Dạy học trực tuyến được công nhận, thầy cô có được hỗ trợ chi phí phần mềm?

18/08/2020 06:22
Cao Kim Anh
GDVN- Đưa công nghệ thông tin vào trong công tác dạy học vẫn còn là hình thức khá mới lạ và có nhiều ý kiến khác nhau nếu thực sự bắt buộc thực hiện.

Ngày 11/8 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Ngay khi dự thảo này được đăng tải, nhiều thầy cô đã chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam quan điểm về các nội dung trong dự thảo.

Chất lượng bài giảng không đạt 100%

Cô Trần Thị Phương Loan, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Xuân Hòa, Phúc Yên, Vĩnh Phúc cho biết: “Vì giảng bài không trực tiếp nên chất lượng bài giảng đến các học sinh không đạt được 100%.

Một số học sinh gia đình không có điều kiện về thiết bị công nghệ nên phải đi học nhờ, học mượn rất vất vả.

Trong lúc giảng bài trực tuyến qua các phần mềm học sinh cũng không tập trung hoàn toàn do tác động ngoại cảnh”.

Cô Trần Thị Phương Loan, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Xuân Hòa, Phúc Yên, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Trần Thị Phương Loan, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Xuân Hòa, Phúc Yên, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phần lớn học sinh làm bài tập trên các phần mềm trực tuyến khá tốt, giáo viên cũng dễ giao bài ở nhà. Tuy nhiên, các kỳ kiểm tra không giám sát được lúc làm bài, dễ quay cóp, kết quả cuối cùng cũng không được khách quan”.

Ngoài ra, không phải giáo viên nào cũng cập nhật tốt các chương trình dạy học trực tuyến.

Dù nhà trường có nâng cao công nghệ thông tin, phổ biến giáo dục trực tuyến nhưng đội ngũ giáo viên lớn tuổi trong trường cũng rất vất vả khi thích nghi với cách dạy mới, thông qua các thiết bị máy móc, điện tử.

“Không chỉ học sinh không được đánh giá đúng năng lực, mà việc cập nhật cách dạy mới, khó và nhanh khiến các giáo viên lúng túng, điều này cũng làm cho chất lượng giảng dạy không đạt hiệu quả tốt nhất”, cô Loan trăn trở.

Không đánh giá hết năng lực học sinh

Là một trong những giáo viên tâm huyết đối với giáo dục bậc tiểu học, gần gũi với các học sinh cùng phụ huynh từ những ngày đầu tiên các trò học chữ, cô giáo trẻ Trần Diệu Linh, giáo viên Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ:

“Đối với học sinh bậc tiểu học, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, rèn luyện và uốn nắn các con. Giáo viên phải thật sự tâm huyết với nghề giáo mới dạy theo chương trình trực tuyến được”.

Cô Trần Diệu Linh, giáo viên Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh Nhân vật cung cấp)

Cô Trần Diệu Linh, giáo viên Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh Nhân vật cung cấp)

Đối với việc dạy học trực tuyến, giáo viên không những vất vả đứng lớp “qua màn hình” mà còn vất vả trong việc soạn giáo án hằng ngày.

“Cấp tiểu học giáo viên cần chú ý được thao tác của học sinh. Mặc dù giáo viên đã kết hợp với phụ huynh trong việc làm bài của con tuy nhiên, vì không trực tiếp nắm rõ thao tác nên bản thân học sinh cũng lúng túng, sản phẩm phần nhiều dựa vào sự hỗ trợ của bố mẹ. Chính vì thế kết quả không đánh giá được toàn diện năng lực học sinh”, cô Linh tâm sự.

Mặt tích cực của học trực tuyến chính là nâng cao giá trị tương tác giữa phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo. Đối với cấp tiểu học sự tương tác này lại cần quan tâm và chú ý hơn.

“Gia đình phải thật sự quan tâm, giáo viên phải đặt tâm huyết của mình vào bài giảng và học sinh hợp tác tiếp thu quyết định 50% sự thành bài của một buổi học trực tuyến.

