Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng đang dần bỏ sáng kiến

23/08/2020 08:03
BÙI NAM
GDVN- Việc giảm bớt sáng kiến kinh nghiệm không hiệu quả trong giáo dục là điều được đông đảo giáo viên mong mỏi.

Bài viết “Chính phủ bỏ yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm từ 20/8, thầy cô có biết?” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn của bạn đọc nhất là của giáo viên cả nước.

Đa số giáo viên đều đồng tình ủng hộ và cám ơn Chính phủ với Nghị định 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong đó nội dung xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã không còn yêu cầu có sáng kiến kinh nghiệm.

Tiếp theo là bài viết “Dự thảo Luật Thi đua đang bỏ sáng kiến kinh nghiệm, thầy cô mau lên tiếng ủng hộ” trong bài viết tác giả đã phân tích việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức có phần quan trọng hơn việc xét các danh hiệu thi đua và nêu thông tin dự thảo Luật trên đã dần dần bỏ tiêu chuẩn có sáng kiến trong các hình thức khen thưởng như bằng khen Thủ tướng Chính phủ, ngành, tỉnh,…

(Ảnh minh hoạ trên http://moit.gov.vn)

(Ảnh minh hoạ trên http://moit.gov.vn)

Sau bài viết có bạn đọc có tên là Dũng đã bình luận như sau:

“Tác giả bài báo nhầm lẫn cơ bản. Trên trang cổng thông tin điện tử chính phủ bằng khen nằm tại điều 71 và điều 71 trong dự thảo lần 2 còn chặt chẽ hơn lần 1 cụ thể phải 5 năm chiến sĩ thi đua và được bằng khen cấp bộ ngành tỉnh. Đề nghị khi viết bài nghiên cứu kỹ văn bản, tránh để các thầy cô nhầm lẫn”.

Để có cái nhìn khách quan, toàn diện, chính xác tác giả xin được phản hồi thông tin của bạn đọc.

Bài viết này, tác giả một lần nữa khẳng định rằng trong Nghị định 90 Chính phủ đã bỏ tiêu chuẩn có sáng kiến kinh nghiệm trong việc đánh giá, phân loại cán bộ công chức, viên chức và đang từng bước bỏ sáng kiến kinh nghiệm trong việc xét thi đua khen thưởng và đạt các danh hiệu khen thưởng trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng mới nhất dự kiến trình Quốc hội 2021.

Trước hết người viết xin được khẳng định hiện nay chỉ duy nhất có dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (không có dự thảo lần 2) tại cổng thông tin của Bộ Nội vụ [1] hoặc bạn đọc có thể tham khảo toàn văn tại địa chỉ [2].

Còn thông tin của bạn đọc cung cấp là trên cổng Thông tin điện tử của Chính phủ tại địa chỉ [3] đã rất cũ, đó chính là bản so sánh Luật Thi đua, khen thưởng (ban hành 2003 có hiệu lực 2004) với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật thi đua, khen thưởng và bản này đã được sửa đổi 2005 và 2013.

Căn cứ để bạn đọc có cái nhìn chính xác, dựa vào 2 phần sau:

Thứ nhất, là ngay phần căn cứ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi đua, khen thưởng “Căn cứ Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10.

Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đã được thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 26 tháng 11 năm 2003 và kỳ họp thứ 7 ngày 14 tháng 6 năm 2005 Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XI).”

Ngay tại phần căn cứ này chúng ta thấy, Luật sửa đổi này đã được thông qua năm 2005 và sửa đổi ở các năm và hiện nay đang áp dụng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013.

Thứ hai, tại Điều 102.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2004, đây chính là Luật thi đua, khen thưởng đã cũ.

Qua hai phần trên tác giả xin khẳng định một lần nữa, thông tin về bài viết của tác giả trong bài “Dự thảo Luật Thi đua đang bỏ sáng kiến kinh nghiệm, thầy cô mau lên tiếng ủng hộ” là thông tin chính xác và là thông tin mới hiện nay.

