Đại học Vinh phản hồi thông tin về loạt bài viết chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

08/08/2020 12:19
Vũ Ninh
GDVN- Nhà trường cho biết: Sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành các chương trình bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp đảm bảo đúng quy định.

Ngày 7/8/2020, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết: Thâm nhập lò sản xuất chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên nộp tiền là có!; Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp siêu tốc của Đại học Vinh sản xuất như thế nào?

Nội dung loạt bài viết phản ánh công nghệ sản xuất chứng chỉ chức danh nghề nghiệp siêu tốc (dành cho giáo viên) do Trung tâm Ngoại ngữ Đông Nam Á liên kết với Đại học Vinh tổ chức.

Sau khi đăng tải, bài viết đã thu hút được sự quan tâm và chú ý của dư luận xã hội về một vấn đề nóng trong ngành giáo dục.

Cũng trong ngày 7/8/2020, Đại học Vinh đã có văn bản số 703/ĐHV- BDNSVP: Về việc tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Phản hồi thông tin từ Đại học Vinh (Ảnh:V.N)

Phản hồi thông tin từ Đại học Vinh (Ảnh:V.N)

Theo đó, Đại học Vinh trao đổi một số nội dung như sau:

1.Trung tâm Ngoại ngữ Đông Nam Á được thành lập theo Quyết định số 03B/2019/QĐ ngày 19/6/2020 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giáo dục và Thương mại Châu Á (MSDN: 0108619363); được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp Giấy chứng nhận hoạt động đào tạo, bồi dưỡng số 3714/GCN-SGDĐT ngày 26/8/2019.

Trung tâm đã có nhiều hoạt động liên kết đào tạo với nhiều trường Đại học trong cả nước tại địa điểm đào tạo, bồi dưỡng đã đăng ký: số 168, đường Nguyễn Xiển, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.

Thời gian qua, Trung tâm đã xúc tiến hoạt động hợp tác với Trường Đại học Vinh để tổ chức bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng các đơn vị, địa phương có nhu cầu.

Khi tiến hành hợp tác, Trường Đại học Vinh đã quán triệt các quan điểm chỉ đạo đối với Trung tâm theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác tổ chức, triển khai các lớp học, công tác thi, kiểm tra, đánh giá…

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo quan điểm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Trường Đại học Vinh đã triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin vào dạy học, sử dụng E-Learning trong việc giảng dạy các chuyên đề bồi dưỡng. Kết hợp giữa giảng dạy truyền thống và giảng dạy trực tuyến, vừa tạo điều kiện cho học viên theo học, vừa tham gia vào việc phòng chống dịch Covid-19.

Trên thực tế, ứng dụng công nghệ thông tin (sử dụng hệ thống E-Learning) vào dạy học, đã được học viên, các nhà quản lý đánh giá cao về tính ưu việt, hợp lý, khoa học và đảm bảo tính chuyên môn cũng như linh hoạt cho người học.

2.Trong quá trình triển khai hợp tác, Nhà trường đã trao đổi với đơn vị phối hợp về những nguyên tắc trong quá trình tuyển sinh, quản lý lớp học, điều hành công tác đào tạo…Do tác động của Covid-19, nên trong đợt học thứ nhất chưa có cán bộ quản lý của Trường Đại học Vinh có mặt tại lớp học dẫn đến việc đơn vị phối hợp là Trung tâm Ngoại ngữ Đông Nam Á đã có nhiều thiết sót, khuyết điểm gây nên những sai sót trong quá trình tư vấn tuyển sinh, quản lý học viên theo học.

Thực tế, các lớp bồi dưỡng đã triển khai giảng dạy trực tiếp đợt 1 và đang triển khai học trực tuyến qua hệ thống E-Learning. Dự kiến các đợt dạy trên lớp tiếp theo sẽ triển khai sau khi kết thúc kỳ thi Trung học Phổ thông, thế nhưng cách truyền đạt, tư vấn của nhân viên Trung tâm Ngoại ngữ Đông Nam Á đã làm học viên hiểu chưa đúng.

Sau khi có những thông tin từ phía báo chí, Trường Đại học Vinh đã trực tiếp cử cán bộ là việc với Trung tâm Ngoại ngữ Đông Nam Á để kịp thời chấn chỉnh công tác tư vấn tuyển sinh, phát ngôn của nhân viên Trung tâm.

Trường Đại học Vinh cũng chính thức thông báo đến Trung tâm, sau khi kết thúc khóa học này, Nhà trường sẽ chấm dứt mọi hoạt động phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ Đông Nam Á vì đã vi phạm những cam kết trong quá trình làm việc giữa 2 bên gây ảnh hưởng đến uy tín của Nhà trường.

Qua sự việc này, Nhà trường sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành các chương trình bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp đảm bảo đúng quy định của Nhà nước, quán triệt đến các đơn vị phối hợp về cách phát ngôn, tư vấn tuyển sinh đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng quy chế của Nhà trường.

Đối với phát ngôn chưa đúng chuẩn mực của giảng viên Trường Đại học Vinh, Nhà trường đã tiến hành kiểm tra, xác minh đối với giảng viên và khẳng định đây là những ý kiến mang tính chất cá nhân, xuất phát từ những thông tin chưa chính xác trên mạng xã hội nên giảng viên đã có những sự nhìn nhận chưa đúng về kế hoạch giảng dạy của Nhà trường.

Thực tế, giảng viên chỉ được phân công dạy 1 chuyên đề nên không nắm hết được kế hoạch đào tạo của khóa bồi dưỡng.

Giảng viên đã nghiêm túc nhận lỗi trước lãnh đạo Nhà trường và xin rút kinh nghiệm.

Qua đây, Nhà trường cũng sẽ rút kinh nghiệm trong việc phổ biến kế hoạch và quán triệt đến giảng viên để thông tin được chính xác, đầy đủ hơn.

Trường Đại học Vinh xin được trao đổi và trân trọng cảm ơn sự quan tâm và hợp tác của Qúy báo đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Giáo dục và Đào tạo cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển của Nhà trường.

Câu chuyện những lò sản xuất chứng chỉ chức danh nghề nghiệp siêu tốc dành cho giáo viên do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam là hồi chuông cảnh tỉnh cho những Trung tâm và các trường Đại học lợi dụng kẽ hở chính sáh để thu lợi bất chính, cổ súy các hành vi gian lận trong giáo dục.

Tới đây mong liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ sẽ có các hoạt động thanh kiểm tra các trung tâm hoạt động bát nháo nêu trên.

Bên cạnh đó kính mong 2 Bộ có những đánh giá khách quan về chất lượng cũng như tính hiệu quả, sự cần thiết của các loại chứng chỉ được ví như giấy phép con dành cho giáo viên.

Vũ Ninh