"Quả bóng" trách nhiệm vụ 49 giáo viên Bình Định bị đặc cách "nhầm"

24/08/2020 09:00
Vũ Ninh
GDVN- Trách nhiệm trong vụ 49 giáo viên hợp đồng Bình Định bị đặc cách nhầm đang được đá qua lại giữa 2 cơ quan: Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Nội vụ.

Về việc 49 giáo viên hợp đồng Trung học Phổ thông tỉnh Bình Định kêu cứu về những vấn đề bất cập liên quan đến việc xét đặc cách cho nhóm giáo viên này, ngày 13/8/2020, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Võ Ngọc Sỹ, Trưởng phòng Tổ chức – Cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định).

Theo ông Võ Ngọc Sỹ, sự việc 49 giáo viên hợp đồng Trung học Phổ thông tỉnh Bình Định được thông báo đủ điều kiện đặc cách nhưng đến này vẫn chưa được công nhận chính thức là do điều kiện, tiêu chí trong công văn 5378 không giải thích rõ ràng khiến cho Sở Giáo dục xét tuyển “nhầm đối tượng”.

Ông Võ Ngọc Sỹ cho biết: “Sở Giáo dục và Đào tạo đã rà soát các đối tượng giáo viên theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ, do công văn không nói rõ đối tượng giáo viên hiện tại đang lao động hợp đồng là hợp đồng gì nên Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát tất cả số hồ sơ này.

Sau đó Sở đã chuyển những nội dung này sang Sở Nội vụ và đề nghị Sở Nội vụ tham mưu.

Tiếp theo, Sở Nội vụ có công văn số 1711 gửi Bộ Nội vụ đề nghị hướng dẫn triển khai một số nội dung theo công văn số 5378.

Tháng 4/2020, Bộ Nội vụ đã có công văn trả lời về đối tượng được xem xét đặc cách.

Hiện vụ việc chỉ đang dừng ở đây chưa có bất kỳ chỉ đạo gì thêm, chúng tôi đã nhóm họp thủ trưởng của 49 giáo viên trên để truyền đạt lại tinh thần cho thầy cô nắm được”.

Ngày 19/8/2020, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định có công văn số 1300/SNV-CCVC về việc chuyển Đơn công dân để giải quyết theo thẩm quyền:

Sở Nội vụ tỉnh Bình Định xin chuyển 5 đơn kiến nghị của 5 giáo viên hợp đồng giảng dạy tại các trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo về vấn đề xét tuyển đặc cách cho Sở Giáo dục để giải quyết theo thẩm quyền.

Ngày 21/8/2020, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hóa, Phó trưởng phòng Công chức, viên chức; Sở Nội vụ tỉnh Bình Định. Ông Nguyễn Văn Hóa cho biết:

Sự việc 49 giáo viên hợp đồng Trung học Phổ thông tình Bình Định chúng tôi đã nắm được. Thế nhưng đây là việc của Sở Giáo dục và Đào tạo nên anh vui lòng gọi qua Sở Giáo dục và hỏi bên đấy. Việc này không thuộc trách nhiệm của Sở Nội vụ mà thuộc trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp thực hiện”.

Công văn 7450 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định nêu rõ trách nhiệm của liên Sở (Ảnh:V.N)

Công văn 7450 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định nêu rõ trách nhiệm của liên Sở (Ảnh:V.N)

Với câu trả lời của ông Võ Ngọc Sỹ và ông Nguyễn Văn Hóa, câu hỏi đặt ra là: Đơn vị nào là đơn vị chịu trách nhiệm trong vụ 49 giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định bị đặc cách nhầm khi Sở Giáo dục thì nói đã chuyển hồ sơ sang Sở Nội vụ còn Sở Nội vụ thì lại nói đây là trách nhiệm của Sở Giáo dục?

Xin được nhắc lại rằng, trước đó ngày 5/12/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định có công văn số 7450/UBND-NC: Về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 về trước.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát và thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với các trường hợp giáo viên hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước theo nội dung công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ và đề xuất của Sở Nội vụ tại Công văn số 1624/SNV-CCVC nêu trên.

Giao Sở Nội vụ theo dõi, hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện xét tuyển đặc cách nêu trên theo đúng quy định; chủ động xin hướng dẫn của Bộ Nội vụ đối với các nội dung vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Ngày 27/04/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định lại có công văn số 2659/UBND-NC về việc thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân có ý kiến như sau:

Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện việc tuyển dụng đặc cách đối với các trường hợp giáo viên đang làm hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục, có đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước theo ý kiến của Bộ Nội vụ tại công văn số 1791/BNV-CCVC ngày 9/4/2020 về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng.

Từ công văn số 7450 và công văn số 2659 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã phân rõ trách nhiệm cụ thể cho Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ trong việc thực hiện xét tuyển đặc cách cho giáo viên hợp đồng.

Như vậy đại diện 2 Sở không thể nói trách nhiệm thuộc bên này hay bên kia mà liên Sở phải có trách nhiệm phối hợp giải quyết dứt điểm sự việc trên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định.

Ngày 1/4/2020, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định có công văn số 454/SNV-CCVC về việc hướng dẫn một số nội dung để triển khai thực hiện Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ.

Theo đó: Thực hiện công văn số 30/VPCP-TCCV ngày 4/1/2017 của Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các đơn vị sự nghiệp giáo dục nói riêng trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp để chấm dứt lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn nghiệp vụ.

Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu giáo viên trong thời gian chưa tổ chức tuyển dụng, ngành giáo dục tỉnh đã hướng dẫn các đơn vị hợp đồng thỉnh giảng giáo viên theo Thông tư số 44/2011/TT-BGDĐT ngày 10/10/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục.

Vì vậy số giáo viên này không được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Công văn số 1300 của Sở Nội vụ (Ảnh:V.N)

Công văn số 1300 của Sở Nội vụ (Ảnh:V.N)

Căn cứ theo các công văn số 5378 của Bộ Nội vụ, công văn số 7450 và 2659 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, điều kiện để xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định bao gồm các tiêu chí sau:

Một là, giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập;

Hai là, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015;

Ba là, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng;

Với tiêu chí số 2: Bảo hiểm xã hội bắt buộc của giáo viên đủ điều kiện xét đặc cách được tính từ trước năm 2015 chứ không phải là thời điểm hiện tại như theo giải thích tại công văn số 454 của Sở Nội vụ tỉnh Bình Định.

Với tiêu chí số 1: Như đã phân tích đầy đủ trong bài viết “49 giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định không được đặc cách vì lắt léo câu chữ?”, hợp đồng thỉnh giảng của 49 giáo viên nêu trên là hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động căn cứ theo khoản 2, điều 7 Thông tư số 44/2011/TT-BGDĐT.

49 giáo viên hợp đồng trung học phổ thông tỉnh Bình Định tin rằng họ hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện để được xét tuyển đặc cách.

Trong thời gian tới số giáo viên này rất mong muốn liên Sở phối hợp để giải quyết triệt để vấn đề xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng để họ yên tâm công tác trong năm học mới.

Vũ Ninh