Thanh tra có giúp “chỉnh” những thứ … “đốn”

21/08/2020 06:10
Xuân Dương
GDVN- Vì sao Thanh tra Chính phủ vẫn phải thanh tra việc đào tạo, cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ sau khi Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kết luận?

Cuối năm 2017, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết luận thanh tra việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội (Học viện) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Sau rất nhiều ồn ào về “lò đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ” tại Học viện này, tưởng chừng câu chuyện thế là xong nhưng ngày 05/08/2020, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Diện thanh tra khá rộng trong đó có việc “Thanh tra công tác đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015 – 2019…”.

Vì sao Thanh tra Chính phủ vẫn phải thanh tra việc đào tạo, cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ sau khi Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kết luận?

Ảnh chụp màn hình Cổng thông tin điện tử Học viện Khoa học xã hội ngày 16/8/2020

Ảnh chụp màn hình Cổng thông tin điện tử Học viện Khoa học xã hội ngày 16/8/2020

Thông tin trên Cổng thông tin điện tử Học viện Khoa học xã hội nhấn mạnh sứ mệnh của Học viện này là “Đào tạo nguồn nhân lực cao về khoa học xã hội phúc đáp yêu cầu của xã hội”. [1]

Được biết Học viện đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Ngôn ngữ học (mã ngành 9229020) nên chắc phải có nhiều chuyên gia rất uyên bác về ngôn ngữ.

Thế nhưng tìm hiểu trong hàng loạt từ điển giải nghĩa thì được biết “phúc đáp” có nghĩa là “trả lời” song “phúc đáp” được dùng với nghĩa “Trả lời trang trọng bằng thư từ hoặc công văn”.

Học viện Khoa học xã hội không “phúc đáp yêu cầu của xã hội” bằng thư từ hoặc công văn, vậy có nên đề nghị các nhà biên soạn từ điển định nghĩa hoặc giải thích lại khái niệm “phúc đáp” theo cách của Học viện khoa học xã hội?

Cứ cho rằng “xã hội” thật sự đã hỏi Học viện khoa học xã hội “nguồn nhân lực cao về khoa học xã hội” thì có nên “phúc đáp xã hội” bằng con số khủng khiếp thạc sĩ, tiến sĩ ra lò hàng năm khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc?

Sau kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện khoa học xã hội đã chấn chỉnh, thay đổi căn bản hoạt động đào tạo hay vẫn còn nhiều điều phải bàn luận?

Sau đây là một vài số liệu:

Thông báo tuyển sinh trên Cổng thông tin điện tử Học viện khoa học xã hội cho thấy năm 2019, Học viện này tuyển sinh cao học hai đợt, đợt 1 gồm 35 chuyên ngành với 700 chỉ tiêu; Đợt 2 gồm 35 chuyên ngành với 600 chỉ tiêu. [2], [3]

Năm 2020, Học viện này cũng tuyển cao học hai đợt, đợt 1 gồm 31 chuyên ngành với 635 chỉ tiêu; Đợt 2 gồm 26 chuyên ngành với 600 chỉ tiêu. [4], [5]

Thời gian đào tạo thạc sĩ là 02 năm, như vậy nếu tuyển đủ và không bị rơi rụng, cùng lúc Học viện này có thể đào tạo tới 2.535 học viên cao học.

Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT “Quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học” quy định “Thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần - tương đương 1.760 giờ hành chính”, quy ra tương đương 220 ngày/năm.

Cứ mỗi ngày làm việc, Học viện khoa học xã hội có thể cho ra lò khoảng 7 thạc sĩ!

Vấn đề không chỉ là số lượng thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo mà còn ở các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực về người hướng dẫn luận văn tiến sĩ, thạc sĩ.

Theo thông báo tuyển sinh của Học viện, năm 2019, Học viện tuyển 186 nghiên cứu sinh, năm 2020 tuyển 216 người, tổng hai năm là 402 chỉ tiêu.

Vì không tìm thấy các thông báo tuyển nghiên cứu sinh trước năm 2019 trên Cổng thông tin của học viện do vậy tạm tính bình quân mỗi năm là 200 chỉ tiêu.

Thời gian đào tạo là 03 năm với người có bằng thạc sĩ, 04 năm với cử nhân nên có thể thấy Học viện khoa học xã hội đã chuẩn bị đội ngũ nhà giáo để cùng một lúc có thể hướng dẫn từ 600 - 800 nghiên cứu sinh và 2.535 học viên cao học.

Vậy lực lượng nhà giáo của Học viện khoa học xã hội như thế nào?

Hiện chỉ có thể tìm thấy số liệu báo cáo công khai của Học viện khoa học xã hội năm học 2015-2016 và 2016-2017, do chưa tìm được số liệu mới hơn nên tạm lấy số liệu năm 2017 để so sánh. [6]

Năm 2017, Học viện khoa học xã hội có 23 giáo sư, 195 phó giáo sư và 270 tiến sĩ.

Không phải toàn bộ nhân sự đều là cán bộ cơ hữu của Học viện mà bao gồm cả các trường hợp “Hợp đồng làm việc có hoặc không có thời hạn, hợp đồng thỉnh giảng, hợp đồng vụ việc, hợp đồng theo Nghị định 68,…”.

