Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khuyên giới trẻ không để bị chìm trong nợ nần

19/09/2020 06:19
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
GDVN- Chúng ta có nghĩa vụ tự đào tạo mình, để thành thục về tiền bạc và không bị nhấn chìm bởi nợ nần, vươn lên khỏi các con sóng tiền bạc.

LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gửi đến bạn đọc bài viết số 104 trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Giáo sư giới thiệu những nội dung chính của cuốn sách “Chiếc Birkin màu cam- tự chủ tài chính cá nhân” của tác giả Alex Tú.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đây là cuốn sách thứ 9 của Alex Tú. Alex Tú tên thật là Dương Thanh Tú, tác giả triển vọng và tác giả phong cách của Nhà xuất bản Phụ nữ, thủ khoa tuyển sinh và Á khoa tốt nghiệp của Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh và cử nhân Đại học Quốc gia Singapore.

Cuốn “Chiếc Birkin màu cam- tự chủ tài chính cá nhân” được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành năm 2020.

Cuốn sách “Chiếc Birkin màu cam - tự chủ tài chính cá nhân”. (Ảnh: alex-tu.com)

Cuốn sách “Chiếc Birkin màu cam - tự chủ tài chính cá nhân”. (Ảnh: alex-tu.com)

- Phức tạp có thể bẻ gẫy thành đơn giản, ngược lại đơn giản có thể biến thành phức tạp có chủ ý.

- Lừa dối bản thân về lâu về dài là sự lãng phí tiềm năng, không cải thiện được tình hình hiện tại và tương lai. Mười năm nữa sẽ vẫn có thể y hệt (thậm chí tệ hơn) bây giờ.

- Tài chính cá nhân quan trọng với từng người, từng gia đình.

- Mù tài chính cá nhân đe dọa sự tự do, tiến bộ và thịnh vượng của cá nhân.

- Giáo dục truyền thống không dạy chúng ta cá kỹ năng để sống tốt, trong đó có lĩnh vực tiền bạc, tài chính cá nhân.

- Chúng ta có nghĩa vụ tự đào tạo mình, để thành thục về tiền bạc và không bị nhấn chìm bởi nợ nần, vươn lên khỏi các con sóng tiền bạc.

- Tiến bộ khoa học kỹ thuật hỗ trợ mạnh mẽ cho việc giáo dục tài chính cá nhân. Cúng ta không còn có thể biện minh để trì hoãn.

- Để có thể thành công về tài chính cá nhân, chúng ta phải bắt đầu và duy trì liên tục quá trình giáo dục này. Đơn giản nhất là duy trì thói quen về học hỏi tài chính cá nhân (thông qua blog, sách, tạp chí online…) để duy trì đà tiến lên cải thiện tình hình tài chính cá nhân.

- Một số tư duy tích cực về tiền bạc dưới đây sẽ giúp chúng ta rất nhiều:

Biết quên đi những tư duy cũ không hợp thời và đón nhận những tư duy tích cực, thức thời về tiền bạc

Tiền không quan trọng, mà là Rất quan trọng.

Bản chất của tiền không xấu, không đẹp. Tiền được sinh ra để hỗ trợ cuộc sống con người.

Tiền là phương tiện giúp chúng ta đạt được các mục đích có ý nghĩa trong cuộc sống.

Tha thứ cho bản thân những lỗi lầm về tiền bạc và bước tiếp.

Hãy ngưỡng mộ những người giàu có và thành công.

Biết ơn cuộc sống vì những điều ta đang có, vì công ăn việc làm chúng ta đang nắm giữ.

Bản chất con người thích vui, thích hạnh phúc, thích sung sướng, thích tiện nghi, thích hưởng thụ và tiền sẽ hỗ trợ quá trình này ít nhiều.

Kiếm tiền là để thỏa mãn các nhu cầu của con người.

Để đi cùng tiền thật tốt chúng ta phải luyện tập.

Phụ nữ già đi theo năm tháng nhưng không vì thế mà tiền sẽ phản bội hoặc để đi với người chủ khác trẻ trung, xinh đẹp hơn.

Khi thanh toán các hóa đơn hãy vui vẻ nếu chúng ta có đủ tiền để chi trả.

Cẩn trọng với tất cả những suy nghĩ và phát ngôn về tiền bạc.

Quan tâm đến tiền bạc chính là yêu thương chính bản thân mình.

Trân quý tiền bạc và không cảm thấy tội lỗi vì điều đó.

Tư duy tập trung vào sự thịnh vượng, giàu có thay vì sự nghèo khó, khan hiếm.

Hào hứng nếu phải thảo luận hoặc nói tới chủ đề tiền bạc.

Kết hợp hài hòa giữa thái độ về tiền bạc với các giá trị chúng ta trân trọng phong cách sống chúng ta thực hành.

Không tự đánh giá thấp bản thân.

Tập trung vào những kỹ năng giá trị, điều tích cực khiến chúng ta nổi trội nhất.

- Các sai lầm về tài chính cá nhân: Coi số mình nó thế. Có dư tiền rồi mới đầu tư. Quên chi trả cho mình trước. Không hiểu về thuế thu nhập (cá nhân và công ty). Không mua bảo hiểm. Dè sản được một tháng rồi buông bỏ cả năm.

Phán xét người khác từ góc độ của mình.

Ngại thảo luận về tiền bạc.

Quên mất mục tiêu ưu tiên có thể thay đổi

Không bám lấy mục tiêu con số.

