Thí điểm song bằng lách luật, Sở Giáo dục Hà Nội sẽ mở rộng xuống tiểu học?

12/08/2020 14:12
Hồng Thủy
GDVN- Nghị định 73 chỉ cho liên kết đào tạo với nước ngoài ở bậc đại học, Hà Nội cho phép trường phổ thông công lập liên kết với nước ngoài là không có cơ sở pháp lý.

Ngày 24/10/2019, tại trường Trung học phổ thông chuyên Chu Văn An, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng.

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố có đủ điều kiện, báo cáo ủy ban nhân dân thành phố để xem xét mở rộng việc thực hiện chương trình đào tạo song bằng vào năm học 2020-2021. [1]

Ảnh chụp màn hình phần phát biểu chỉ đạo mở rộng mô hình song bằng sang các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có đủ điều kiện.

Ảnh chụp màn hình phần phát biểu chỉ đạo mở rộng mô hình song bằng sang các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có đủ điều kiện.

Ngày 18/11/2019, "thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố" tại hội nghị trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ra công văn số 5226/SGDĐT-GDPT gửi các ông (bà) trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, chỉ đạo:

Rà soát, thống kê các trường tiểu học, trung học cơ sở công lập trên địa bàn đáp ứng điều kiện triển khai thực hiện Đề án thí điểm đào tạo song bằng; khảo sát nhu cầu của phụ huynh và học sinh đối với chương trình song bằng; tổng hợp danh sách các trường có nhu cầu thực hiện chương trình đào tạo song bằng báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo. [2]

Ầm ầm "thí điểm"

So sánh chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Chung ngày 24/10/2019 với công văn 5226/SGDĐT-GDPT có thể thấy rõ Sở Giáo dục và Đào tạo đã "nới rộng" phạm vi "thí điểm song bằng" xuống cấp tiểu học.

Không rõ Báo Hà Nội Mới, cổng thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội dẫn lời ông Nguyễn Đức Chung không đúng, hay ông Chung còn chỉ đạo nào khác ngoài phát biểu này, hay Sở tự ý mở rộng thí điểm xuống cấp tiểu học?

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Việc đưa chương trình Cambridge vào trường phổ thông công lập của Hà Nội được ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố nhắc đến trong lễ tổng kết năm học 2015-2016, theo tường thuật của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 11/8/2016:

Sắp tới, Hà Nội sẽ phối hợp với Trường ĐH Cambridge đầu tư vào trường THPT Chu Văn An và THPT Hà Nội-Amsterdam để áp dụng chương trình chuẩn của họ song song với chương trình trong nước giúp học sinh Thủ đô ra trường là có thể hoà nhập với thế giới. [3]

Ngày 22/3/2017 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra thông báo số 201/TB-UBND kết luận của tập thể lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố về những nội dung đã thống nhất tại cuộc họp triển khai, thực hiện thí điểm đào tạo chương trình song bằng tại trường trung học phổ thông Chu Văn An, giao Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Phối hợp với Sở Tài chính chỉ đạo Trường Trung học phổ thông Chu Văn An tiếp thu ý kiến triển khai tại cuộc họp, hoàn thiện Đề án "Thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài trung học phổ thông quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A level tại Trường THPT Chu Văn An" đúng quy định của pháp luật và thành phố.

b) Chuẩn bị nội dung, tài liệu liên quan xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ trương của Thường trực Thành ủy; tiếp thu, hoàn thiện Đề án, báo cáo UBND thành phố trình Thường trực HĐND Thành phố cho phép thí điểm để triển khai, thực hiện từ năm học 2017-2018. Chương trình giảng dạy liên kết đảm bảo giảm thấp nhất số giờ học trên lớp. Kinh phí cần tính đúng, tính đủ, hạn chế tối đa phát sinh ngoài dự toán;

c) Hướng dẫn Trường THPT Chu Văn An ký "Văn bản ghi nhớ" với Hội đồng Khảo thí Quốc tế Đại học Cambridge (CIE);

d) Chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo học tập và giảng dạy theo yêu cầu của CIE, đồng thời yêu cầu CEI cung cấp đủ giáo viên đạt chuẩn quy định tham gia giảng dạy chương trình thí điểm. Chủ động đề xuất UBND Thành phố phát triển trường, lớp nếu việc thí điểm chương trình song bằng khả thi, được dư luận xã hội, phụ huynh và học sinh ủng hộ...[4]

Hơn một năm sau, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt Đề án "Thí điểm chương trình đào tạo song bằng, Trung học cơ sở Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội" tại quyết định số 2830/QĐ-UBND ngày 08/06/2018 theo tờ trình số 664/TTr-SGDĐT ngày 05/3/2018 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. [5]

Ai tham mưu cho ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề án thí điểm lách luật?

Phần cơ sở pháp lý, Đề án "Thí điểm chương trình đào tạo song bằng, Trung học cơ sở Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội" viện dẫn Luật Giáo dục 2005. Khoản 1, điều 7 luật này quy định:

Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác. Căn cứ vào mục tiêu giáo dục và yêu cầu cụ thể về nội dung giáo dục, Thủ tướng Chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác.

Thủ tướng chính phủ quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường tại Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg ngày 17/12/2014. Đề án cũng viện dẫn cơ sở pháp lý là Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg nói trên.

Tuy nhiên, khoản 2 điều 1 chương I Quyết định 72/2014/QĐ-TTg quy định rõ: Quyết định này không áp dụng đối với: Các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài.