Dù số học viên đỗ các kỳ thi tuyển có thể thấp hơn dự kiến tuyển sinh, song căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh đã công bố - nghĩa là nếu tuyển đủ thì Học viện khoa học xã hội vẫn đủ người hướng dẫn - nên xin đưa ra hai phương án giả định như sau:

Trước hết để tính toán quy mô đào tạo phải tuân theo quy định trong các Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT “Quy chế đào tạo trình độ Thạc sĩ”, Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT “Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ”.

Phương án 1: Toàn bộ nhân sự Học viện khoa học xã hội tập trung đào tạo thạc sĩ, không có người nào hướng dẫn nghiên cứu sinh (NCS), số học viên được tuyển sẽ là:

23 x 7 + 195 x 5 + 270 x 3 = 1.946 (người).

Phương án 2: ưu tiên đào tạo tiến sĩ:

Với số nghiên cứu sinh dự kiến tuyển nhiều nhất là 800 người thì phải dành ra 23 giáo sư, 171 phó giáo sư (23 x 5 + 171 x 4 = 799 nghiên cứu sinh);

24 phó giáo sư và 270 tiến sĩ còn lại được phép hướng dẫn:

24 x 5 + 270 x 3 = 930 học viên cao học.

Theo phương án 1, với đội ngũ nhà giáo hiện có (năm 2017), nếu tuyển đủ học viên, Học viện khoa học xã hội có thể sẽ rơi vào tình trạng đào tạo “chui” khoảng 600 học viên cao học và 800 nghiên cứu sinh.

Còn theo phương án 2, Học viện khoa học xã hội sẽ có thể phải đào tạo “chui” khoảng 1.600 học viên cao học.

Với số nhân sự hiện có, để tuyển được nhiều nhất học viên cao học và nghiên cứu sinh Học viện khoa học xã hội cần giải bài toán tối ưu, hy vọng bạn đọc hoặc cơ quan Thanh tra có thể giúp Học viện thực hiện.

Xin nhắc lại một lần nữa, hai phương án nêu trên là dựa vào dự kiến tuyển sinh của Học viện khoa học xã hội chứ không phải vào số người thực sự trúng tuyển.

Có thể Học viện khoa học xã hội công bố chỉ tiêu tuyển sinh nhiều hơn khả năng đáp ứng để “trừ hao” thế nhưng nếu tuyển đủ thì Học viện sẽ xoay sở thế nào với đội ngũ nhà giáo hiện có?

Vấn đề tiếp theo là chất lượng học viên của Học viện khoa học xã hội.

Báo Nhandan.com.vn chuyên mục “Giáo dục” ngày 15/05/2020 có bài: “Cơ quan, cá nhân sử dụng văn bằng 2 Tiếng Anh của Trường đại học Đông Đô cần liên hệ công an”.

Tờ báo - Cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam - yêu cầu: “Các cá nhân được Trường đại học Đông Đô cấp Bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ chính quy - Văn bằng 2, các cơ quan đã tiếp nhận người có sử dụng văn bằng trên cần thông báo, trình báo với Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an”. [7]

Trước đó, ngày 24/08/2019, ông Vũ Mạnh Dũng, Chánh văn phòng Học viện Khoa học xã hội cho biết: “Trong số 27 nghiên cứu sinh trúng tuyển năm 2019 tại Học viện Khoa học xã hội thì có 7 trường hợp sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của Đại học Đông Đô”. [8]

Vậy Học viện khoa học xã hội - cơ quan đã tiếp nhận người có sử dụng văn bằng của Đại học Đông Đô - đã “thông báo, trình báo với Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an” trước ngày 25/06/2020 theo yêu cầu của Cơ quan An ninh điều tra?”. [7]

Đào tạo nhiều tiến sĩ với đầu vào như thế, xã hội liệu có bội thực bởi sự “phúc đáp”?

Và đợt thanh tra này có giúp “chỉnh” những thứ … “đốn” ở “lò ấp tiến sĩ”?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://gass.edu.vn/SitePages/News_Detail.aspx?categoryId=53&itemId=37416

[2] https://gass.edu.vn/SitePages/News_Detail.aspx?categoryId=60&itemId=45044

[3] https://gass.edu.vn/SitePages/News_Detail.aspx?categoryId=60&itemId=45435

[4] https://gass.edu.vn/SitePages/News_Detail.aspx?categoryId=60&itemId=45908

[5] https://gass.edu.vn/SitePages/News_Detail.aspx?categoryId=60&itemId=46230

[6] https://gass.edu.vn/SitePages/News_Detail.aspx?categoryId=51&itemId=41362

[7] https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/co-quan-ca-nhan-su-dung-van-bang-2-tieng-anh-cua-truong-dai-hoc-dong-do-can-lien-he-cong-an-458379/

[8] https://laodong.vn/giao-duc/nhieu-thac-si-su-dung-van-bang-2-tieng-anh-cua-dh-dong-do-se-ra-sao-750976.ldo

Xuân Dương