Hé lộ mức hoa hồng hậu hĩnh từ đơn vị cung cấp sổ liên lạc điện tử cho trường

16/09/2020 06:51
Vũ Phương
GDVN- Phụ huynh nhận nhắn tin hàng ngày hay 3 buổi/tuần sẽ được đơn vị cung cấp dịch vụ sổ liên lạc điện tử chiết khấu cho lãnh đạo nhà trường mức tương xứng.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, phụ huynh Trường Tiểu học Quan Hoa (Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội) bức xúc trước việc không đăng ký Sổ liên lạc điện tử ONEDU bị giáo viên chủ nhiệm gây khó dễ.

Đáng chú ý, phụ huynh có con đang theo học tại Trường Tiểu học Quan Hoa thẳng thắn cho rằng, gọi là sổ liên lạc điện tử nhưng thực chất chỉ là những tin nhắn điện thoại SMS không dấu.

Phụ huynh này cũng cho rằng, đăng ký dịch vụ tin nhắn này mỗi tháng chỉ 30.000 đồng/học sinh, nhưng cả trường hàng ngàn học sinh số tiền hàng chi cho những tin nhắn SMS này hàng tháng không hề nhỏ, cả năm càng lớn.

Phụ huynh này ví dụ, một trường tiểu học tại nhiều quận huyện tại Hà Nội sĩ số lên đến khoảng 3.000 học sinh, tính cả trường mỗi tháng chỉ nộp tiền tin nhắn SMS lên đến 90 triệu đồng, cả năm lên đến cả tỷ đồng.

Rõ ràng đây là một sự lãng phí vô cùng lớn. Tại sao không dùng mạng xã hội đã có vừa miễn phí lại có tính tương tác cao, dễ trao đổi hơn nhiều so với tin nhắn SMS.

Ngay khi bài báo được đăng tải, không ít ý kiến phụ huynh Trường Tiểu học Quan Hoa và phụ huynh ở nhiều trường khác đã bày tỏ sự đồng tình và cho rằng một số trường đang rất tích cực triển khai dịch vụ này để hưởng hoa hồng từ nhà cung cấp.

Trao đổi với phóng viên, một giáo viên có thâm niên gần 20 năm làm công tác chủ nhiệm bậc tiểu học tại huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội thẳng thắn cho biết: “Mỗi lớp đều có nhóm kín zalo, mạng xã hội, giáo viên, phụ huynh hoàn toàn có thể trao đổi thông tin trên đó.

Nếu có trường hợp học sinh nào giáo viên phải trao đổi riêng với phụ huynh hoàn toàn có thể nhắn tin, trao đổi riêng.

Còn tin nhắn SMS mà nhiều trường đang triển khai có thu phí chỉ tương tác một chiều, tin nhắn không dấu, nhiều khi phụ huynh không hiểu nội dung là gì. Phụ huynh lại phải nhấc máy lên gọi lại”.

Giáo viên này không ngại cho rằng: “Sổ liên lạc điện tử có thu phí hay nói chính xác là dịch vụ tin nhắn điện thoại SMS đang làm khổ giáo viên, tốn tiền của phụ huynh, chỉ có lợi cho đơn vị cung cấp dịch vụ và hiệu trưởng".

Thông điệp của Trường Tiểu học Quan Hoa "Tất cả vì học sinh thân yêu" có đang thực sự vì học sinh trong việc sử dụng dịch vụ Sổ liên lạc điện tử ONEDU?. Ảnh: TH Quan Hoa.

Thông điệp của Trường Tiểu học Quan Hoa "Tất cả vì học sinh thân yêu" có đang thực sự vì học sinh trong việc sử dụng dịch vụ Sổ liên lạc điện tử ONEDU?. Ảnh: TH Quan Hoa.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Sổ liên lạc điện tử ONEDU được Trường Tiểu học Quan Hoa triển khai nhiều năm nay sử dụng của Công ty Cổ phần Thương mại công nghệ thông tin di động.