Những vấn đề còn lại liên quan đến những yếu tố khách quan như: đường truyền mạng, phần mềm giáo dục, thiết bị công nghệ, chi phí phần mềm…”, cô Linh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc dạy học một học sinh bậc tiểu học bằng hình thức trực tuyến lâu dài theo cô Linh là “không ổn”.

Bởi “học sinh bậc tiểu học khác hoàn toàn với các cấp học khác, bố mẹ phải bỏ ra thật nhiều thời gian để đồng hành với cô thay vì nếu học trực tiếp cô sẽ chia sẻ bớt phần việc đó.

Thế nên nhiều gia đình không kiên trì hợp tác hoặc hợp tác không đến nơi đến chốn thì học sinh quay trở lại học trực tiếp kiến thức “rơi rụng” gần hết, học sinh và giáo viên lại bắt đầu lại từ đầu”.

Ngoài ra, cô Linh còn mong muốn, nếu học trực tuyến được đưa vào quy định chính thức, thì các phần mềm giáo dục được đồng bộ hóa, không còn tính phí.

Trong trường hợp, nếu nhà trường chưa có điều kiện mua phần mềm cho giáo viên, thì giáo viên cũng không vất vả cho chi phí phần mềm dạy trực tuyến.

Giáo viên phải đổi mới và thật sự tâm huyết

Mặc dù không phải là giáo viên trẻ, năm nay đã gần 50 tuổi, lại không phải địa phương có điều kiện tốt nhất về công nghệ thông tin nhưng cô Vũ Thị Minh Hồng, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, huyện CưMgar, tỉnh Đắk Lăk là người tiên phong với phương pháp học trực tuyến mang lại kết quả tốt trong đợt giãn cách xa hội vừa qua.

Không chỉ cố định một phần mềm dạy học duy nhất, cô Minh Hồng kết hợp tất cả các phần mềm với nhau để tạo ra bài giảng tiết kiệm thời gian nhất và kết quả cuối cùng cho học sinh tốt nhất.

Một số kinh nghiệm trong dạy học trực tuyến được cô Hồng chia sẻ: “Giáo viên không nên bị động bởi một phần mềm dạy học trực tuyến cố định. Bất cứ một phần mềm nào cũng có ưu và khuyết điểm.

Có một số bài giảng mình sử dụng phần mềm A để giảng bài, nhưng làm bài tập thì phải dùng phần mềm B. Khi một phần mềm không thích hợp để sử dụng, ví dụ như tính bảo mật không cao thì mình nên tìm hiểu những phần mềm khác”.

Theo cô Hồng: “Dạy trực tuyến tức là mình không tiếp xúc trực tiếp với các con, thế nên bố mẹ phải đóng vai trò “người dự giờ” trong lớp học này.

Ngoài làm việc trên các phần mềm dạy học trực tuyến, giáo viên cần liên lạc thường xuyên qua các ứng dụng điện thoại như Zalo, điện thoại trực tiếp… để trao đổi với học sinh bằng giọng nói, hình ảnh và trao đổi với phụ huynh để hỗ trợ trong việc quan tâm, hối thúc học sinh chuyện bài vở về nhà”.

Tuy nhiên “điều kiện cần có chính là thiết bị công nghệ thông tin không phải gia đình, học sinh nào cũng đáp ứng được”. Cô Hồng cũng nhận định, nếu Thông tư này được thông qua thì “chỉ có 50% học sinh, giáo viên, nhà trường trên cả nước đáp ứng đủ điều kiện”.

Cô Hồng phân tích: “Để một bài giảng trực tuyến hoàn chỉnh, giáo viên vất vả gấp bội lần so với dạy trực tiếp. Tuy nhiên, giáo viên, học sinh, phụ huynh đồng lòng thì cũng chỉ đáp ứng được 50% kế hoạch toàn quốc. Vì phương tiện không phải vùng nào cũng có, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo”.

Cao Kim Anh