Là thủ khoa đầu ra của Học viện Cảnh sát Nhân dân năm học 2019, Đinh Song Thương (sinh năm 1996) vinh dự góp mặt vào danh sách 88 thủ khoa tiêu biểu được Thành đoàn Hà Nội vinh danh năm 2020.
Hiện tại, nữ chiến sĩ trẻ đang công tác tại phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh.
Thủ khoa Học viện Cảnh sát Nhân dân có bảng thàng tích “khủng” trong học tập, nghiên cứu khoa và các hoạt động phong trào. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
“Bông hồng thép” sống hết mình với ước mơ
Sinh ra và lớn lên từ vùng quê miền núi huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, từ nhỏ đã phải học tập xa nhà nhưng Đinh Song Thương luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi cùng nhiều thành tích đáng nể.
Nuôi ước mơ trở thành chiến sĩ công an, năm 2014, Song Thương đăng ký thi tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân. Thế nhưng, sau 12 năm học thường xuyên hái trái ngọt thì Thương đã phải nhận cú sốc lớn khi không thể chạm tay vào ước mơ.
Gác lại ước mơ còn dang dở, Song Thương rẽ hướng chọn ngành Tâm lý học của Học viện Quản lý Giáo dục.
Dẫu vậy, thời gian học tập tại ngôi trường mới vẫn không giúp cô khỏa lấp được khát khao và ước mơ cháy bỏng của mình. Thương quyết tâm vừa học, vừa làm, vừa ôn tập để quay trở lại kỳ thi đại học.
“Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Mình phải thức dậy từ 5 giờ sáng, làm thêm tại căng tin trường đến 11 giờ trưa, buổi chiều đi học, tối về lại ôn bài đến tận 1 giờ sáng.
Không ít lần mình muốn bỏ cuộc vì quá mệt mỏi nhưng khi nghĩ về ước mơ, về gia đình, mình lại có động lực để phấn đấu và vượt qua”, Song Thương tâm sự.
Sau một kỳ học tập tại học viện Quản lý Giáo dục, Thương quyết định bảo lưu kết quả để chuyên tâm vào ôn thi.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2015, Song Thương trúng tuyển vào ngành nghiệp vụ cảnh sát của Học viện Cảnh sát Nhân dân với số điểm 30,25.
Bước vào ngôi trường “kỷ luật thép”, kỷ niệm khó quên với Song Thương chính là những ngày huấn luyện đầu khóa với các bài tập thể chất, bắn súng, võ thuật.
Các học viên phải đứng dưới cái nắng gay gắt từ 12 rưỡi trưa đến 5 giờ chiều, thực hiện theo khẩu lệnh.
“Ngày đầu tiên thực hiện theo khẩu lệnh nắm đấm chống đẩy của thầy giáo, mình bị đá dăm cắm vào da tay đến tứa máu, lại thêm mồ hôi chảy qua vết thương càng đau và khó chịu.
Lúc đó, mình và nhiều bạn nữ đã bật khóc nhưng lại tiếp nhận khẩu lệnh: Đồng chí nào khóc giữ nguyên tư thế thêm 1 phút. Vậy là không còn bất cứ ai được phép yếu đuối nữa”, Song Thương hồi tưởng lại những ngày đầu tiên huấn luyện tại trường.
Sáu tháng huấn luyện gian nan vất vả cũng chính là khoảng thời gian làm thay đổi hoàn toàn những chiến sĩ trẻ như Thương.
“Kỷ luật thép, những bài tập đổ mồ hôi, đổ máu chính là cơ hội để mình tôi luyện và phá bỏ mọi giới hạn của bản thân. Từ một cô gái yếu đuối, mình trở nên can trường, có thể lực tốt, tinh thần vững vàng, ý chí kiên cường hơn.
Mình hiểu ra rằng, muốn làm những điều phi thường thì bản thân phải nghĩ mình có khả năng làm được điều đó. Mình bắt đầu đặt ra những mục tiêu cụ thể và từng bước chinh phục ước mơ”, Song Thương chia sẻ.
Quá trình học tập tại Học viện Cảnh sát Nhân dân, Đinh Song Thương dành được nhiều thành tích nổi bật. Ba năm liền là học viên xuất sắc và trở thành học viên xuất sắc toàn khóa học.
Bên cạnh đó, Thương còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học với nhiều giải thưởng:
Giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học của Học viện Cảnh sát Nhân dân; Giải ba sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2018 - 2019; Giải Nhất sinh viên viết chuyên đề nghiên cứu khoa học của Học viện Cảnh sát Nhân dân năm học 2017 – 2018.
Từ năm 18 tuổi, Đinh Song Thương đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Không chỉ là một Đảng viên trẻ năng nổ, nhiệt tình, Thương còn là Bí thư chi bộ gương mẫu và là gương mặt MC ấn tượng của học viện.
Tích cực tham gia vào các cuộc vận động, phong trào, hoạt động thiện nguyện, Song Thương gặt hái được nhiều giải thưởng cao quý, 3 lần được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện.
