Nếu không có điểm học bạ, tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông năm nay là bao nhiêu?

01/09/2020 06:34
Sơn Quang Huyến
GDVN- Điều đáng buồn nhất cho giáo dục khi đưa điểm học bạ lớp 12 vào cơ cấu điểm xét tốt nghiệp lại tạo nên sự giả dối trong giáo dục ở một số nơi.

Trước năm 2014, điểm tốt nghiệp trung học phổ thông được tính = {Tổng điểm các bài thi + Tổng điểm khuyến khích (nếu có)} / Tổng số môn thi.

Cách tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông như trên đã sinh ra tình trạng học lệch trong học trò phổ thông trung học, học sinh chỉ tập trung học môn thi tốt nghiệp và môn thi đại học.

Từ năm 2014, điểm tốt nghiệp được sử dụng thêm điểm trung bình cả năm học bạ lớp 12 với cơ cấu tỷ lệ chiếm 50%.

Công thức tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 (Ảnh chụp màn hình)

Công thức tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014 (Ảnh chụp màn hình)

Thay vì chỉ xét kết quả thi tốt nghiệp như trước đây, việc công nhận tốt nghiệp có sự kết hợp với kết quả học tập năm lớp 12 hy vọng phần nào khắc phục tình trạng học lệch, chỉ học một số môn thi tốt nghiệp của học sinh. Đồng thời, mong muốn giảm áp lực thi cử, giảm áp lực học thêm cho học trò.

Đưa điểm học bạ vào xét tốt nghiệp trung học phổ thông vô hình trung thổi bùng tiêu cực “làm đẹp học bạ” lớp 12. Để nâng cao tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cho trường mình, các trường phổ thông đã tranh thủ lách luật làm đẹp học bạ.

Năm học 2014, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông là 99,02% (năm 2013 là 98,97%).

Năm học 2015, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông là 91,58% (giảm 7,44% so với năm 2014).

Tỷ lệ tốt nghiệp giảm do mục đích của kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh cao đẳng, đại học nên đã giảm tối đa hiện tượng học sinh giúp đỡ nhau làm bài trong phòng thi.

Năm học 2016, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông là 92,14%, tăng 0,56% so với năm 2015.

Lấy năm 2017 làm ví dụ minh chứng cho “hiện tượng” làm đẹp học bạ: Điểm trung bình dưới 5 của hầu hết bài thi, môn thi đều chiếm tỷ lệ khoảng từ 40%-60%.

Thế nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2017 vẫn đạt 97,57%

Trước phản ánh của dư luận, cơ cấu điểm tổng kết lớp 12 trong điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm học 2018-2019 đã thay đổi, từ 50% giảm xuống 30%.

Công thức tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019. (Ảnh chụp màn hình)

Công thức tính điểm tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019. (Ảnh chụp màn hình)

Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông cả nước năm 2019 đạt 94,06%, giảm 3,51% so với năm 2018.

Tỷ lệ tốt nghiệp giảm nhưng điều đáng mừng là số lượng thí sinh có điểm trên trung bình của hầu hết các bài thi, môn thi đều chiếm tỉ lệ khoảng từ 50-70% (ngoại trừ môn Lịch sử và Tiếng Anh).[2]

Thống kê trên đã cho thấy mặt tích cực khi hạ tỷ lệ cơ cấu điểm học bạ trong điểm xét tốt nghiệp từ 50% xuống còn 30%, học sinh thấy “giảm phao” nên phải tự bơi, tự học, nên điểm trung bình tăng lên.

Nếu không có điểm học bạ, chỉ tính điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ tốt nghiệp cả nước đợt 1 năm 2020 là 86,18%.

Như vậy “phao học bạ” đã cứu 12,16% thí sinh, tương đương hơn 103.360 thí sinh khỏi “đuối nước”.

Nếu không có điểm học bạ có địa phương tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đã gần 100% như Bình Dương 99,43%, Nam Định 98,33%, Vĩnh Phúc 97,46%, Thành phố Hồ Chí Minh 96,97%, Ninh Bình 96,80%.

Ngược lại có địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp ở tốp thấp khi chưa tính điểm học bạ và điểm ưu tiên là Hà Giang với 39,43%, Sơn La 52,06%, Hòa Bình 54,75%, Cao Bằng 57,14%, Bắc Kạn 67,42%.

Trong khi đó, những năm trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp nếu không dựa vào học bạ chỉ khoảng dưới 60%. [3]

Điều đáng buồn nhất cho giáo dục khi đưa điểm học bạ lớp 12 vào cơ cấu điểm xét tốt nghiệp chính là tạo nên cuộc đua làm đẹp học bạ, làm đẹp thành tích.

Năm nay Bộ đã đối sánh điểm trung bình thi tốt nghiệp với điểm trung bình học bạ lớp 12, đối sánh này cũng đã phản ánh chân thực cuộc đua “làm đẹp điểm học bạ”, chênh lệch cao nhất thuộc về Nghệ An với 1,7 điểm.

Bệnh làm đẹp học bạ không nằm yên ở lớp 12 mà nó tràn xuống lớp 11... đến lớp 1. Mưa giấy khen, mưa điểm 10 cứ thế xuất hiện tràn ngập trong giáo dục từ thành thị đến nông thôn.

Học bạ đẹp, học sinh mất quyền lưu ban, phụ huynh ảo tưởng về con mình nên khó phân luồng giáo dục. Học bạ đẹp, tạo con số báo cáo đẹp nhưng đó là con số ảo, đánh lừa các nhà hoạch định chính sách giáo dục.

Học bạ không thể che giấu chất lượng giáo dục thật trong “thế giới phẳng”, chỉ cần vài thao tác từ các số liệu thống kê là sự thật phơi bày.

Đã đến lúc bỏ "phao học bạ" trong xét tốt nghiệp trung học phổ thông, giúp giáo dục trở về với sự thật, dạy thật, thi thật, tổng kết đánh giá thật.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-gddt-cong-bo-pho-diem-thi-thpt-quoc-gia-2017-20170707122530075.htm

[2]https://tuoitre.vn/bo-gd-dt-cong-bo-pho-diem-thi-thpt-quoc-gia-2018-20180710094907615.htm

[3] https://www.tienphong.vn/giao-duc/xet-tot-nghiep-thpt-de-xuat-bo-phao-cuu-sinh-1714119.tpo

Sơn Quang Huyến