Bộ Y tế khuyến cáo "5K" trước đại dịch Covid -19

10/09/2020 13:49
Tùng Dương
GDVN- Thực hiện "5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế" để giữ an toàn cho Bạn và Chúng ta trước đại dịch Covid -19 !

Đại dịch Covid -19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, đến cuối tháng 8/2020 đã lây lan tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 25 triệu người mắc và gần 850 nghìn người tử vong.

Tính đến 6h00 ngày 31/8/2020, Việt Nam ghi nhận 1.040 bệnh nhân mắc Covid -19, trong đó 690 bệnh nhân do lây nhiễm trong nước, 350 bệnh nhân từ nước ngoài về.

Trong thời gian tới, nguy cơ dịch Covid -19 vẫn thường trực và tiếp tục có các ca mắc bệnh mới trong cộng đồng.

Việt Nam sẽ phải tiếp tục chống dịch Covid -19 trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh.

Phun khử khuẩn hàng hóa trước khi tiếp nhận. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Phun khử khuẩn hàng hóa trước khi tiếp nhận. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” như: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Để chủ động phòng, chống dịch Covid -19 trong trạng thái “bình thường mới”, Bộ Y tế mong muốn và kêu gọi mỗi người dân Việt Nam cùng nhau thực hiện Chung sống an toàn với đại dịch Covid -19.

Bộ Y tế gửi đến Bạn “Thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế” với các nội dung chính sau đây:

KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.

KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.

KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.

KHÔNG TỤ TẬP đông người.

KHAI BÁO Y TẾ: thực hiện khai báo y tế trên App Ncovi; cài đặt ứng dụng BlueZone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid -19.

Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.

Luôn thực hiện việc đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Luôn thực hiện việc đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Theo (Chinhphu.vn) - Hiện nay mầm bệnh đã ở trong cộng đồng nên sẽ tiếp tục có ca bệnh. Sẽ có những đợt dịch mới nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác.

Dịch bệnh sẽ tồn tại cùng chúng ta trong thời gian dài nữa. Công tác phòng chống cũng sẽ khó khăn hơn nhiều. Lực lượng y tế phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với những gì chúng ta đã làm trước đây.

Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, vừa qua, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì giao giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch với lãnh đạo các bệnh viện Trung ương, Sở Y tế các địa phương trong cả nước.

Tại giao ban, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Long cho biết: “Trong thời gian qua chúng ta đã chủ động, tích cực, các biện pháp phòng chống dịch, đến nay cơ bản đã đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay mầm bệnh đã ở trong cộng đồng nên sẽ tiếp tục có ca bệnh trong cộng đồng. Sẽ có những đợt dịch mới nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác. Phải luôn ghi nhớ dịch bệnh sẽ tồn tại cùng chúng ta trong thời gian dài nữa.

Công tác phòng chống dịch cũng sẽ khó khăn hơn nhiều so với thời gian trước. Lực lượng y tế phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với những gì chúng ta đã làm trước đây”.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Nếu không thần tốc, quyết liệt thì dịch sẽ lây lan nhanh hơn sự ứng phó của chúng ta. Phải khoanh vùng thật gọn, dập dịch thật nhanh, truy vết kịp thời và cách ly thật triệt để mới chặn được mầm bệnh trong cộng đồng”.

Kiểm tra đo thân nhiệt. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Kiểm tra đo thân nhiệt. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Nếu bệnh viện không đảm bảo tiêu chí an toàn thì yêu cầu dừng hoạt động

Để bảo vệ các cơ sở y tế đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, Giáo sư, tiến sĩ.Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương phải tăng cường tập huấn cho cán bộ, song song tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế thực hiện các yêu cầu về an toàn trong phòng chống dịch.

Các bệnh viện cũng phải tăng cường lấy mẫu xét nghiệm nhân viên y tế tại các khoa “điểm yếu” như cấp cứu, hồi sức, khám bệnh, thận nhân tạo... vì đây là nguồn lây bắc cầu.

Nhấn mạnh, việc bảo vệ nhân viên y tế ở mức cao nhất thì mới có thể ứng phó với dịch bệnh, Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Long yêu cầu tuyệt đối không để thiếu hụt trang thiết bị phòng hộ phục vụ chống dịch cho nhân viên y tế.

Các bệnh viện cũng phải có kịch bản cho các trường hợp có ca nhiễm tại bệnh viện, tại các khoa nguy cơ cao của bệnh viện (khoa cấp cứu, khoa thận…).

Ông Long nhấn mạnh: “nếu bệnh viện không đảm bảo tiêu chí an toàn thì yêu cầu dừng hoạt động, nếu tiếp tục tái phạm thì đề nghị xử lý ngay người đứng đầu, bất kể đó là bệnh viện công hay tư”.

Tùng Dương