Ngày 25/9/2020, chương trình chiếu phim do chính người điếc tham gia vào quá trình sản xuất và diễn xuất, triển lãm ảnh và trao giải cuộc thi ảnh đã được tổ chức nhằm hưởng ứng Tuần lễ Quốc tế người điếc được diễn ra từ ngày 21 đến 27/9/2020.
Tuần lễ Quốc tế người điếc năm 2020 với chủ đề “Ngôn ngữ kí hiệu cho mọi người” được tổ chức bởi ban vận động thành lập Hội người điếc Việt Nam dưới sự phối hợp và hỗ trợ của Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam,Viện Nghiên cứu Phát triển cộng đồng, Nhóm Nghe bằng mắt.
Tham dự chương trình có Phó giáo sư Nguyễn Đức Minh, Phó viện trưởng Viện khoa học Giáo dục Việt Nam; ông Nguyễn Trung Thành – Phó trưởng phòng chính sách xã hội, Cục bảo trợ xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội); ông Trần Ngọc Nghị - Phó trưởng phòng phục hồi chức năng và giám định thuộc quản lý khám chữa bệnh; bà Simon Vis -Trưởng bộ phận giáo dục của Unicef Việt Nam; Đại diện các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các tổ chức trong nước;
Và đại diện lãnh đạo các vụ, các trung tâm giáo dục, cơ sở giáo dục..
Chương trình chiếu phim hưởng ứng Tuần lễ Quốc tế người điếc với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, người đại diện và khán giả (Ảnh: Kim Anh) |
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hưởng ứng tuần lễ người điếc thế giới từ ngày 21-27/9 và là một điểm nhất của tuần lễ này.
“Với thông điệp nhằm chia sẻ rộng rãi tới cộng đồng về khả năng cũng như nỗ lực vượt khó của người điếc để học tập và tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi mặt đời sống và đặc biệt nhằm lan tỏa Ngôn ngữ kí hiệu – là ngôn ngữ giao tiếp của người điếc”, bà Nguyễn Thị Thủy – Cán bộ Hiệp hội Vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thủy – Cán bộ Hiệp hội Vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam (Ảnh: Kim Anh) |
Nhấn mạnh vai trò trong việc đảm bảo quyền cho trẻ em khuyết tật, ông Tạ Ngọc Trí – Phó vụ trưởng vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó trưởng ban chỉ đạo trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ:
Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn luôn quan tâm đến việc đảm bảo quyền cho các em học sinh khuyết tật được tiếp cận với giáo dục, đặc biệt là tiếp cận với giáo dục có chất lượng.
Do đó với học sinh khuyết tật đặc biệt là học sinh điếc, việc các em được sử dụng ngôn ngữ kí hiệu để có thể hòa nhập với cộng đồng người điếc cũng như là cộng đồng trong chúng ta học ngôn ngữ kí hiệu để có thể cùng chia sẻ, cùng từ thiện các hoạt động khác nhau đối với các em. Đó là điều hết sức quan trọng .
Luật giáo dục ban hành năm 2019 và chính thức có hiệu lực từ 1/7/2020 có Điều 15 liên quan đến giáo dục hòa nhập và để giáo dục hòa nhập tốt thì những công cụ như là ngôn ngữ kí hiệu dành cho trẻ điếc là cực kỳ quan trọng.
“Chúng tôi luôn mong muốn những chương trình trên ti vi của chúng ta ngày càng thêm có những người dịch bằng ngôn ngữ kí hiệu để cộng đồng người điếc có thể hiểu tất cả những gì đang xảy ra xung quanh và hòa nhập cuộc sống trong xã hội chúng ta một cách bình đẳng, tiếp thu được tất cả những gì mà chúng ta mong muốn”, ông Trí thông tin thêm.