Đầu năm học mới, xôn xao khắp nơi những câu chuyện nội dung sách giáo khoa lớp 1 đổi mới, giá tiền sách giáo khoa đi kèm giá sách tham khảo ở miền xuôi mà dường như người ta quên mất những bộ sách mới về miền ngược vất vả như thế nào?
Đổi sách mới, không xin được sách cũ
Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu tháng 8, thầy cô giáo ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lũng Hồ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang lại chạy ngược, chạy xuôi để xin sách cũ cho học trò.
Đó không phải công việc bắt buộc, nhưng nhiều năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng đất nghèo khó này, chứng kiến những cảnh sống vất vả lúc nào cũng thiếu trước hụt sau nên các thầy cô luôn cố gắng sẻ chia với bà con dân bản nhiều hơn.
Năm nay, các thầy cô vẫn đi xin sách, riêng lớp 1 thì phải vận động tài trợ xin sách mới vì cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và sử dụng bộ sách giáo khoa mới.
Từ nhiều năm trước, những cuốn sách dù đã cũ, mỗi lần xin về được các thầy cô bọc lại gọn gàng, chia theo từng bộ, từng lớp, cố gắng giữ gìn cẩn thận nhất để nếu sau khi hoàn thành năm học khóa trước, khóa sau vẫn có thể tiếp tục sử dụng được.
Hành trình đi “xin sách” chưa bao giờ dễ dàng, dù đi lại rất vất vả, nhưng cứ điểm nào có sách cũ quyên góp là các thầy cô lại lên đường.
Thầy Vũ Đức Thân, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lũng Hồ: “Lũng Hồ là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Yên Minh, cũng như cả nước. Việc đi xin sách vở cho học sinh ở đây cũng trở thành thông lệ bao nhiêu năm qua.
Mình không xin thì phụ huynh sẽ phải tự đi xin. Nhưng ý thức về việc học đối với bà con dân tộc ở địa phương học tập không phải là điều họ quan tâm nhất, thế nên thầy cô giáo trên này không sợ vất vả mà chỉ sợ học sinh đến trường mà không có sách”.
Trong những chuyến xe lăn bánh đi xin sách, đồ dùng học tập, quần áo để học sinh bắt đầu năm học mới của các thầy cô bám bản có cả mồ hôi, nước mắt thậm chí là máu.
“Địa hình vùng núi cao, hiểm trở. Có những điểm trường xa xôi và xe máy cũng rất khó khăn mới vào được tận nơi như Ngài Trồ 2. Đi xe không khéo có thể người, sách nhào với bùn làm một.
Năm nay, Ngài Trồ 2 đã xây thành điểm trường mới, có phòng học sạch nhưng đường đi đến điểm trường vẫn là đường nhỏ, dốc và mỗi trận mưa xuống thì lầy lội vì trên này toàn đất bùn.
Đường đi vào tận điểm trường chỉ có xe máy, vận chuyển nhẹ nhàng, thường là dắt bộ đẩy xe nhiều hơn di chuyển mới vào được tận bản.
Vì thế sách xin được sẽ tập trung ở điểm trường trung tâm. Để sách cũ nhà trường xin được về các điểm trường lẻ còn vất vả thêm bội phần”, thầy Thân tâm sự.
Nhờ sự nỗ lực của các thầy cô nên luôn có đủ sách cho học sinh ở những điểm trường xa xôi tại Hà Giang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Thầy Thân tâm sự, xin sách không phải nhiệm vụ của các thầy cô giáo bám bản được giao mà chính là lương tâm nghề giáo khi thấy khó khăn trong giáo dục, nếu không bắt tay vào làm thì sẽ khó có kết quả tốt.
Học sinh miền núi thuộc hộ nghèo sẽ có hỗ trợ khi đến trường, nhiều hộ khác không còn trong danh sách hộ nghèo nhưng cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn, cộng với thói quen không coi trọng học tập của nhiều phụ huynh nên nhà trường lại phải gánh lấy phần trách nhiệm ấy.
Các thầy cô luôn cố gắng xin đủ sách để học trò yên tâm tới trường. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Nhớ đến hình ảnh phụ huynh vùng cao khi nghe tin phải mua sách mới, không học được sách cũ, thầy Thân khẽ thở dài mà tâm sự: “Bảo không phải hộ nghèo nhưng người dân thoát nghèo trên này cũng không khá giả gì hơn. Bởi hộ nghèo trên này là quá nghèo rồi, nên không thuộc hộ nghèo thì người dân vùng cao cũng đã quá thiệt thòi.