Khoản 1, điều 6 về kiểm tra, thi, đánh giá, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng, chứng chỉ, Quyết định số 72/2014/QĐ-TTg quy định:

Đối với giáo dục phổ thông, việc kiểm tra, thi cuối năm học, cuối cấp học của các chương trình, môn học được dạy và học bằng tiếng nước ngoài phải thực hiện bằng tiếng Việt. Người học có thể làm thêm bài kiểm tra, bài thi bằng tiếng nước ngoài để được hưởng chế độ khuyến khích trong học tập theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong khi đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội lại giao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hướng dẫn Trường Trung học phổ thông Chu Văn An ký "Văn bản ghi nhớ" với Hội đồng Khảo thí Quốc tế Đại học Cambridge; giảng dạy theo yêu cầu của CIE, yêu cầu CIE cung cấp đủ giáo viên đạt chuẩn quy định tham gia giảng dạy chương trình thí điểm.

Điều này trái với quy định tại 2 điều 1 chương I Quyết định 72/2014/QĐ-TTg.

Ở bậc trung học cơ sở, Đề án thí điểm thể hiện rõ các trường tham gia thí điểm song bằng sẽ "tiến hành các thủ tục đăng ký theo từng bước với Hội đồng khảo thí quốc tế Cambridge để nhà trường trở thành trung tâm khảo thí quốc tế Cambridge".

Kỳ thi lấy chứng chỉ IGCSE đầu tiên của Đề án được thực hiện cho khối 9 vào năm học 2021-2022 (học sinh tuyển sinh năm học 2018-2019), dự kiến tổ chức vào tháng 6/2022.

Tất nhiên, không thể lấy chứng chỉ IGCSE bằng bài thi tiếng Việt như quy định tại khoản 1 điều 6 quyết định 72/2014/QĐ-TTg.

Nhà nước không cho trường phổ thông công lập liên kết giáo dục với nước ngoài

Liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài được Chính phủ quy định tại Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 25/9/2012 và được thay thế bằng Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.

Theo Nghị định 73/2012/NĐ-CP, liên kết đào tạo là hình thức hợp tác giữa cơ sở giáo dục Việt Nam và cơ sở giáo dục nước ngoài nhằm thực hiện chương trình đào tạo để cấp văn bằng hoặc cấp chứng chỉ mà không thành lập pháp nhân.

Đối tượng liên kết đào tạo bao gồm:

a) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

b) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam công nhận.

Nói cách khác, Nghị định 73/2012/NĐ-CP có hiệu lực đến trước 1/8/2018 chỉ giới hạn phạm vi "liên kết" ở bậc đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp, không áp dụng cho phổ thông.

Đề án thí điểm song bằng tại 2 trường trung học phổ thông công lập (Trung học phổ thông Chu Văn An, Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam) là trái quy định tại Nghị định 73/2012/NĐ-CP.

Đến Nghị định 86/2018/NĐ-CP Chính phủ đã mở rộng đáng kể đối tượng, phạm vi liên kết từ bậc đại học xuống phổ thông và mầm non. Theo đó, liên kết giáo dục là việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam với cơ sở giáo dục nước ngoài thực hiện chương trình giáo dục tích hợp.

Tuy nhiên, đối tượng liên kết giáo dục theo điều 6, Nghị định 86/2018/NĐ-CP lại quy định rất rõ, đó là:

"Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục."

Nói cách khác, nhà nước chỉ cho phép các trường mầm non và phổ thông tư thục trong nước liên kết giáo dục với nước ngoài, chứ không cho phép trường công lập vốn có sứ mệnh phổ cập giáo dục, gánh vác nhiệm vụ chính trị của nhà nước đảm bảo phúc lợi xã hội cho nhân dân lao động trong lĩnh vực giáo dục.

Do đó, đề án "thí điểm" đào tạo song bằng tại một số trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và nay đang định mở rộng xuống tiểu học công lập tại Hà Nội, thực tế là một loại hình "liên kết giáo dục" trái với Nghị định 86/2018/NĐ-CP.

Công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm là khẳng định của lãnh đạo Bộ Tư pháp trong buổi tập huấn Bộ luật Dân sự năm 2005 ngày 13/12/2005. [6]

Còn trong nhà nước pháp quyền, nhà nước (công chức, cơ quan nhà nước) chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. [7]

Nay chỉ bằng 2 chữ "thí điểm" để triển khai ồ ạt chương trình song bằng trái quy định tại chính Quyết định 72/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ lẫn Nghị định 86/2018/NĐ-CP phải chăng là Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang cố lách luật? Ai đứng sau và phải chịu trách nhiệm về đề xuất này?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://sogd.hanoi.gov.vn/chuyen-de-gddt/ha-noi-xem-xet-mo-rong-chuong-trinh-dao-tao-song-bang-c526-7666.aspx

[2]http://c2leloi.pgdhadong.edu.vn/van-ban/detail/Trien-khai-chuong-trinh-song-bang-song-ngu-32/

[3]http://dangcongsan.vn/khoa-giao/ha-noi-tong-ket-nam-hoc-20152016-va-trien-khai-nhiem-vu-nam-hoc-moi-402581.html

[4]https://vanban.hanoi.gov.vn//documents/10182/2518750/TB-201-2017.pdf

[5]http://thanglong.chinhphu.vn/ha-noi-phe-duyet-de-an-thi-diem-chuong-trinh-dao-tao-song-bang

[6]https://www.sggp.org.vn/cong-dan-duoc-lam-nhung-gi-ma-phap-luat-khong-cam-352142.html

[7]http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-viet-nam-2097

Hồng Thủy