Thành phố Hồ Chí Minh không cấm sử dụng điện thoại trong giờ học

25/09/2020 12:52
Việt Dũng
GDVN- Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh không cấm việc sử dụng điện thoại, hay các trang thiết bị khác phục vụ trong giờ học.

Ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh tại buổi tọa đàm “Học sinh được sử dụng điện thoại – Nên hay không?”.

Buổi tọa đàm này vừa được tổ chức vào ngày 25/9, do báo Tiền Phong và Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) đồng tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi tọa đàm này, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Hoài Phương – Trưởng bộ môn Luật, Luật kinh tế của HIU nói rằng, thông tư 32/2020/TT-BGDĐT hoàn toàn không cấm việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng giao quyền cho phép hay không cho phép sử dụng dành cho giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền cho chính người giáo viên đứng lớp quyết định. Trên thế giới, việc sử dụng điện thoại trong giờ học cũng có những quy định khác nhau.

Phó Giáo sư Trần Mạnh Hà - Phó Hiệu trưởng HIU phát biểu tại tọa đàm (ảnh: P.L)

Phó Giáo sư Trần Mạnh Hà - Phó Hiệu trưởng HIU phát biểu tại tọa đàm (ảnh: P.L)

Chẳng hạn: ở Nhật thì học sinh mang điện thoại đến trường để đề phòng thảm họa thiên nhiên, nhằm có thể liên hệ. Còn ở Mỹ thì không phải bang nào cũng cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

Tại Việt Nam, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Hoài Phương khẳng định: Không phải gia đình nào cũng có thể trang bị cho con em mình một chiếc điện thoại thông minh

Đồng quan điểm này, Phó Giáo sư Trần Mạnh Hà – Phó Hiệu trưởng trường HIU cũng đã nói, việc sử dụng điện thoại trong giờ học nên được xem là thiết bị hỗ trợ học tập cho học sinh.

“Thầy cô cho học sinh mang máy tính vào lớp, thì điện thoại cũng là thiết bị tương tự. Tôi cho rằng, nên cho các em mang điện thoại vào lớp học để sử dụng, bởi thầy cô hoàn toàn kiểm soát được việc này”.

Phó Giáo sư Trần Mạnh Hà đề nghị, nên có một khóa tập huấn để giáo viên nâng cao kỹ năng quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động.

Toàn cảnh buổi tọa đàm được tổ chức vào sáng ngày 25/9 (ảnh: P.L)

Toàn cảnh buổi tọa đàm được tổ chức vào sáng ngày 25/9 (ảnh: P.L)

Theo đại diện các trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, có một số tiết học tại các trường như tiết Anh văn ở trường Nguyễn An Ninh thì cho học sinh dùng điện thoại di động, hoặc như tại trường chuyên Lê Hồng Phong, một số tiết học cho học sinh dùng điện thoại mà các em cũng không có nhu cầu dùng, chỉ ghi nhận những chỗ nào không hiểu rồi về tra lại sau.

Dù vậy, trên phương diện của một chuyên gia về giáo dục thể chất, Phó Giáo sư Lương Thị Ngọc Ánh – Trưởng bộ môn giáo dục thể chất của HIU khẳng định: Sử dụng điện thoại di động quá nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn về mặt tinh thần, thể chất, làm cho con người vô cảm.

Học sinh cũng vậy, không là ngoại lệ, nên cũng cần tự ý thức sử dụng điện thoại di động một cách hiệu quả nhất.

Để sử dụng điện thoại di động một cách hiệu quả nhất, cô Lê Thị Phượng – Phó Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn An Ninh, quận 10 nhấn mạnh: Quan trọng nhất là tính tự giác của học sinh, sau đó mới tới sự quản lý của giáo viên.

“Ngoài ra, giáo viên cũng cần phải nâng cao trình độ, tự trau dồi để thích nghi” – cô Phượng kết luận.

Thay mặt cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng thông tin: Ngành giáo dục của thành phố không cấm việc sử dụng điện thoại, hay các trang thiết bị phục vụ trong giờ học.

“Chúng tôi giao quyền sử dụng các thiết bị này cho mỗi nhà trường, các thầy cô giáo. Thông tư 32 là một hướng mở, theo kịp xu hướng hiện nay. Chúng ta cần phải hiểu rõ, thông tư 32 là sử dụng điện thoại trong giờ học phải được sự cho phép của giáo viên” – ông Trịnh Duy Trọng khẳng định.

Việt Dũng