Để tìm hiểu rõ về mức hoa hồng mà nhà cung cấp chiết khấu lại cho trường dùng dịch vụ con số cụ thể bao nhiêu phần trăm, trong vai đại diện một trường tư thục có nhu cầu sử dụng dịch vụ Sổ liên lạc điện tử ONEDU chúng tôi đã nắm được một số thông tin cụ thể.

Liên hệ qua đường dây nóng của Công ty Cổ phần Thương mại công nghệ thông tin di động, nhân viên kinh doanh của đơn vị này tư vấn rất nhiệt tình: “Nhà trường có 2 lựa chọn, nhắn tin SMS hàng ngày cho từng phụ huynh và nhắn tin 3 ngày/tuần.

Nếu nhà trường đăng ký gọi dịch vụ ngày nào cũng nhắn tin cho phụ huynh sẽ được chiết khấu 20%.

Còn nếu một tuần giáo viên chỉ nhắn 3 buổi, nhà trường sẽ được chiết khấu cao hơn đến 25%”.

Phía Công ty Cổ phần Thương mại công nghệ thông tin di động cũng cho biết: “Vào đầu học kỳ nhà trường sẽ tiến hành thu luôn tiền của phụ huynh tham gia theo kỳ.

Sau đó, nhà trường trả cho công ty, công ty sẽ chiết khấu ngay 20-25% tùy thuộc vào gói nhắn tin 3 buổi/tuần hay nhắn tin cả tuần cho phụ huynh”.

Nhân viên tư vấn của Công ty Cổ phần Thương mại công nghệ thông tin di động cũng tiết lộ: “Tại thành phố, nhà trường có thể thu 30.000 đồng/tháng/học sinh tham gia dịch vụ sổ liên lạc điện tử ONEDU.

Còn đối với vùng nông thôn, vùng khó khăn, có thể thu từ 20.000-25.000 đồng/tháng/học sinh”.

Hình ảnh phụ huynh Trường Tiểu học Quan Hoa chụp lại khi đăng nhập vào phần mềm sổ liên lạc thông minh Hà Nội SmartCity nhưng lại không có thông tin gì. Ảnh: PHCC.

Hình ảnh phụ huynh Trường Tiểu học Quan Hoa chụp lại khi đăng nhập vào phần mềm sổ liên lạc thông minh Hà Nội SmartCity nhưng lại không có thông tin gì. Ảnh: PHCC.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tại quận Cầu Giấy, không chỉ Trường Tiểu học Quan Hoa sử dụng dịch vụ tin nhắn SMS của Công ty Cổ phần Thương mại công nghệ thông tin di động mà một số trường khác trong quận này cũng sử dụng.

Trở lại câu chuyện tại đăng ký Sổ liên lạc điện tử ONEDU tại Trường Tiểu học Quan Hoa, một phụ huynh bức xúc cho biết, do không đăng ký dịch vụ Sổ liên lạc điện tử ONEDU nên hiện nay không biết tình hình con học trên lớp thế nào.

Phụ huynh này cho biết: “Giáo viên chủ nhiệm lớp con tôi có thẳng thừng cho biết, không đăng ký sổ liên lạc điện tử thì không thể biết tình hình con học trên lớp như thế nào. Gia đình phải chấp nhận”.

Có một điều lạ, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai đến phụ huynh phần mềm sổ liên lạc điện tử thông minh là Hà Nội SmartCity hoàn toàn miễn phí, nhưng không hiểu lý do vì sao trường này gần như không tương tác.

Phụ huynh này cũng cung cấp cho phóng viên một số hình ảnh khi đăng nhập vào phần mềm này là nội dung trống trơn. Không có một nội dung gì được Trường Tiểu học Quan Hoa triển khai, thông báo cho phụ huynh.

Trong khi đó, trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Hoàng Anh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quan Hoa nói nhà trường không ép buộc phụ huynh phải đăng ký sổ liên lạc điện tử ONEDU.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quan Hoa, trường vẫn tổ chức song song cả sổ liên lạc điện tử miễn phí của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và của ONEDU.

Vũ Phương