Với tôi, trường Tôn Đức Thắng là mảnh đất vàng cho những người đam mê nghiên cứu

15/09/2020 13:20
Vũ Ninh
GDVN- Tinh thần Phụng sự và nền tảng Đạo đức, đó là những đặc sắc mà hàng vạn con người được truyền cảm hứng từ trái tim của ngôi trường – thầy Lê Vinh Danh.

“Ở (Đại học) Tôn Đức Thắng, chúng tôi làm việc với tinh thần: Phụng sự”

Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân hiện là Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin ứng dụng, Đại học Tôn Đức Thắng. Năm 2000, chị đăng ký thi vào ngành công nghệ thông tin của Học viện Bưu chính Viễn thông cơ sở phía Nam.

Năm 2004, chị được công ty phần mềm nổi tiếng TMA Solution mời làm việc (mà không cần hồ sơ xin việc hay phỏng vấn).

Năm 2010, Dương Thị Thùy Vân tiếp tục học nghiên cứu sinh và hoàn thành luận án Tiến sĩ ngành công nghệ thông tin trong năm 2015.

Năm 2016, Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân vinh dự trở thành nữ tiến sĩ Việt Nam đầu tiên nhận bằng sáng chế của Mỹ với phát minh: “Hệ thống điều hòa không khí thông minh”.

Năm 2020, bỏ qua rất nhiều lời mời hấp dẫn từ nhiều tập đoàn trong và ngoài nước với mức lương cao hơn rất nhiều mức lương giảng viên, Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân vẫn một lòng gắn bó với mái trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Tại ngôi trường Tôn Đức Thắng, số lượng những giảng viên, nghiên cứu sinh xuất sắc như chị Thùy Vân không phải là ít.

Chắc chắn phải có một điều gì đó hấp dẫn từ mái trường này mới khiến những người như chị Thùy Vân vẫn một lòng, một dạ gắn bó với TDTU từ thuở hàn vi (thời điểm trường mới thành lập năm 1997 đến nay).

Bằng sáng chế USPTO của Tiến sĩ Thùy Vân (Ảnh:V.N)

Bằng sáng chế USPTO của Tiến sĩ Thùy Vân (Ảnh:V.N)

Tâm sự về điều này, chị Thùy Vân cho biết: “Nếu đi làm chỉ vì lương có lẽ chúng tôi đã không lựa chọn làm việc tại trường Tôn Đức Thắng.

Bản thân tôi nhận được những lời mời rất hấp dẫn từ các Tập đoàn lớn trong đó có cả Google với mức lương có thể vài trăm triệu đồng/ tháng. Thế nhưng tôi vẫn ở lại và làm việc tại TDTU bởi đối với tôi mái trường này còn hơn cả ngôi nhà của mình.

Điều đầu tiên, tôi rất cảm phục và mến mộ thầy Lê Vinh Danh; cảm phục vì những gì thầy đã làm được cho Trường và trên hết là vì một mục tiêu cao cả: Đưa một trường đại học của Việt Nam vươn ra tầm quốc tế. Đây là một mục tiêu lớn vì thế tất cả chúng tôi đều đồng lòng vì một mục tiêu chung.

Điều thứ hai, môi trường học tập, tinh thần và văn hóa của TDTU thực sự quyến rũ bất kỳ ai đam mê giáo dục, đam mê giảng dạy.

Ở đây mọi người đều làm việc bằng cả trái tim, bằng tinh thần phụng sự và trách nhiệm. Sinh viên rất ngoan, lễ phép, có năng lực, có ý chí.

Điều thứ ba, TDTU thực sự là mảnh đất vàng dành cho những ai đam mê nghiên cứu học thuật. Tại đây chúng tôi được trọng thị, được Nhà trường giúp đỡ và tạo mọi điều kiện phục vụ giảng dạy, nghiên cứu. Đây là động lực rất lớn để chúng tôi cố gắng hết mình, đóng góp cho nền giáo dục, học thuật nước nhà”.

Tiến sĩ Thùy Vân: Trường Đại học Tôn Đức Thắng là mảnh đất vàng cho nghiên cứu, học thuật (Ảnh tư liệu:tdtu.edu.vn)

Tiến sĩ Thùy Vân: Trường Đại học Tôn Đức Thắng là mảnh đất vàng cho nghiên cứu, học thuật (Ảnh tư liệu:tdtu.edu.vn)

Xuất phát từ tình yêu với mái trường Tôn Đức Thắng, Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân đã dành tặng ngôi trường của mình một món quà vô giá- đó là sự chung vui vì thành tựu cá nhân chị đã có được.