Khi nghe chương trình giáo dục phổ thông mới phải học sách lớp 1 mới bà con trên này lo lắng lắm. Như thường lệ, các thầy cô giáo bám bản như mình vẫn có thói quen xin sách cũ cho học sinh vào năm học mới nhưng năm nay không sử dụng được sách cũ.
Bản thân mình lúc đầu cũng lo lắng, trăn trở lắm, từ trước đến nay, các thầy cô giáo chỉ xin những sách vở, quần áo, đồng phục cũ cho con em đồng bào đi học. Nay sách đổi mới, nếu đi xin phải xin sách mới nên thật sự không dễ dàng.
Khó khăn là thế nhưng nghĩ đến những cô bé, cậu bé mới chập chững bước vào ngưỡng cửa đầu đời để biết con chữ không có sách, các thầy cô lại không đành, lại tiếp tục dùng tri thức không chỉ để “gieo chữ” mà còn đi “xin của” để các em được đến trường”.
Những lần đi “xin sách” của thầy cô giáo bám bản là những gửi gắm tình thương, trách nhiệm bình dị nhất cho ngành giáo dục vùng cao, là mở đầu cho tương lai tươi sáng nơi địa đầu tổ quốc.
Học sinh ở Lũng Hồ, xã Yên Minh, tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Những chuyến xe thơm mùi sách mới
140 em học sinh Lũng Hồ, Yên Minh, Hà Giang vừa đón được chuyến xe ủng hộ sách mới, là sách giáo khoa lớp 1 trọn bộ mới cứng, thơm phức như mơ ước về một tương lai tươi sáng của các em học sinh miền núi nơi đây khi tới trường.
Chuyến xe chở đầy sách mới lớp 1 lên đến 19 điểm trường lẻ của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lũng Hồ là kết quả của những trăn trở về khó khăn giáo dục miền núi của thầy cô giáo bám bản “gieo chữ”.
“Giáo dục miền núi vốn đã nhiều khó khăn, dù thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hay không thì để những đứa trẻ đến trường hôm nay là cả một quá trình địa phương và nhà trường vận động trước đó cả tháng, thậm chí vài ba tháng.
Để một đứa trẻ đến trường, ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước, rất nhiều trường hợp nhà trường, thầy cô trực tiếp giảng dạy học sinh phải cam kết với phụ huynh đồng bào rằng con em họ đến trường phải được no cả bụng, “no” cả chữ mà không làm ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình.
Đã quyết tâm bám bản, đã hứa với phụ huynh học sinh để họ yên tâm cho con em đi học, dù khó khăn đến mấy, các thầy cô cũng cố gắng hoàn thành để duy trì sĩ số học sinh đến trường”, thầy Vũ Đức Thân chia sẻ.
Thầy Thân là người đích thân đứng ra kết nối giữa các nhóm thiện nguyện để có được những bộ sách giáo khoa lớp 1 mới theo Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Những học sinh thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ 100 nghìn đồng/tháng nhà trường đặt mua sách đầy đủ cho các em. Ngoài ra, trường có 140 học sinh là con em đồng bào dân tộc, thuộc vùng 3 nhưng không thuộc diện hộ nghèo, không được hỗ trợ sách vở nên các thầy cô giáo vận động, kết nối các nhóm thiện nguyện giúp đỡ để không một học sinh nào đến trường mà không có sách mới.
Thầy Thân kêu gọi sự ủng hộ đến từ nhiều nơi thì mới có đủ 140 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới. Dù vất vả nhưng 100% số học sinh đến trường đều được sử dụng sách mới vào đầu năm học đó cũng là niềm hạnh phúc mộc mạc, giản dị của thầy cô giáo vùng cao.
Những chuyến xe chở đầy sách mới là chở hi vọng của cả một vùng cao của tổ quốc đang được thắp sáng. Còn có những địa phương cái khổ, cái nghèo đeo bám hàng ngày thì sẽ còn có những thầy cô giáo tiếp tục bám bản, những đoàn thiện nguyện quyết tâm “đi tận nơi, làm tận chốn” để “gieo mầm” tri thức.
Đó không chỉ là giá trị của đồng tiền, vật chất mà cao hơn cả là giá trị của tình người.