Bao nhiêu năm đi dạy, cứ mỗi khi bốc thăm lớp chủ nhiệm người viết và nhiều đồng nghiệp đều ước ao cho mình bắt được cái lớp học đều, chất lượng tốt để làm công tác chủ nhiệm cho khỏe.
Thầy Tưởng và học sinh lớp chủ nhiệm (Ảnh nhà trường cung cấp) |
Thế nên khi nghe Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận giới thiệu có giáo viên luôn xung phong được chủ nhiệm lớp học sinh đặc biệt của trường, người viết lấy làm tò mò lắm.
Khi nghe ý định chúng tôi muốn viết bài về mình, thầy giáo Đặng Văn Tưởng nói rằng mình chẳng có gì nổi trội để viết, công việc mình làm cũng thường thôi, biết bao đồng nghiệp của thầy còn làm tốt hơn thế nữa.
Mục tiêu giáo dục nằm ở sự tiến bộ của mỗi học trò
Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận là một trong những ngôi trường có tỷ lệ học sinh đầu vào lớp 10 yếu của tỉnh.
Nhiều năm qua, cả 3 môn thi sau khi đã nhân hệ số cũng chỉ lấy điểm chuẩn 8 điểm, 9 điểm và cao nhất là 10 điểm.
Để giúp các em nắm vững kiến thức, Ban giám hiệu nhà trường đã lọc học sinh có lực học yếu, kém tập trung vào một lớp để giảng dạy.
Ở trong ngành, chúng tôi vẫn thường được nghe giáo viên phải dạy phân hóa từng đối tượng trong lớp, nhưng để thực hiện điều này khi thời gian tiết học bị khống chế, không mấy đồng nghiệp đạt kết quả.
Không gì bằng việc học sinh có lực học yếu kém tương đồng với nhau thì việc giảng dạy, kèm cặp các em sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Vấn đề là, ai sẽ làm chủ nhiệm những lớp học sinh đặc biệt thế này? Ai sẽ nhận về mình công việc khó khăn hơn? Nếu lấy quyền để phân công dễ dẫn đến việc giáo viên không phục và như thế thì hiệu quả công việc cũng không thể cao.
Chưa nói đến việc, làm chủ nhiệm những lớp thế này đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải có tính kiên nhẫn, phải tận tâm, tận tình với học sinh, phải là giáo viên giỏi và tâm lý nhất.
Nhiều giáo viên xung phong đảm nhận lớp học đặc biệt
Khác với nhiều trường học, tại Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, nhiều giáo viên lại xung phong được làm chủ nhiệm chính lớp học yếu, kém nhất trường mà thầy Đặng Văn Tưởng là một trong những giáo viên điển hình nhất.
Thầy Tưởng cho biết: “Học sinh phải hợp tác với mình, không có tư tưởng chống đối nhưng tâm lý phải phục thầy thì mới thành công.
Vì thế, trước khi nhận lớp tôi đã tổ chức một buổi dã ngoại để thầy trò có cơ hội trò chuyện, làm quen với nhau.
Tôi kể cho các em nghe những câu chuyện về những người thành đạt trong cuộc sống mà không phải ai cũng học giỏi văn hóa để động viên các em đừng tự ti, mặc cảm với bản thân. Con người ta có nhiều mặt, ai cũng có những thế mạnh riêng của mình…"
Khi thầy trò hiểu nhau hơn rất thuận lợi trong việc giảng dạy và giáo dục các em. Khi dạy, thầy Tưởng cho biết mình không đòi hỏi các em quá cao, sức của các em chỉ cần đạt tối đa 70% kiến thức là quá tốt.
Không gây áp lực việc học, không đòi hỏi nâng cao kiến thức…và giáo viên thì giảng dạy tận tình. Nhờ đó, lớp học do thầy chủ nhiệm đã tiến bộ từng ngày. Cuối năm, chất lượng học tập của các em cũng được nâng cao rõ rệt.
Từ những thành công ấy, Ban giám hiệu nhà trường cũng cho biết vẫn sẽ duy trì việc lớp học đặc biệt như thế này.
Nhà trường sẽ xây dựng quy chế đánh giá, xếp loại và thưởng cho những giáo viên đã tình nguyện và nỗ lực trong giảng dạy góp phần nâng cao chất lượng học tập và giáo dục học sinh trong nhà trường.