Tấm bằng sáng chế của USPTO trang trọng vinh danh: Inventor (Người phát minh): Dương Thị Thùy Vân; Assignee: Đại học Tôn Đức Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam).

Chị Thùy Vân xúc động: “Tôi muốn dành vinh dự của cá nhân mình chia sẻ cùng mái trường và thầy Lê Vinh Danh. Tôi muốn tên của trường tôi sẽ được rạng danh với bạn bè năm châu, bốn biển.

Phương châm sống của tôi “Hãy đặt trái tim, tinh thần của bạn vào những việc làm nhỏ nhất”. Điều này trùng hợp với triết lý của thầy Danh và trường Đại học Tôn Đức Thắng”.

Thầy Lê Vinh Danh - hình mẫu lý tưởng của hàng vạn giảng viên, sinh viên TDTU (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Thầy Lê Vinh Danh - hình mẫu lý tưởng của hàng vạn giảng viên, sinh viên TDTU (Ảnh:tdtu.edu.vn)

“Đại học Tôn Đức Thắng và thầy Lê Vinh Danh: Nói được; Làm được”

Trong số những giảng viên đang làm việc tại TDTU, thầy Bùi Quốc Bảo là một trường hợp đặc biệt mang 2 Quốc tịch Việt Nam và Pháp.

Năm 2016, thầy Bùi Quốc Bảo khi đó đang là giảng viên của một trường đại học tại Pháp được một số người bạn giới thiệu về ngôi trường này (trong tổng thể chiến lược chiêu mộ nhân tài của Đại học Tôn Đức Thắng).

Sự hiếu kỳ đã dẫn đến quyết định (có thể gọi là bước ngoặt) trong cuộc đời thầy– thầy Bảo quyết định về Việt Nam tham quan và tìm hiểu mô hình tự chủ rất thành công của TDTU.

Và không mất quá nhiều thời gian để thầy Bảo đi đến quyết định từ bỏ công việc cũng như cuộc sống bên Pháp để trở về Việt Nam, chấp nhận làm một nhà giáo “bình dân” với mức thu nhập chỉ bằng 1/10 so với công việc bên trời Tây.

Hồi tưởng quyết định này, thầy Bảo chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi đến trường Đại học Tôn Đức Thắng tôi đã bị ngôi trường này quyến rũ.

Sự quyến rũ không phải đến từ cơ ngơi của nhà trường mà đến từ những nét văn hóa rất đặc sắc của TDTU.

Các bạn sinh viên rất ngoan và lễ phép. Lãnh đạo nhà trường và đặc biệt là thầy Lê Vinh Danh có một tầm nhìn và một chiến lược dài hạn. Tôi rất ấn tượng những gì thầy đã làm được.

Môi trường học tập và chất lượng giáo dục của Đại học Tôn Đức Thắng cho tôi cảm giác gần gũi vì mọi thứ mang đến một cảm giác rất “Tây”, rất hiện đại.

Bên cạnh đó, một trong những lý do chính khiến cho tôi quyết định từ bỏ cuộc sống và công việc ở bên Pháp đó là tôi cảm nhận trường Tôn Đức Thắng và thầy Lê Vinh Danh nói được, làm được chứ không phải chỉ là nói suông, hô khẩu hiệu.

Thực ra đối với mô hình đại học nghiên cứu không phải là một mô hình mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nhưng để cụ thể hóa ý tưởng, khẩu hiệu vào từng hành động, việc làm cụ thể thì tôi chỉ thấy TDTU là làm được.

Những điều này đã được Đại học Tôn Đức Thắng chứng minh qua những thành tựu mà trường đạt được”.

Đại học Tôn Đức Thắng thường xuyên mời các diễn giả, người nổi tiếng truyền cảm hứng cho sinh viên (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Đại học Tôn Đức Thắng thường xuyên mời các diễn giả, người nổi tiếng truyền cảm hứng cho sinh viên (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Tại TDTU có một sự chỉ đỏ liên kết hàng vạn con người nơi đây từ những lãnh đạo cao nhất (thầy hiệu trưởng Lê Vinh Danh) cho đến các giảng viên, sinh viên và nhân viên trong trường.

Sợi chỉ đó là tinh thần và văn hóa mang bản sắc riêng của ngôi trường: Tinh thần Phụng sự, Văn minh, trách nhiệm với Quốc gia được xây dựng trên nền tảng Đạo đức.

