Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, những yêu giãn cách cầu xã hội và hạn chế chuyến bay diễn ra khắp thế giới. Chính vì vậy mà nhiều du học sinh chưa thể về nước vẫn đang nỗ lực vượt qua thời kì khó khăn này.
Phạm Minh Phương (22 tuổi) sinh viên năm cuối chuyên ngành Thiết kế Đồ họa và Kế toán tại Trường Kế toán chuyên môn Oji, Nhật Bản. Hiện tại, Phương đang sinh sống, học tập và làm việc tại Tokyo - nơi được coi là tâm dịch tại Nhật Bản.
Để tiết kiệm thời gian cho các mục tiêu kế tiếp, Minh Phương đang nỗ lực theo học cả 2 khoa cùng một thời điểm.
“Tokyo có tổng số ca mắc Covid-19 cao nhất tại Nhật Bản, vì vậy trường học cũng cho nghỉ 2 tháng để đảm bảo an toàn. Sinh viên học trực tuyến và hàng ngày trường đều phải gửi bài tập qua bưu điện để kịp hoàn thành tiến độ học tập”, Phương chia sẻ.
Phạm Minh Phương, sinh viên năm cuối trường Kế toán chuyên môn Oji chụp ảnh cùng các bạn trong buổi lễ tốt nghiệp của Viện Nhật ngữ TIJ (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Chia sẻ về dự định sau khi học xong tại Nhật, Minh Phương cho biết, hiện tại đang hoàn thành hồ sơ và dự kiến tháng 9 tới sẽ tốt nghiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19 nên lễ tốt nghiệp sẽ không được tổ chức.
“Mong muốn sau này của mình là có thể mở một cửa hàng kinh doanh tại Việt Nam nên mình đã lựa chọn theo học chuyên ngành kế toán và thiết kế đồ họa để phục vụ cho công việc sau này”, Phương cho hay.
Dự định sẽ trở về nước vào cuối năm nay và đã đăng kí với Đại sứ quán, Minh Phương đang rất mong chờ sẽ được đoàn tụ gia đình sau một thời gian xa cách.
Trải nghiệm khó quên tại Nhật Bản
Đỗ Thị Nga, 22 tuổi, du học sinh Trường Đại học thương mại Takasaki cũng đang rất nỗ lực vượt qua khoảng thời gian khó khăn do dịch bệnh tại Nhật Bản.
Đỗ Nga là sinh viên trao đổi của trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội khoa tiếng Nhật.
“1 năm học tập và sinh sống tại Nhật quả thực là một trải nghiệm thật khó quên đối với mình, đặc biệt là trong diễn biến của dịch Covid-19. Do ảnh hưởng của dịch nên nhiều trường phải đóng cửa từ tháng 3, sinh viên chuyển sáng học trực tuyến.
Học trực tuyến, bản thân sẽ được rèn luyện nhiều thêm kĩ năng nghe qua máy tính, tuy nhiên số lượng bài tập sẽ nhiều hơn. Vì vậy, cần phải biết sắp xếp thời gian để cân bằng giữa việc học và việc làm”, Nga chia sẻ.
Đỗ Thị Nga trong thời gian du học tại Nhật khi chưa có dịch Covid-19. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Nga cho biết, Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra những hỗ trợ cần thiết với sinh viên quốc tế giữa mùa dịch Covid-19.
Thời gian vừa qua, không chỉ riêng du học sinh mà tất cả những người đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại Nhật Bản đều được hỗ trợ 10 man (tương đương với 20 triệu đồng).
“Mình có đi làm thêm tại Combini. Tuy dịch bệnh, nhưng may mắn, công việc của mình không bị ảnh hưởng, mất việc làm hay giảm giờ làm như những công việc khác (quán ăn, quán hát…)”, Nga nói.
Bảm đảm cuộc sống ổn định
Lê Thành Nam, 27 tuổi, sinh viên năm hai trường Nhật ngữ, cảm thấy an toàn khi sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản bởi những hỗ trợ của Chính phủ đưa ra trước các diễn biến của dịch, từ bảo đảm về mặt y tế sức khỏe đến những hỗ trợ về tài chính.
Nam bắt đầu sang Nhật từ tháng 4/2019, đến nay đã được hơn 1 năm. Cuộc sống tại Nhật đã đem lại cho Nam nhiều thử thách nhưng cũng có rất nhiều trải nghiệm thú vị.
Để có tiền trang trải sinh hoạt đắt đỏ và chi trả cho việc học tập, Nam đã làm việc bán thời gian trong một quán ăn để kiếm thêm thu nhập. Do ảnh hưởng của dịch, giờ làm đã bị cắt giảm, trước đây 4 buổi 1 tuần bây giờ chỉ còn 3 buổi.
Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, trợ cấp 10 man (tương đương 20 triệu) dành cho du học sinh, cũng phần nào giảm bớt khó khăn trong tình hình dịch.
Trước đây, Nam học chuyên ngành Công nghệ thông tin tại Đại học Xây dựng ở Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, Nam có thời gian làm việc cho một số công ty về lĩnh vực này. Tuy nhiên, với mong muốn được sang Nhật học tập, trải nghiệm và làm việc, Nam đã theo học 2 năm tại trường Nhật ngữ.
“Hiện tại trong quá trình học tập tại trường Nhật ngữ, mình đã bắt đầu nộp đơn xin việc ở một số công ty có liên quan đến ngành nghề mình theo học. Tuy nhiên, yêu cầu công việc đòi hỏi phải thông thạo ngôn ngữ và chuyên môn cao. Mình hy vọng sau thời gian học tập ở đây sẽ có cơ hội tìm được một công việc phù hợp”, Nam chia sẻ.