Và thông tin Chính phủ đã từng bước dần dần bỏ sáng kiến kinh nghiệm trong việc xét các hình thức khen thưởng như bằng khen Thủ tướng, bộ ngành, tỉnh,… là thông tin nằm trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng mới nhất.

Việc giảm bớt sáng kiến kinh nghiệm không hiệu quả trong giáo dục là điều được đông đảo giáo viên mong mỏi, việc ban hành dự thảo trên được đa số mọi người đồng tình ủng hộ.

Nó cho thấy tầm nhìn lớn của Chính phủ, của cơ quan soạn thảo.

Xin được trích lại Điều 72. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng

1. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” được tặng hoặc truy tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Có thành tích xuất sắc tiêu biểu, được bình xét trong phong trào thi đua;

b) Đã được tặng Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh và 5 năm tiếp theo trở lên liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 02 lần được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

c) Lập được thành tích đột xuất trong lao động, học tập, công tác có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành, tỉnh hoặc lập được thành tích đột xuất, được giải thưởng cao ở khu vực;

2. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” tặng cho công nhân, nông dân, người lao động gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất trong lao động, sản xuất có phạm vi ảnh hưởng trong địa bàn cấp huyện;

b) Công nhân có sáng kiến mang lại lợi ích giá trị cao có phạm vi ảnh hưởng trong địa bàn cấp huyện và có đóng góp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề;

c) Nông dân có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định từ 02 năm trở lên, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động.

d) Doanh nhân lập được nhiều thành tích, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của huyện và tương đương hoặc của ngành, lĩnh được cấp bộ, cấp tỉnh công nhận.

Có thể thấy để đạt tặng bằng khen Thủ tướng Chính phủ phải có một trong hai điều kiện hoặc 03 lần danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (danh hiệu thi đua) thì cần có sáng kiến kinh nghiệm hoặc đạt 02 lần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP thì không cần có sáng kiến kinh nghiệm.

Có thể thấy trong dự thảo, giáo viên không cần sáng kiến kinh nghiệm vẫn được tặng bằng khen của Thủ tướng ghi nhận những cống hiến của các giáo viên giỏi, nhiệt tâm.

Sáng kiến được ghi nhận bằng những nỗ lực, những kết quả qua từng công việc cụ thể, hàng ngày qua sự tiến bộ của học sinh, hiệu quả công việc chứ không chỉ bằng những cuốn sáng kiến kinh nghiệm như hiện nay.

Dân từng bước tin vào sự điều hành, những thay đổi tích cực, hiệu quả của Chính phủ.

Bên cạnh đó tại dự thảo cũng không giới hạn phần trăm chiến sĩ thi đua như hiện nay, người lao động trong đó có giáo viên để được xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” căn cứ theo Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng 2003 đã được sửa đổi, bổ sung.

Tại Điều 9. Danh hiệu Chiến sĩ thi đua ở khoản 3, Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

b) Có sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.

Tỷ lệ cá nhân được công nhận danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” do bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương căn cứ vào tình hình thực tiễn quy định cho phù hợp, nhưng không quá 15% tổng số cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”.

Thì tại Điều 21. Tiêu chuẩn danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” của dự thảo Luật thi đua khen thưởng mới quy định

Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ

2. Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Có thể thấy trong dự thảo Luật mới cũng không còn khống chế phần trăm người lao động đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở (trước đây người đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” không quá 15% người đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”), mọi người chỉ cần đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ và có sáng kiến, giải pháp cải tiến (gọi chung là sáng kiến kinh nghiệm) có thể được công nhận.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.moha.gov.vn/van-ban-du-thao.html?id=40857

[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/linh-vuc-khac/Luat-Thi-dua-Khen-thuong-sua-doi-418232.aspx

[3]http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/congdan/DuThaoVanBan?_piref135_27935_135_27927_27927.mode=detail&_piref135_27935_135_27927_27927.id=709

[4]Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

[5]Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng 2005, 2013.

[6]Luật thi đua khen thưởng 2003.

BÙI NAM