Nhiều giáo viên trường công ngại làm chủ nhiệm vì áp lực đủ thứ dồn lên đầu

15/08/2020 07:52
Phan Tuyết
GDVN- Đừng tạo áp lực việc gì cũng đổ lên đầu giáo viên chủ nhiệm trong khi quyền lợi đi kèm lại chẳng là bao để khi nói đến 2 tiếng chủ nhiệm giáo viên đều sợ.

Ở trường công nhiều giáo viên không muốn làm chủ nhiệm

Nếu như ở các trường tư thục, giáo viên làm công tác chủ nhiệm được chọn lựa kỹ càng, ai muốn làm công tác chủ nhiệm thì bản thân họ phải chứng minh được về kỹ năng, nghiệp vụ rất tốt thì ngược lại ở nhiều trường công lập hiện nay, phần lớn giáo viên không muốn làm chủ nhiệm.

Giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong các trường học (Ảnh minh họa: chinhphu.vn).

Giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong các trường học (Ảnh minh họa: chinhphu.vn).

Cứ đầu mỗi năm học, không ít thầy cô giáo thường đi xin nhà trường cho nghỉ làm công tác chủ nhiệm vì khá nhiều lý do được đưa ra.

Người ngoài có thể thắc mắc nhưng người trong nghề dư sức hiểu vì sao lại có nghịch lý nơi thích làm chủ nhiệm không được, nơi lại tìm mọi cách từ chối?

Làm giáo viên chủ nhiệm trường tư thục được gì?

Chia sẻ với chúng tôi điều này, ông Bùi Mạnh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trưng Vương, tỉnh Quảng Trị cho biết:

“Chúng tôi vẫn chọn giáo viên dạy giáo dục công dân, giáo viên năng khiếu làm chủ nhiệm. Chúng tôi quan tâm năng lực xử lý của giáo viên chủ nhiệm trong mọi tình huống chứ không căn cứ vào môn họ dạy.

Người giáo viên chủ nhiệm phải biết quản lý học sinh, biết nắm bắt tình hình, hiểu tâm lý của các em, đặc biệt biết xử lý và quan hệ với phụ huynh”.

Ông Dũng nói chúng tôi chọn lựa giáo viên trên những khả năng ấy, vì thế giáo viên nào được chọn cũng là niềm vinh dự vì năng lực của mình đã được ghi nhận.

Cùng với những đòi hỏi khắt khe như thế, đương nhiên sẽ đi kèm cùng những quyền lợi mà giáo viên không chủ nhiệm sẽ không có được.

Đó là, một tuần những thầy cô giáo chủ nhiệm sẽ có 5 tiết miễn giảm. Một tháng, thầy cô chủ nhiệm được nhận 1 triệu tiền chủ nhiệm và 300 ngàn tiền liên hệ với phụ huynh.

Đây, quả là những quyền lợi vựợt trội mà những thầy cô giáo chủ nhiệm các trường tư thục được nhận. Nếu so sách với quyền lợi của giáo viên chủ nhiệm của các trường công lập sẽ là một khoảng cách quá xa.

Làm giáo viên chủ nhiệm trường công lập sẽ có quyền lợi gì?

Thông tư số: 03/VBHN-BGDĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông:

Điều 8. Chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn

1. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần.

Dù thế, hiện nay không ít trường trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng chỉ tính cho giáo viên chủ nhiệm giảm trừ 3 tiết/tuần (1 tiết chuyển cho giáo viên giám thị).

Ngoài chế độ về giảm trừ tiết chuẩn thì giáo viên chủ nhiệm trường công lập không còn nhận được một quyền lợi gì khác nhưng công việc và trách nhiệm lại ngập đầu.

Công việc và trách nhiệm của giáo viên trường công lập

Có thể dùng cụm từ “trăm công nghìn việc” để diễn tả về công việc của một giáo viên chủ nhiệm hiện nay quả không ngoa.

Ngoài những công việc có tên như chăm lo việc học cho học sinh lớp chủ nhiệm như bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, giáo dục học sinh đặc biệt là học sinh cá biệt, đảm bảo sĩ số, hoàn thành hồ sơ chủ nhiệm, các kế hoạch cá nhân về việc giảng dạy và theo dõi học sinh, sổ điểm, học bạ, liên kết tin nhắn đến phụ huynh, vệ sinh trường lớp…

Thu các khoản tiền, vận động phụ huynh đóng góp, vận động học sinh ra lớp…

Đến trăm việc không tên như xử lý mâu thuẫn nội bộ giữa học sinh trong lớp, học sinh trong trường thường xuyên, liên tục. Tiếp nhận thông tin phản hồi của các giáo viên bộ môn và xử lý.

Tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình từng học sinh để giúp đỡ hoặc phối hợp giáo dục. Tiếp phụ huynh, nói chuyện với phụ huynh và các hội nhóm phụ huynh trong lớp, hội nhóm học sinh quanh chủ đề học tập của các em.

Đó mới chỉ là một số công việc điển hình của một giáo viên chủ nhiệm. Dù nhiều công việc như thế nhưng sẽ không là gì nếu nhiều trường không bắt giáo viên chủ nhiệm “giơ đầu chịu báng”, phải chịu trách nhiệm như chúng tôi vẫn đùa với nhau.

Ví như chuyện, học sinh không thuộc bài, có em quậy phá, nói hỗn với thầy cô, học sinh gây gỗ, đánh nhau gây mất đoàn kết, học sinh vắng học, bỏ học hay lớp ủng hộ ít tiền, mua bảo hiểm ít, nộp tiền chậm, nề nếp đi xuống…tất cả đều đổ lên đầu giáo viên chủ nhiệm.

Thầy cô không chỉ bị nhắc nhở trên các cuộc họp, còn bị xếp loại công tác chủ nhiệm chưa tốt, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xếp loại chung cả năm học.

Nào đâu đã hết, chẳng may lớp chủ nhiệm năm đó có xảy ra chuyện bạo lực học đường thì nguy cơ giáo viên chủ nhiệm bị kỷ luật là không tránh khỏi, hình thức nặng nhất có khi còn bị sa thải khỏi ngành.

Không ít thầy cô nói với nhau, thà ráng dạy thêm 3 đến 4 tiết xong thì cắp cặp ra về nhẹ tênh, chứ làm chủ nhiệm giảm cho 3 tiết (2 bậc học còn lại 4 tiết) nhưng phiền toái luôn bên mình, tai họa cũng luôn rình rập trên đầu thì mệt mỏi hơn.

Trường càng thành tích, giáo viên càng áp lực trong công tác chủ nhiệm. Bởi, nó liên quan trực tiếp đến những chỉ tiêu lên lớp, ở lại, chỉ tiêu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, duy trì sĩ số, các thành tích trong phong trào mũi nhọn (ở các cuộc thi học sinh giỏi…).

Đừng tạo áp lực việc gì cũng đổ lên đầu giáo viên chủ nhiệm trong khi quyền lợi đi kèm lại chẳng là bao để khi nói đến 2 tiếng chủ nhiệm giáo viên nào cũng thấy sợ.

Chỉ khi nào thầy cô giáo thấy vui, hãnh diện và tự hào khi được trao trọng trách là giáo viên chủ nhiệm thì khi đó thầy cô giáo mới toàn tâm, đầy lòng nhiệt huyết và như thế giáo dục mới thật sự thành công.

Phan Tuyết