Thành phố Hồ Chí Minh: Chỉ cử đại diện học sinh các lớp dự khai giảng

29/08/2020 06:30
Việt Dũng
GDVN- Trừ các lớp đầu cấp, các lớp còn lại chỉ cử đại diện từ 10 – 20 học sinh tham dự lễ khai giảng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 28/8/2020, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ký văn bản 2713/GDĐT-CTTT, về hướng dẫn tổ chức lễ khai giảng, triển khai một số hoạt động đầu năm học 2020 – 2021.

Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu lễ khai giảng năm học sắp đến cần được tổ chức an toàn, chu đáo, ngắn gọn, phân công rõ trách nhiệm từng thành viên phụ trách.

Lễ khai giảng sẽ được tổ chức đồng loạt trong sáng ngày 5/9/2020, với sự tham dự của mỗi lớp học từ 10 – 20 học sinh, trừ các học sinh ở lớp đầu cấp đi đầy đủ.

Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu chỉ cứ đại diện các lớp dự khai giảng năm nay (ảnh minh họa: P.L)

Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu chỉ cứ đại diện các lớp dự khai giảng năm nay (ảnh minh họa: P.L)

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương, thành phố, nhất là thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19.

Chương trình của lễ khai giảng ngắn gọn, tổ chức trong vòng khoảng 60 phút, bao gồm các nội dung: Văn nghệ chào mừng, Nghi thức chào đón học sinh đầu cấp, Chào cờ, Tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu, Báo cáo và cắt băng khánh thành đối với các trường mới, Đọc thư của Chủ tịch nước (mời lãnh đạo địa phương), Diễn văn khai giảng của Hiệu trưởng, Đánh trống khai trường, khen thưởng (nếu có) và bế mạc.

Riêng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tổ chức lễ khai giảng dưới hình thức “Bé vui đến trường” một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng cơ sở giáo dục mầm non, đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Hoạt động chào đón học sinh lớp đầu cấp: Cần tổ chức vui tươi, hấp dẫn, an toàn và phù hợp với lứa tuổi của học sinh, điều kiện của nhà trường trong tình hình thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tập trung giới thiệu về truyền thống, hoạt động của nhà trường, hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội, giới thiệu bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất của nhà trường, giới thiệu các hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường, lớp.

Phổ biến điều lệ, nội quy, quy chế nhà trường, quy chế kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh, về học tập và rèn luyện, nội quy và các quy định của nhà trường.

Công tác chuẩn bị cho năm học mới: Rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đảm bảo khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm “xanh – sạch – đẹp”, đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid-19, tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh trường học, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1.

Các đơn vị trường học thông tin rộng rãi đến học sinh, cha mẹ học sinh việc biên chế lớp học, thời lượng học tập, kế hoạch năm học, các chương trình giáo dục của nhà trường.

Cập nhật điều lệ, quy chế nhà trường, quy chế kiểm tra và đánh giá xếp loại, nội quy học sinh và các thông tin cần phải công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường, đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa nhà trường – gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh.

Triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên”, các nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, chỉ đạo việc ký cam kết chấp hành các quy định an toàn giao thông giữa nhà trường với gia đình và học sinh, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đảm bảo trật tự, an toàn giao thông khu vực cổng trường học, không để xảy ra ùn tắc giao thông trong ngày khai giảng.

Thực hiện việc công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành.

Việt Dũng