Hà Nội mở rộng thí điểm song bằng, con nhà giàu chiếm chỗ học của con nhà nghèo?

13/08/2020 14:26
Hồng Thủy
GDVN- Ngay trong một trường học công lập của nhà nước lại tồn tại một số lớp "con nhà giàu" có khiến các em con nhà lao động cảm thấy tủi thân, so sánh?

Ngày 6/5/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành văn bản 1363/SGDĐT-QLT về việc hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2020-2021, chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo trực thuộc:

- Điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên của từng trường, chỉ tiêu (số lớp, số học sinh / lớp, số lớp được học 2 buổi / ngày) phải phù hợp với số phòng học của trường, trong đó phải dành ưu tiên cho các phòng phục vụ học tập và phòng học 2 buổi / ngày.

- Hạn chế học sinh trái tuyến ở những trường có số lớp quá cao, nếu sĩ số học sinh/lớp vượt so với quy định của Điều lệ trường học, phòng giáo dục và đào tạo phải có văn bản báo cáo ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo, không để xảy ra hiện tượng quá tải học sinh ở các trường học. [1]

Lấy chỗ học của con em nhân dân lao động để làm dịch vụ?

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã phải "không để xảy ra hiện tượng quá tải học sinh ở các trường học".

Tuy nhiên, việc Sở triển khai "thí điểm" ồ ạt các lớp song bằng, các trường công lập chất lượng cao tại nội thành lại đang lấy đi chỗ học của con em nhân dân lao động tại các trường công vốn đã quá tải bao năm nay, tức là Sở đang làm ngược lại những gì mình chỉ đạo các phòng.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sĩ số tối đa 1 lớp bậc tiểu học là 30 học sinh. Mỗi lớp ở các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có không quá 45 học sinh. Thực tiễn sĩ số các trường công lập nội thành Hà Nội đã quá tải nhiều năm, vượt xa quy định.

Ảnh chụp màn hình trang 1, phụ lục 1, báo cáo số 20/BC-VHXH ngày 6/6/2019 của Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

Ảnh chụp màn hình trang 1, phụ lục 1, báo cáo số 20/BC-VHXH ngày 6/6/2019 của Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.

Cụ thể theo phụ lục 1, Báo cáo số 20/BC-VHXH ngày 06/06/2019 của Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, sĩ số bình quân học sinh tiểu học công lập Hà Nội là 41,77; trong đó:

Quận Cầu Giấy là 55,70; quận Hà Đông là 50,45; quận Hoàng Mai là 51,92; quận Thanh Xuân 53,95; quận Ba Đình là 46,61; quận Bắc Từ Liêm là 47; quận Đống Đa là 48,39; quận Hai Bà Trưng là 45,75; quận Hoàn Kiếm là 44,25; quận Nam Từ Liêm là 47,08. [2]

Số lượng học sinh tiểu học này rồi sẽ lên trung học cơ sở và tạo sức ép rất lớn về cơ sở hạ tầng trường lớp. Chỉ riêng năm học 2020-2021, số lượng học sinh vào lớp 1 tại Hà Nội vượt số học sinh lớp 5 chuyển cấp lên lớp 6 là 30.000 em, số lượng học sinh vào lớp 6 tăng 2000 em so với năm học trước, tập trung vào các quận nội thành. [3]

Trong bối cảnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại triển khai thí điểm rầm rộ mô hình song bằng sang các trường trung học cơ sở khác và xuống cả bậc tiểu học với sĩ số bình quân 1 lớp song bằng là 25 học sinh, sẽ có nhiều học sinh con em nhân dân lao động đúng tuyến phải chấp nhận học nhồi nhét trong các lớp "đại trà" với sĩ số đông gấp đôi "lớp nhà giàu" ngay bên cạnh.

Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được đơn kiến nghị của một phụ huynh gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phản ánh tình trạng "con nhà giầu lấy chỗ học của con nhà nghèo đúng tuyến".

Theo phản ánh của vị phụ huynh này, năm nay con anh vào lớp 6, theo đúng tuyến là Trường Trung học cơ sở Trưng Vương, sĩ số 50 học sinh/lớp, rất chật chội, trong khi trường này đã dành riêng một khu vực để mở lớp song bằng, sĩ số 25 học sinh/lớp và tuyển 2 lớp/khóa [4], trường đã tuyển sinh năm thứ 3, tức là có 6 lớp song bằng [5], chiếm mất chỗ học của nhiều cháu khác đúng tuyến.

Công tác tuyển sinh vào lớp “Thí điểm đào tạo Chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge” tại trường Trung học cơ sở Trưng Vương ngày 5/8/2020, ảnh: thcstrungvuong.hoankiem.edu.vn.

Công tác tuyển sinh vào lớp “Thí điểm đào tạo Chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge” tại trường Trung học cơ sở Trưng Vương ngày 5/8/2020, ảnh: thcstrungvuong.hoankiem.edu.vn.

