Như vậy, trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm 2020 đã tìm ra nhà vô địch ngày 20/9.
Các “nhà leo núi”: Vũ Quốc Anh (Trung học phổ thông Ngô Gia Tự, Đắk Lắk), Nguyễn Thị Thu Hằng (Trung học phổ thông Kim Sơn A, Ninh Bình), Văn Ngọc Tuấn Kiệt (Trung học phổ thông Thị xã Quảng Trị), Lưu Đào Dũng Trí (Trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) đã cống hiến cho khán giả một cuộc thi giàu cảm xúc.
Sau nhiều năm, vòng nguyệt quế đã được trao cho nhà vô địch là nữ giới, cô gái đầy cá tính Nguyễn Thị Thu Hằng.
Điểm đặc biệt từ trận chung kết năm nay, số tiền thưởng dành cho Quán quân sẽ lần đầu tiên tăng lên mức 40.000 USD cùng suất học bổng tại trường Đại học Kỹ thuật Swinburne (Úc).
Kết thúc cuộc thi, câu chuyện không mới nhưng vẫn tạo ra sự tranh cãi rất nhiều lần rằng cuộc thi đang tuyển chọn nhân tài cho nước Úc.
Câu chuyện Quán quân Olympia không về nước đã trở thành chủ đề bàn tán rất nhiều trong suốt 20 năm qua. Nhiều người cho rằng những quán quân năm ấy đi du học rồi ở nước ngoài định cư là "chảy máu chất xám", "Olympia đào tạo nhân tài cho Australia, Mỹ".
Năm nào, kết thúc kỳ thi Olympia đều có tranh cãi về việc "tìm kiếm nhân tài cho nước Úc". Ảnh VTV |
Tuy nhiên, nếu mọi người đang nhìn nhận vào nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia như một thiên tài, vậy những nhà vô địch tuần, quý, tháng hay những người thất bại trong trận chung kết có phải là nhân tài hay không?
Trước khi tiến vào cuộc thi chung kết, 4 thí sinh cuối cùng cũng đã vượt qua gần 150 thí sinh khác trong suốt cuộc thi năm…
Những nhà leo núi này đều tài năng, giỏi giang tại ngôi trường của họ, và đa phần họ sẽ ở lại Việt Nam để học tập, làm việc và cống hiến.
Nhà vô địch đã nhận được học bổng để đi học khi họ mới chỉ 18 tuổi, tất cả chỉ mới là bước khởi đầu vào đời, chỉ mới chừng đó thôi đã cho rằng Việt Nam chảy máu chất xám liệu có quá đáng?
Bên cạnh đó, mỗi năm, Việt Nam đều có hàng có hàng trăm học sinh đạt các giải quốc gia và thế giới, họ cũng đã mang về vinh quang cho đất nước, rất nhiều người cũng đã ở lại Việt Nam học tập và xây dựng đất nước.
Vậy nhân tài là gì? Đã có nhiều nhà khoa học, tuỳ theo nội dung và mục tiêu nghiên cứu đã đưa ra những định nghĩa khác nhau về nhân tài. Từ điển Hán ngữ hiện đại định nghĩa “Nhân tài là người có tài năng và đạo đức; có một sở trường nào đó”.
Tác giả Nguyễn Đắc Hưng và Phan Xuân Dũng trong cuốn Phát triển nhân tài - Chấn hưng đất nước (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2007) đưa ra quan niệm “Nhân tài là những người có tài năng, năng lực vượt trội ở lĩnh vực nào đó: kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học... và có đóng góp cho xã hội”.(1)
Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới sở hữu và làm chủ công nghệ 5G, có ai trong đội ngũ làm chủ công nghệ ấy là “nhà vô địch Olympia” hay không?
Rồi đội ngũ tạo ra những chiếc điện thoại “Make in Vietnam” tại BKAV, Vsmart, ô tô Vinfast…
Hay như câu chuyện người đang nghiên cứu vaccine Covid-19 ở các đơn vị nghiên cứu tại Việt Nam, có ai trong số họ là nhà vô địch Olympia hay không? Câu trả lời là không có.
Những người đang công việc đó tất nhiên không thể là người bất tài và họ đang âm thầm đóng góp cho xã hội.
Yêu nước có thể thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Nếu đã yêu Tổ quốc, người trẻ luôn có những cách khác nhau thể hiện tình yêu. Ảnh minh họa: Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh |
Nhân tài không chỉ là câu chuyện của từng cá nhân “nhà vô địch Olympia” đi rồi chưa trở về mà chọn nước ngoài sinh sống.
Việc những nhà vô địch đó chọn ở đâu để sống là chuyện…rất bình thường. Ai cũng có lựa chọn của riêng mình, không thể cứ khoác cái mác “Vô địch Olympia” là nhân tài là phải về cống hiến cho đất nước.
Cũng đã có những nhân tài trở về nước nhưng tự cho mình là “thượng đẳng”, đòi hỏi, thay vì cống hiến cho cộng đồng, xã hội lại tỏ ra hằn học và phát biểu không đúng với tình hình thực tế và chẳng liên quan gì đến lĩnh vực của mình làm việc.
Những người đó không phải là nhân tài, mà thậm chí là “nhân tai”, sống bằng ảo tưởng quá khứ.
Quán quân Olympia năm thứ 17 Phan Đăng Nhật Minh từng tâm sự trong gala 20 năm đường lên đỉnh Olympia: "Mình thấy rằng không nhất thiết phải về nước thì mới trực tiếp đóng góp được. Ngành học của mình ở Việt Nam rất khó kiếm việc và nghiên cứu nên mình muốn ưu tiên nơi nào phát triển hơn.
Ở đây, điều mình thích nhất là giáo dục cởi mở, giáo sư và học viên nói chuyện như 2 người bạn, không có rào cản. Đó là điều mình mong mỏi nếu có dịp trở về".
Yêu nước không có nghĩa là phải về nước cống hiến bằng mọi giá, chưa về không có nghĩa là không bao giờ về.
Nếu là một người Việt yêu nước định cư ở nước ngoài, vẫn có thể cống hiến bằng nhiều cách khác nhau, có khi là tuyên tuyền văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, có khi là giúp đỡ bà con Việt kiều sống tốt trong cộng đồng…
* Tài liệu tham khảo:
(1) http://isos.gov.vn/Thongtinchitiet/tabid/84/ArticleId/1576/language/vi-VN/Ban-v-quan-ni-m-va-cac-y-u-t-xac-d-nh-nhan-tai-trong-n-n-con
(2) https://vtv.vn/truyen-hinh/gala-20-nam-duong-len-dinh-olympia-nhieu-cau-chuyen-chua-ke-ve-cac-thi-sinh-olympia-20200919142251573.htm