Năm 2019, Đinh Song Thương trở thành gương điển hình tiên tiến tiêu biểu Toàn lực lượng Công an Nhân dân về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Mẹ Phương và những ký ức thắm tình quân – dân
Với Đinh Song Thương, những thành tích, giải thưởng đã đạt được vừa là động lực để cố gắng, vừa là những bài học quý giá cho cuộc sống và công việc của mình.
Nữ chiến sĩ cho rằng, những bài học trên giảng đường và từ các cuộc thi vô cùng quý giá, nhưng những bài học thực tế còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt hơn.
“Mình thích những chuyến đi thực tế để có cơ hội sống gần với nhân dân. Điều này giúp mình có nhiều trải nghiệm mới, ý thức sâu sắc hơn về công việc, trách nhiệm của người chiến sĩ công an nhân dân.
Mình nhận được những bài học quý, và chính những bài học ấy giúp mình hoàn thiện và thành công hơn”, Song Thương chia sẻ.
Vốn đam mê tình nguyện và các hoạt động xã hội, Song Thương không ngại đến với những vùng xa xôi để kết nối yêu thương và chia sẻ.
“Chuyến tình nguyện đáng nhớ nhất với mình là hoạt động làm sân chơi cho các em nhỏ huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Nhìn hoàn cảnh thiếu thốn của các em, mình càng muốn phấn đấu để sau này có khả năng giúp đỡ được những hoàn cảnh khó khăn như thế”, Song Thương kể.
Đặc biệt, Thương luôn xem những chuyến đi thực tế là những dấu ấn thành công của bản thân. Bởi lẽ, những chuyến đi đã giúp chiến sĩ trẻ trưởng thành hơn về nhận thức, tư tưởng và bồi đắp thêm tình cảm gắn bó với nhân dân.
Đinh Song Thương trong chuyến tình nguyện làm sân chơi cho trẻ em miền núi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Kể về những chuyến đi thực tế, Song Thương xúc động nhớ về "mẹ Phương" – người phụ nữ tảo tần chịu khó nơi dải đất miền Trung nắng gió.
Trong lần thực hành chính trị - xã hội, Thương và đồng đội đóng địa bàn tại xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Cũng chính nơi đây cho Thương gặp "mẹ Phương".
Nhiệm vụ lần ấy, Thương ở nhà "mẹ Phương", “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” với người dân xứ Nghệ. Hằng ngày, các chiến sĩ cùng nhân dân gặt lúa, phơi thóc, dọn dẹp đường làng, cống mương đưa nước về ruộng,…
Những hoạt động ấy càng làm sâu sắc và gắn bó thêm cho tình cảm giữa người dân và các chiến sĩ công an.
Tình quân dân đã gắn kết những người xa lạ trở nên thân thiết, gần gũi như tình cảm gia đình, ruột thịt.
“Mẹ Phương” là cách gọi yêu thương mà Song Thương dành cho người phụ nữ đã chăm sóc mình thời điểm khó khăn nhất.
“Vốn rèn luyện thể lực tốt nên rất hiếm khi mình bị ốm. Nhưng đúng dịp mình về quê Bác làm nhiệm vụ thì mình bị một trận ốm nặng. Lúc đó, mẹ Phương (cô chủ nhà mình ở) đã bỏ cả công việc, bỏ cả lúa thóc chỉ để chăm sóc mình.
Công việc của mẹ là xát lúa thuê, tranh thủ vụ mùa mới kiếm được chút thu nhập, thế mà mẹ sẵn sàng bỏ công việc chứ không bỏ mặc mình”, Thương xúc động nhớ lại.
Mê man với trận ốm dai dẳng nhưng Thương không bao giờ quên hình ảnh người phụ nữ dáng người nhỏ bé vẫn sớm hôm nấu cháo, cạo gió, chăm sóc mình tận tình, ân cần từng chút một.
Và không riêng gì "mẹ Phương", những người dân luôn dành cho Thương và đồng đội tình cảm chân thành, mộc mạc và ấm áp. Dù cuộc sống của họ còn khó khăn về vật chất nhưng tình cảm thì giàu có vô cùng.
Sau chuyến đi thực tế đó, Thương vẫn dành thời gian về thăm gia đình "mẹ Phương". Ngày Song Thương tốt nghiệp, "mẹ Phương" và bố đã không ngại đường xa từ Nghệ An ra Hà Nội chúc mừng con gái.
Bố và "mẹ Phương" từ Nghệ An đến chúc mừng lễ tốt nghiệp của Song Thương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
“Thời gian được sống cùng gia đình mẹ Phương và những người dân quê Nam Xuân, mình càng thấm thía lời Bác dạy: Công an của ta là Công an Nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc”, Song Thương xem đó là may mắn của bản thân, cũng là bài học quý giá để vững bước trên con đường đã chọn.
Đến bây giờ, khi đã là một nữ cảnh sát của phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Bắc Ninh, Song Thương vẫn luôn ghi nhớ, vận dụng những bài học ấy vào công việc, rèn luyện mỗi ngày để xứng đáng là người Công an Nhân Dân đúng như lời Bác Hồ đã dạy!