Vị phụ huynh này đặt vấn đề, ngay trong một trường học công lập của nhà nước lại tồn tại 6 lớp "con nhà giàu" đóng học phí cao, sĩ số thấp và được hưởng nhiều ưu đãi hơn hẳn các lớp "đại trà" con em nhân dân, có khiến các em con nhà lao động cảm thấy tủi thân, so sánh? Tại sao môi trường giáo dục công lập lại nuôi dưỡng mầm mống của sự bất công xã hội và khoảng cách giàu nghèo?

Thí điểm song bằng đang trái với chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước và chính quy định Hà Nội đặt ra

Đề án "Thí điểm đào tạo chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội", phần 1 đặt vấn đề về sự cần thiết của việc xây dựng đề án, có viện dẫn: "Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định:

"Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam; Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển".

Đây là những quan điểm mang tính chất nguyên tắc chung nhất. Tuy nhiên, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cũng xác định rõ: Tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỉ lệ hộ nghèo; [6]

Cụ thể hơn nữa, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo xác định rõ quan điểm: Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo.

Quá tải sĩ số trường công tại nội thành Hà Nội đã tồn tại nhiều năm, ảnh chụp màn hình mang tính minh họa, nguồn: VTV.vn.

Quá tải sĩ số trường công tại nội thành Hà Nội đã tồn tại nhiều năm, ảnh chụp màn hình mang tính minh họa, nguồn: VTV.vn.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ đạo:

- Đẩy mạnh xã hội hoá, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt.

- Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao.

- Có chính sách thí điểm đổi mới theo lộ trình, đẩy mạnh xã hội hoá các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở các địa bàn có khả năng xã hội hoá cao để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhất là đối với các thành phố, đô thị lớn có dân số tăng nhanh do nhập cư.

Việc Hà Nội bỏ ngân sách để "thí điểm" mô hình song bằng, chất lượng cao trong các trường phổ thông công lập và thu học phí cao đang tạo ra bất bình đẳng ngay trong một trường học, trái tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Hơn nữa, chính các lớp "song bằng", các trường công lập chất lượng cao học phí cao này lại đang cạnh tranh trực tiếp với các trường tư thục là trái tinh thần xã hội hóa giáo dục trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW.

Điều 61, Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 28/11/2013 quy định:

1. Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý.

3. Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề.

Có thể thấy, Nhà nước luôn chủ trương ưu tiên, tập trung đầu tư chăm lo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, đồng thời khuyến khích và thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân.

Ngay cả Hà Nội khi xây dựng các trường phổ thông chất lượng cao, Ủy ban nhân dân thành phố đã xác định nguyên tắc: Chỉ phát triển trường chất lượng cao ở những khu vực đã có đủ chỗ học cho các đối tượng phổ cập, theo khoản 2 điều 2 chương 1 quy định tiêu chí trường chất lượng cao ban hành kèm theo quyết định 20/2013/QĐ-UBND. [7]

Nhìn vào bảng sĩ số bình quân các trường phổ thông công lập nội thành Hà Nội theo Phụ lục 1 Báo cáo số 20/BC-VHXH ngày 6/6/2019 của Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thì chưa có quận nội thành nào của Hà Nội đáp ứng yêu cầu "đủ chỗ học cho các đối tượng phổ cập".

Vậy mà Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn triển khai mở rộng "thí điểm" mô hình song bằng, chất lượng cao ra các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông khác và bây giờ định thúc đẩy xuống bậc tiểu học trong khi quá tải sĩ số ngày càng trầm trọng, liệu có phải đang cố ý làm trái?

Phải chăng "đủ chỗ học cho các đối tượng phổ cập" được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hiểu rằng có thể nhồi nhét con em nhân dân lao động vào các lớp sĩ số vượt chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định để lấy chỗ tuyển các lớp dịch vụ "song bằng", "chất lượng cao" sĩ số ít, vì giáo dục phổ cập chỉ có thế thôi, ai không muốn học thì qua trường khác?

Ai đang cố tình làm sai chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để lấy chỗ học của con em nhân dân lao động nội thành thủ đô để làm dịch vụ, tạo ra bất công ngay trong chính trường công?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://hanoi.edu.vn/tuyen-sinh-dau-cap/huong-dan-tuyen-sinh-vao-cac-truong-mam-non-lop-1-lop-6-nam-hoc-2020-2021-c987-11261.aspx

[2]http://dbndhanoi.gov.vn/portal/pages/2019-6-7/Ky-hop-thu-9--Khoa-XVdrnq612pk02u.aspx

[3]https://tuoitre.vn/ha-noi-tim-giai-phap-giam-nhiet-tuyen-sinh-dau-cap-20190417213024109

[4]https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/967917/350-chi-tieu-vao-lop-6-chuong-trinh-song-bang

[5]http://thcstrungvuong.hoankiem.edu.vn/tin-tuc-su-kien/cong-tac-tuyen-sinh-vao-lop-thi-diem-dao-tao-chuong-trinh-so.html

[6]http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop/noidungvankiendaihoidang?categoryId=10000716&articleId=10038365

[7]https://vanban.hanoi.gov.vn/vanbanphapquy/-/vb/nsGpxUlb7ddQ/1921542.html;jsessionid=NnD4hIQnM16QH1ozyHksUnnP.undefined

Hồng Thủy