Thứ tự ưu tiên từ chi tiêu rồi mới tới bảo hiểm, tiết kiệm, đầu tư và nghỉ hưu.

Qua một đêm là biết quản lý tài chính.

Mơ hồ các con số.

Khi biết được các con số tài chính cá nhân quan trọng thì lại sợ hãi, hoang mang và bỏ chạy

Keo kiệt khoảng nhỏ, phung phí khoản to

Vay nợ thêm mà không nhìn lại các nợ cũ chưa trả hết.

Mua đồ tiêu sản phung phí mà không dùng tới và cũng không kiếm thêm được thu nhập từ đó.

Ăn uống lung tung có hại cho sức khỏe.

Giao du với nhiều người có tư duy nghèo nàn về tiền bạc.

Há miệng chờ sung, chờ người chồng tương lai là kế hoạch tài chính trọng đời duy nhất.

- Xác định các khoản nợ bạn đang có

Ghi chép cụ thể chi tiết các khoản nợ này

Với tốc độ hiện tại (thu, chi, trả nợ) bao lâu bạn sẽ hết sạch nợ?

Nếu cần bán tài sản để xử lý nợ, bạn có tài sản để làm việc này không?

Tốc độ bán tài sản quy ra tiền mặt nhanh hay chậm?

Liệt kê những mặt tích cực và tiêu cực của từng khoản nợ kể trên để cân nhắc thứ tự xử lý các khoản nợ.

- Tiết kiệm: Xác định số tiền bạn định tiết kiệm hàng tháng

Tìm hiểu một ngân hàng có lãi suất cao nếu bạn muốn tiết kiệm. Tiết kiệm bằng sổ hoặc tiết kiệm trực tuyến.

Ghi chép cụ thể chi tiết các thông số tiết kiệm nếu gửi ngân hàng (Lãi suất? Thời hạn gửi? Lãi đầu kỳ hay cuối kỳ?)

Nếu không muốn gửi tiết kiệm thì bạn có hình thức lưu giữ tiền khác không (ví dụ mua vàng? hình thức này có sinh lợi nhuận không?)

Số tiền tiết kiệm hàng tháng trong thời gian tới có thể điều chỉnh tăng lên được không?

-Bảo hiểm: Bảo hiểm y tế là một hình thức bảo hiểm theo đó người mua bảo hiểm sẽ được bảo hiểm trả thay một phần hoặc toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cũng như chi phí mua thuốc men.

Bảo hiểm nhân thọ là công cụ duy nhất tạo ra tài sản nhất thời khi rủi ro đột ngột ập đến bất ngờ. Còn người là còn tất.

- Vài con số tài chính cá nhân quan trọng:

-Tổng tài sản: con số tương đối của tổng tài sản

- Tổng nợ

- Giá trị tài sản ròng : (=Tổng tài sản- Tổng nợ)

- Tiền chi tiêu trung bình của một tháng

- Tiền thu nhập trung bình của một tháng

- Quỹ khẩn cấp (gấp 6 lần chi tiêu một tháng) - Cần để riêng, khi cần dễ dàng dùng, chỉ khi thật sự đột xuất và không còn cách nào khác.

- Du học: có thể là vài năm sau khi đi làm. Gồm có Tổng tiền tạm tính (học phí + đi từ Việt Nam + chi phí ở + chi phí ăn + Chi phí đi lại nơi học + chi phí bảo hiểm bắt buộc + chi phí sách giáo khoa và văn phòng phẩm + các khoản khác)- Tổng tiền cần chuẩn bị (120% tổng tiền tạm tính).

Huy động tiền từ đâu ( tiền mặt có sẵn + rút tiết kiệm + bán xe máy + bán mảnh đất nhỏ + vay tín chấp + nguồn tiền khác).

- Tiền đặt cọc: Nếu giấy tờ nhận đặt cọc không thông qua công chứng thì người bán vẫn có thể bán cho người khác hoặc đánh tháo bắt giá cao hơn.

- Khởi nghiệp kinh doanh: Cứ từ từ từng bước, không ai biết chạy trước khi biết đi. Với ít vốn phải dựa trên kiến thức và kinh nghiệm (cập nhật, nâng cao, tích lũy) và nền tảng khoa học kỹ thuật (đi học, đi hỏi, thậm chí thuê chuyên gia làm thành viên).

Nên ở cạnh những người có kinh nghiệm phong phú, có hiểu biết chuyên sâu, có thái độ tích cực, có tư duy doanh nhân, có hành động đúng việc và gọn lẹ. Kỹ năng thiết yếu nhất là bán hàng và tiếp thụ bản thân.

Năm điều các tỷ phú thường hối tiếc là:

- Không dấn thân vào những cơ hội tuyệt vời

- Không sống trong hiện tại

- Không bắt đầu sớm hơn

- Không dũng cảm, quyết liệt hơn

- Không thay đổi đủ nhanh.

- Hưu trí: Sau tuổi nghỉ hưu sức lao động gần như không còn nhưng cuộc sống vẫn cần chi tiêu, chưa kể việc ủng hộ con cháu. Xây dựng quỹ hưu trí càng sớm càng tốt. Tìm ra kênh đầu tư có lãi suất ổn định cao hơn lãi suất ngân hàng càng nhiều càng tốt. Hạn chế chi tiêu đột biến ngoài vùng an toàn. Mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm nhân thọ đầy đủ (đừng quên họ không bán cho người cao tuổi hoặc ốm yếu).

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng