháng 3, ông Nguyễn Thanh Cường đã được luân chuyển, điều động về làm Hiệu trưởng trường Kpă Klơng (huyện Chư Prông).
Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Prông (Gia Lai) cho hay, theo quy định thì đối với các khoản tiền dạy thêm, dạy ngoài giờ do nhà trường tự chi trả.
“Vấn đề này thuộc thẩm quyền quyết định của Hiệu trưởng nên không liên quan đến phòng Giáo dục và Đào tạo.
Còn đối với những khiếu nại, khiếu kiện của giáo viên thì sẽ xác minh, làm rõ. Còn quan điểm của đơn vị là sai đến đâu xử lý đến đó, không vì một cá nhân mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi tập thể”, bà Hằng cho hay.
Theo tìm hiểu thì ngay sau khi nhận được đơn thư phản ánh của các giáo viên, Ủy ban nhân dân huyện Chư Prông đã lập đoàn thanh tra về làm việc tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi để làm rõ các nội dung tố cáo.