Những ngày đầu tháng 9, Mỹ Linh đặt chân đến đất nước Hà Lan – nơi được mệnh danh là “Cửa ngõ Châu Âu” trong sự xa lạ và bỡ ngỡ nơi xứ người.
“Người Hà Lan đa văn hóa, thân thiện, lịch sự và luôn sẵn sàng giúp đỡ mình”, Linh chia sẻ về những cảm nhận lần đầu đến đất nước này.
Trần Mỹ Linh trong những ngày đầu tại Hà Lan (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, trong khi các bạn đồng trang lứa đã bắt đầu ổn định công việc, Trần Mỹ Linh (sinh năm 1997) lại nỗ lực tập trung thực hiện ước mơ du học.
Nhận 5 lời mời nhập học cho hai chương trình Quản trị chuỗi cung ứng và Quản trị khách sạn và dịch vụ, Trần Mỹ Linh đã nộp hồ sơ 4 học bổng tại Hà Lan.
Trong số đó, Linh may mắn nhận được 3 học bổng Thạc sĩ: 1 học bổng của Chính phủ Hà Lan và 2 học bổng Orange Tulip Scholarship (OTS) của Đại học Khoa học Ứng dụng Wittenborg và Đại học Khoa học Ứng dụng Fontys. Linh cũng thuộc nhóm danh sách chờ học bổng OTS của trường Nghiên cứu Maastricht.
Holland Scholarship là học bổng của Chính phủ Hà Lan, trong khi Orange Tulip Scholarship (OTS) là học bổng dành riêng cho sinh viên Việt Nam được cung cấp bởi các trường đại học Hà Lan.
Học bổng này là sự kết hợp của Nuffic Neso Vietnam (Văn phòng Hỗ trợ giáo dục Hà Lan tại Việt Nam) với 21 trường đại học tại Hà Lan.
“Mình biết tin trúng tuyển đầu tiên vào giữa tháng 2, sau đó là giữa tháng 4 và cuối cùng là cuối tháng 6. Lúc nhận kết quả cuối cùng, mình như vỡ òa trong cảm xúc vui sướng, dường như mọi cố gắng nỗ lực của bản thân đã được đền đáp xứng đáng”, Mỹ Linh bồi hồi nhớ lại cảm xúc đặc biệt khi đó.
Nói về quá trình đăng ký học bổng, Linh chia sẻ, sau khi tìm hiểu thông tin và nghe lời khuyên từ mọi người thì chỉ tập trung tìm học bổng du học Hà Lan.
Thời gian chuẩn bị và hoàn thiện kéo dài một năm, nhưng trước đó trong quá trình học đại học thì Linh đã có sự nỗ lực để giành được những điểm số cao, đồng thời tham gia các hoạt động cộng đồng.
Chia sẻ về bí quyết giành học bổng, Linh bật mí, trong một bộ hồ sơ, bảng điểm là một trong những điều vô cùng quan trọng. Bởi nó phản ánh quá trình học tập cũng như cá kết quả mà bạn đạt được. Chính vì vậy mỗi bạn sinh viên nên cải thiện điểm số ngay từ khi còn đang đi học.
Sơ yếu lý lịch (CV) xin học bổng và thư bày tỏ nguyện vọng (motivation letter) cũng là hai mục khá quan trọng, cần đầu tư nhiều thời gian.
Tuy dễ gây chán nản khi các bạn bắt đầu viết nhưng hai mục này chính là thứ phác họa lên bức tranh của bản thân và giúp bạn thuyết phục bên trường rằng bạn xứng đáng được học bổng.
Vì vậy điểm đầu tiên phác họa bản thân của CV và thư bày tỏ nguyện vọng phải trùng khớp với nhau, tiếp tới cần phải nêu bật được thành tích và các động lực bản thân bạn cho ngành học, trường học.
Nói về việc lựa chọn theo học chuyên ngành Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng, Mỹ Linh cho biết, Quản trị chuỗi cung ứng (SCM) là một chuyên ngành khá mới mẻ tại Việt Nam hiện nay.
Hai năm gần đây, quản trị chuỗi cung ứng mới được tách ra thành một chuyên ngành riêng của Đại học Ngoại thương và hiện nay có rất ít trường của Việt Nam đào tạo về chuyên ngành này.
Bên cạnh đó, nó đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với bất kỳ một doanh nghiệp hay tổ chức nào, đặc biệt khi khoảng cách khác biệt công nghệ của sản phẩm ngày càng được thu ngắn.
Lĩnh vực này đang dần được đào tạo chuyên sâu trên thế giới, đặc biệt tại một số quốc gia như: Hà Lan, Singapore, Đài Loan,…
Trần Mỹ Linh chụp ảnh tại Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Fontys (Hà Lan). Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Chuẩn bị cho quá trình du học, trong thời gian học đại học, Linh đã tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa với những chuyến tình nguyện lên Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Nghệ An của các tổ chức quốc tế: Plan International, Global Health Reach, Helen Keller International, Yseali cũng như các hoạt động tình nguyện quốc tế của bên Hanoi Free Tour Guides, High5 Hanoi.
Trong một lần tham gia hoạt động ngoại khóa, Linh đã tình cờ gặp một doanh nhân người Hà Lan và được chia sẻ rằng: “Hà Lan là một đất nước bé, nằm dưới mực nước biển, không có nhiều nguồn tài nguyên.
Vì vậy điều đầu tiên họ học được khi tới trường là cách tôn trọng người đối diện. Không có sự tôn trọng, không có sự hợp tác nào thì Hà Lan sẽ không thể lớn mạnh như ngày hôm nay”.
Đó một trong những lý do khiến Linh yêu mến và lựa chọn Hà Lan là điểm đến du học và phát triển trong tương lai.
Ngày 30/8 vừa qua, cô gái 23 tuổi đã bắt đầu một hành trình mới tại xứ sở Hà Lan. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến việc di chuyển các chuyến bay và các hình thức học tập tại Hà Lan.
“Sau những buổi học đầu, mình cũng nhận thấy phương pháp dạy học rất khác biệt, đòi hỏi sinh viên phải đọc tài liệu trước ở nhà và sau đó sẽ phải chủ động đưa ra các chủ đề cùng tranh luận, phản biện.
Mình khá thích cách dạy này vì như vậy sẽ phát huy được sự chủ động sáng tạo của từng sinh viên, bộc lộ và phát triển những điểm mạnh cũng như khắc phục điểm yếu của từng người", Linh cho biết.
Điều thú vị là Mỹ Linh đã đăng ký được học chương trình liên kết của Trường Đại học Khoa học Ứng dụng Fontys (Hà Lan) với Đại học Plymouth (Anh). Quá trình học tập sẽ nhiều áp lực hơn và vất vả hơn vì sẽ phải di chuyển giữa hai quốc gia, nhưng bù lại khi tốt nghiệp Mỹ Linh sẽ có được bằng Thạc sĩ của hai trường đại học danh tiếng.