Năm 2007, thầy Lê Vinh Danh được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng của trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Tại thời điểm đó, vị hiệu trưởng này đã đưa ra một chiến lược tổng thể: Nỗ lực đưa TDTU trở thành một trường đại học nghiên cứu có thể vươn tầm quốc tế trong tương lai.

Chiến lược và tinh thần đó không gì khác ngoài mục đích phụng sự đất nước và đặt dấu mốc cho giáo dục (đại học) Việt Nam có thể có xuất hiện trên bản đồ học thuật thế giới.

Cơ sở vật chất hiện đại của nhà trường cũng là nguồn "cảm hứng" cho sinh viên (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Cơ sở vật chất hiện đại của nhà trường cũng là nguồn "cảm hứng" cho sinh viên (Ảnh:tdtu.edu.vn)

“Tại trường Tôn Đức Thắng tôi được sống lại với đam mê nghiên cứu”

Điều gì khiến trái tim của một người làm nghiên cứu cảm thấy rung động?

“Đó là một ước mơ chung vĩ đại” – nghiên cứu sinh Bùi Minh Lộc (Đại học Tôn Đức Thắng ) trả lời.

Từng có một thời gian dài làm việc trong một ngôi trường có tiếng (tại Việt Nam), anh Lộc kể về quãng thời gian này như một cái vòng luẩn quẩn: sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Một công việc lặp lại tẻ nhạt, phai dần động lực qua thời gian.

Chỉ khoảng gần 1 năm nay, khi nhận nhiệm vụ tại Đại học Tôn Đức Thắng, tâm hồn của anh Lộc như được tưới tắm trở lại.

Theo anh Lộc: Hạnh phúc của một người làm khoa học không phải nằm ở mức lương mà phải là niềm vui trong nghiên cứu và sự cống hiến cho xã hội.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng và thầy Lê Vinh Danh mang trong mình một khát vọng to lớn (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Trường Đại học Tôn Đức Thắng và thầy Lê Vinh Danh mang trong mình một khát vọng to lớn (Ảnh:tdtu.edu.vn)

Anh Bùi Minh Lộc chia sẻ: “Tôi mới về Đại học Tôn Đức Thắng chưa lâu nhưng tôi cảm thấy được niềm vui khi làm việc ở đây.

Thực ra so với mức lương của nhiều trường, TDTU trả không phải là quá cao nhưng yêu cầu cũng khá khắt khe.

Tuy nhiên điều mà những nghiên cứu sinh như chúng tôi cảm nhận được đó là một môi trường nghiên cứu học thuật thuần khiết, không bị tạp nham.

Nhà trường cũng luôn cố gắng hoàn thiện qua các năm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhất cho các nhà nghiên cứu.

Tuy nhiên ở Đại học Tôn Đức Thắng có một văn hóa: Ai không làm đúng, làm đủ tiến độ sẽ bị ngưng hợp đồng chứ không phải anh vào đây làm giảng viên, làm nghiên cứu là cứ ngồi nhận lương đến cuối đời rồi cầm sổ hưu. Ở TDTU không có chuyện đó. Điều này thúc đẩy sự cố gắng, cầu tiến của mọi người tránh tình trạng ỉ lại, vô trách nhiệm.

Mọi người khi về đây đều phấn đấu vì một mục tiêu chung đó là đưa thương hiệu Đại học Tôn Đức Thắng vươn đến tầm quốc tế, sâu xa hơn là đóng góp cho nền học thuật của nước nhà, đưa chất lượng giáo dục của Việt Nam đi lên”.

Thư viện luôn là địa chỉ ghé thăm của nhiều sinh viên trong trường (Ảnh:V.N)

Thư viện luôn là địa chỉ ghé thăm của nhiều sinh viên trong trường (Ảnh:V.N)

Qua những câu chuyện mà Tiến sĩ Thùy Vân, thầy Quốc Bảo hay anh Minh Lộc chia sẻ phản ánh những khát vọng chính đáng của những người làm nghiên cứu tại Đại học Tôn Đức Thắng: Khát vọng vì một mục tiêu chung; phụng sự đất nước; cống hiến cho xã hội và đưa nền giáo dục Việt Nam ngày một khởi sắc, vươn tầm quốc tế.

Thầy Bùi Quốc Bảo xúc động một vài phút rồi cảm thán: “Một cuộc sống không có ước mơ là một cuộc sống không có gì cả”.

Vũ Ninh